1. Giá trị dinh dưỡng của đậu nành
Các thành phần hóa học tìm thấy trong hạt đậu nành chứa tới 38-45% protein (thịt chỉ có15-20%) đứng đầu bảng trong các loại thực vật, 15-20% lipid. Đậu nành là thức ăn đem lại sức lực và sản sinh nhiều năng lượng.
Trong hạt đậu nành có nhiều chất khoáng: Ma-giê, canxi, sắt, kali, phốt pho, nhiều vitamin B1, B2, E, PP, K. Ngoài ra, còn nhiều loại enzyme rất có lợi cho cơ thể: Amilaza, lipaza, proteaza, urêaza...
Nhìn chung, trong đậu nành có đủ các axit amin cơ bản. Ngoài ra, đậu nành còn được coi là một nguồn cung cấp protein hoàn chỉnh vì nó chứa hàm lượng cao protein từ thực vật, có thể được thay thế protein từ thịt động vật.
Ở các nước như Nhật Bản, Trung Quốc, lượng protein hằng ngày được cung cấp khoảng 60% thông qua các chế phẩm từ đậu nành.
Sữa đậu nành chứa nhiều chất dinh dưỡng và axit amin.
2. Tác dụng của đậu nành
Các công trình nghiên cứu khoa học gần đây cho thấy đậu nành có khả năng ngăn chặn nhiều bệnh.
Ở Nhật người ta ăn trung bình mỗi ngày trên 50g đậu nành và số người bị ung thư vú, tuyến tiền liệt, bệnh phổi, trực tràng đều rất thấp. Ngày càng có nhiều bằng chứng khẳng định các hợp chất chứa trong đậu nành có thể hỗ trợ ngăn chặn phát triển ung thư và các bệnh tim.
Các chuyên gia dinh dưỡng đã thử nghiệm thấy: Protein trong đậu nành có khả năng làm giảm cholesterol "có hại" (LDL) vì cholesterol này tạo ra cục máu đông có thể dẫn tới ngừng tim hoặc đột tử. Đậu nành cũng là vũ khí chống lại chứng loãng xương thường xảy ra ở người có tuổi, nhất là phụ nữ sau khi mãn kinh. Những chất trong đậu nành giúp duy trì trọng lượng của xương vì chứa nhiều canxi rất tốt cho xương.
Hạt đậu nành làm ra giá đậu nành chữa viêm họng, lợi tiểu.
3. Cách dùng đậu nành trong phòng chữa bệnh
3.1 Chữa viêm họng, ho khan, tiểu tiện sẻn: Sắc giá đậu nành (rau mầm) với ít trần bì (vỏ quýt lâu năm) để ngậm, uống.
3.2 Trị chứng dạ dày tích nhiệt, tâm trạng bồn chồn không yên: Đậu nành 500g, tiết lợn sống 300g. Đậu nành rửa sạch, ngâm nước cho mềm, tiết lợn luộc chín vớt ra thái miếng để riêng, cho hạt đậu vào nước luộc tiết đun chín nhừ. Đậu chín cho tiết vào đun sôi lại vài phút là được. Ăn liền trong 5- 7 ngày là 1 liệu trình. Nghỉ vài ngày lại tiếp tục 1 liệu trình mới.
3.3 Hỗ trợ điều trị tăng huyết áp, béo phì thể thấp trệ, mỡ máu cao, suy nhược cơ thể: Hạt đậu nành 250g, đậu phụ 200g, nấm hương 10g, gia vị vừa đủ.
Hạt đậu nành rửa sạch, ngâm nước cho mềm, cho vào nồi ninh nhừ. Nấm hương ngâm cho nở, đậu phụ thái miếng. Đậu nành đun nhừ cho tiếp nấm, tiếp đến đậu phụ đun sôi là được. Ăn liền trong 10 ngày là 1 liệu trình. Nghỉ vài ngày lại tiếp tục 1 liệu trình mới. Ăn liên tục 3 liệu trình.
3.4 Hỗ trợ điều trị đái tháo đường, tăng huyết áp, rối loạn lipid máu: Đậu phụ 200g, giá đậu nành (rau mầm) 250g, mộc nhĩ 20g, gia vị vừa đủ. Tất cả đem nấu canh hoặc xào ăn trong ngày, ăn liên tục 10-15 ngày.
3.5 Phụ nữ có thai, tăng huyết áp: Mầm đậu nành đun kỹ lấy nước uống nóng.
3.6 Da khô, nếp nhăn, đồi mồi: Đậu nành 500g rang tán bột mịn. Uống 3g/ lần trộn với 1 ít rượu trắng. Ngày 3 lần, liên tục 3 tháng.
3.7 Phòng ung thư phổi cho người hút thuốc, nâng cao hiệu quả các trị liệu ung thư, giảm thiểu độc hại của hóa trị, xạ trị: Nấu giá đậu nành (250g) với cam thảo 4g. Chia uống trong ngày.
Mời bạn xem thêm video:
Một số bài thuốc dân gian đơn giản hỗ trợ điều trị đau dạ dày