Hà Nội

7 bài thuốc nam điều trị thủy đậu

SKĐS- Thủy đậu là bệnh truyền nhiễm hay gặp trong mùa đông xuân. Bệnh thường nhẹ, lành tính, khỏi nhanh nhưng cũng có khi gây biến chứng nguy hiểm.

1. Đặc điểm của bệnh thủy đậu

Lúc đầu hơi sốt, nhức đầu, sổ mũi, ăn không ngon, ho, rối loạn tiêu hóa, tiểu tiện lỏng. Vài ngày sau xuất hiện rải rác các nốt đỏ ở sau lưng, sau đó lan khắp tay chân (nhưng ít hơn). Sau khi nổi lên, ở chính giữa có một bọng nước gọi là bào chẩn. Bào chẩn chóng lớn và to dần không đều nhau, chứa một chất nước trong, không mưng mủ, có vành đỏ xung quanh, kéo dài độ 3-4 ngày thì khô và bong ra. Những nốt thủy đậu có tuổi khác nhau, nốt này mọc, nốt kia bay, đây là một đặc điểm riêng của bệnh thủy đậu. 

Về biến chứng của bệnh thủy đậu, chủ yếu là biến chứng nhiễm khuẩn thứ phát ở da, nhiễm khuẩn tại các nốt rộp thủy đậu. Tuy nhiên, bệnh thủy đậu cũng có thể gây các biến chứng nặng như viêm não, viêm phổi, viêm kết mạc, viêm tai giữa, nhiễm khuẩn huyết... Vì vậy cần theo dõi chặt chẽ diễn biến bệnh để có điều trị kịp thời.     

2.Các thảo dược trong thành phn bài thuốc điều trị thủy đậu

2.1 Bạc hà:

Tinh dầu bạc hà và hoạt chất menthol có tác dụng sát khuẩn. Bạc hà trị ngoại cảm phong nhiệt, phát sốt, không ra mồ hôi, nhức đầu, ngạt mũi, ho, viêm họng, sưng đau. Ngày dùng 4-8g dưới dạng thuốc hãm, thường phối hợp với các vị khác.

2.2 Cam thảo:

Cam thảo được dùng chữa cảm mạo, ho mất tiếng, viêm họng, ngộ độc. Ngày dùng 4-12g dưới dạng bột, thuốc hãm, thuốc sắc.

photo-1639760381441

Cam thảo trong bài thuốc điều trị thủy đậu thanh nhiệt, giải độc, giảm ho

2.3 Lá dâu tằm:

Lá dâu tằm trị cảm phong nhiệt, sốt nóng, phát ban, nhức đầu, ho, viêm họng. Ngày dùng 4-12g dạng thuốc sắc.

2.4 Đậu xanh:

Tác dụng chữa sốt nóng, phiền khát, các trường hợp ngộ độc. Vỏ hạt đậu xanh cũng có tác dụng giải nhiệt, tiêu độc. Ngày dùng 25- 50g hạt đậu xanh hoặc vỏ đậu xanh, sắc nước uống.

2.5 Sinh địa (địa hoàng):

Chữa âm hư, phát nóng về chiều, khát nước, viêm họng đau, ban chẩn, tân dịch khô. Ngày dùng 8-16g dạng thuốc sắc.

2.6 Hoàng cầm:

Thuốc an thần, hạ sốt, chống co giật, chữa sốt cao kéo dài, cảm mạo, phế nhiệt, ho, mất ngủ. Ngày uống 6-15g dạng thuốc sắc hoặc thuốc bột.

2.7 Kim ngân:

Thuốc kháng khuẩn, hạ sốt và chống dị ứng. Được dùng chữa mụn nhọt, mày đay, ban sởi, ho do phế nhiệt. Ngày dùng 4-6g hoa hay 10-16g cành lá.

2.8 Kinh giới:

Thuốc kháng khuẩn và hạ sốt, dùng chữa cảm mạo, sốt, cúm, nhức đầu, hoa mắt, viêm họng, sởi. Ngày dùng 6-16g dạng thuốc sắc, hãm hoặc bột.

2.9 Liên kiều:

Thuốc kháng khuẩn, kháng virus cúm, kháng nấm, hạ sốt, chống viêm, lợi tiểu. Được dùng chữa phong nhiệt, cảm sốt, viêm đau họng, phát ban. Ngày dùng 10-30g (dùng riêng) hoặc 6-12g (phối hợp với các vị khác), dạng thuốc sắc.

photo-1639760385437

Cam thảo trong bài thuốc điều trị thủy đậu kháng khuẩn, chống viêm

2.10 Phong phong:

Phòng phong có tác dụng hạ st, chống dị ứng, được dùng trị nhức đầu, choáng váng. Ngày dùng 6-12g, dạng thuốc sắc hoặc hoàn tán. Thường phối hợp với các vị thuốc khác.

2.11 Sài hồ bắc:

Tác dụng hạ sốt, giảm đau, an thần, chống viêm, điều hòa miễn dịch, bảo vệ gan; được dùng chữa sốt cao, chữa những bệnh nhiễm khuẩn có sốt, điều trị sốt, đau và viêm kết hợp với cúm và cảm lạnh. Ngày dùng 10-15g, sắc uống.

2.12 Rễ sậy:

Rễ sậy được dùng làm thuốc chữa sốt, bí tiểu tiện. Ngày dùng 10-12g, sắc uống.

2.13 Lá tre:

Tác dụng hạ sốt, lợi tiểu; được dùng chữa cảm sốt, khát nước, ra nhiều mồ hôi, ho, trẻ em kinh phong. Ngày dùng 20g dạng thuốc sắc.

2.14 Dành dành:

Chữa sốt, bồn chồn, khó ngủ, vàng da, tiểu tiện khó. Ngày dùng 6-12g dạng thuốc sắc hoặc hoàn tán.

3. Các bài thuốc điều trị thủy đậu

3.1 Bệnh thể nhẹ:

Biểu hiện: Những nốt thủy đậu mọc rải rác, xung quanh màu hồng nhạt, sốt nhẹ, có khi không sốt, ho ít, nước mũi trong, ăn uống bình thường.

Bài 1: Kim ngân, sài đất, kinh giới, thổ phục linh, mỗi vị 15-20g, sắc uống ngày một thang.

Bài 2: Lá tre 16g, lá dâu 12g; Kim ngân, rễ sậy, mỗi vị 10g; cam thảo đất, cúc hoa, kinh giới, mỗi vị 8g, bạc hà 6g. Sắc uống ngày một thang.

Bài 3: Liên kiều, lá tre, mỗi vị 8g; cát cánh, đạm đậu xị, mỗi vị 4g; bạc hà, chi tử (dành dành), cam thảo, mỗi vị 2g, hành tăm 2 củ. Sắc uống ngày một thang. 

Bài 4: Cam thảo dây, sinh địa, kim ngân, vỏ đậu xanh, mỗi vị 12g lá tre 10g; hoàng đằng, rễ sậy, mỗi vị 8g. Sắc uống ngày một thang.

Bài 5: Mã đề 12g; Hoạt thạch, liên kiu, ngưu bàng tử, mỗi vị 8g; Hoàng cầm, xích thược, sài hồ, chi tử, mộc thông, mỗi vị 6g; Phòng phong, kinh giới, cam thảo, đương quy, mỗi vị 4g, thuyền thoái 2g. Sắc uống ngày một thang

3.2 Bệnh thể nặng:

Biểu hiện: Thủy đậu mọc dày, sắc tím tối, màu nước đục, xung quanh nốt thủy đậu màu đỏ sẫm, sốt cao phiền khát, mặt đỏ môi hồng, niêm mạc miệng có những nốt phỏng. Nốt phỏng rất dễ vỡ, dễ loét và dễ gây bội nhiễm.

Bài 1: Bồ công anh 16g; kim ngân, sinh địa, mỗi vị 12g; liên kiều, xích thược, chi tử sao, mỗi vị 8g. Sắc uống ngày một thang. Họng đau, thêm xạ can 4g, sơn đậu căn 8g, khát nước, miệng khô, thêm rễ qua lâu, mạch môn, sa sâm, mỗi thứ 8-12g.

Bài 2: (Thuốc dùng ngoài): Bôi nước lá chàm hay bột chàm (thanh dại), hoặc dùng rau sam, hay lá thuốc bỏng, hoặc xuyên tâm liên, giã nát rồi chấm lên nốt phỏng

4. Lưu ý khi điều trị thủy đậu

Bệnh nhân thủy đậu cần được cách ly để tránh lây lan ra diện rộng. 

Tăng cường dinh dưỡng, nâng cao sức đề kháng, giữ vệ sinh cá nhân sạch sẽ, tránh chà xát trên da làm vỡ nốt đậu, cắt ngắn móng tay tránh trường hợp khi gãi làm trầy xước da đề phòng nhiễm khuẩn, vi khuẩn xâm nhập tại nốt đậu vào cơ thể.

Thường xuyên thay quần áo, tiệt khuẩn, giặt riêng, phơi nắng hoặc sấy khô. Nếu có biến chứng nhiễm khuẩn, hoặc các dấu hiệu bất thường cần đến bệnh viện ngay để được tư vấn và điều trị kịp thời

Mời bạn xem thêm video:

 Tết năm nay, người dân chần chừ về quê vì phải cách ly | SKĐS

BS Lê Thị Hương
Ý kiến của bạn