7 bài thuốc chữa bệnh từ đậu đỏ

24-08-2023 15:21 | Vị thuốc quanh ta

SKĐS - Đậu đỏ không chỉ cung cấp nhiều chất dinh dưỡng cho cơ thể, mà còn là vị thuốc chữa nhiều bệnh.

Đậu đỏ thuộc nhóm thuốc lợi thủy, thẩm thấp, có tên thuốc là xích tiểu đậu, hồng tiểu đậu, hồng đậu... có tác dụng thanh nhiệt, giải độc.

Theo nghiên cứu của y học hiện đại, đậu đỏ rất giàu chất dinh dưỡng như carbonhydrat (58%), protein 21%, lipid 0,5%; các vitamin nhóm B (B1, B2); các nguyên tố vi lượng cần thiết cho cơ thể: Fe, Ca, P… Ngoài ra còn có sắc tố, phytosterol, các saponin tritecpenic… Đậu đỏ lại có tác dụng kháng một số chủng vi khuẩn như ức chế tụ cầu khuẩn Staphylococcus aureus, trực khuẩn thương hàn Salmonella

Theo y học cổ truyền, đậu đỏ có vị ngọt, nhạt, chua, tính bình, vào các kinh tâm, tiểu tràng; có công năng thanh nhiệt giải độc, lợi thủy, tiêu thũng, trừ thấp, trừ mủ, hành huyết, chỉ huyết; được dùng để trị nhiều bệnh tiêu hóa: Đau dạ dày, tả, lỵ, đầy trướng bụng; bệnh tiết niệu (tiểu ngắn, đỏ, tiểu buốt, dắt); bệnh gan, mật hoặc mụn nhọt…

photo-1692635479175

Đậu đỏ (xích tiểu đậu) vị thuốc thanh nhiệt, chữa nhiều bệnh.

Cách dùng đậu đỏ chữa bệnh

- Hỗ trợ trị bệnh đái tháo đường: Đậu đỏ, đậu xanh, ý dĩ, mỗi vị 40g, nấu cháo ăn, tuần 2 - 3 lần.

Hoặc dùng bài: Đậu đỏ (có thể ủ lên mầm - giá đậu đỏ), nấu với dạ dầy lợn, tuần ăn 2 lần.

- Trị chứng chảy máu hậu môn trước khi đại tiện: Đậu đỏ (ủ cho nhú mầm, lấy ra phơi khô), đương quy. Hai vị đồng lượng.

Đương quy nên lấy phần phía đầu rễ (quy đầu) thì tốt hơn (vì quy đầu mang tính chất chỉ huyết tốt hơn), thái phiến mỏng, sấy khô ở nhiệt độ ≤ 60 độ C. Cả hai đều tán thành bột mịn, trộn đều, bảo quản trong lọ thủy tinh khô; để nơi cao ráo, thoáng gió.

Ngày dùng 1-2 lần, mỗi lần 6g, uống với nước cơm, hoặc nước cháo. Uống nhiều tuần lễ cho tới khi hết các triệu chứng mà Đông y gọi là "Trường phong hạ huyết" (chảy máu hậu môn trước khi đại tiện).

- Trị tiểu buốt, tiểu ra máu: Dùng phương thuốc trên, ngày 10-20g bột, uống với nước đun sôi để nguội.

- Trị trĩ chảy máu và đại tiện ra máu: Đậu đỏ 20g, hòe hoa 12g, đương quy 8g. Trước hết đem hòe hoa sao cho tới khi toàn bộ bên ngoài có mầu đen, hơi có mùi cháy, bên trong vẫn còn mầu nâu. Sau đó đem cả 3 vị sắc lấy nước, trước khi uống, nhân lúc còn nóng có thể cho vào 4g cao a giao, quấy cho tan đều để uống. Uống nhiều ngày cho đến khi hết các triệu chứng.

photo-1692635480173

Tránh nhầm lẫn với một loại đậu đỏ khác (Phaseolus calcaratus Roxb.) cùng họ đậu, song có hạt to hơn, dài 15 - 20 mm, hơi dẹt, vỏ cũng có mầu đỏ nâu. Loại đậu này chủ yếu chỉ dùng để làm thực phẩm.

- Trị mụn nhọt sưng đau: Đậu đỏ 20g, hoàng bá nam (vỏ núc nác), ngưu tất, kim ngân hoa, bồ công anh, đơn lá đỏ, mỗi vị 12g. Sắc uống, ngày một thang, uống nhiều thang tới khi các triệu chứng thuyên giảm.

Cần chú ý, nếu mụn nhọt đã vỡ loét thì bỏ kim ngân hoa. Có thể dùng nước sắc lần cuối của phương thuốc này để rửa mụn nhọt, rồi thấm khô. Cũng có thể lấy hạt tươi hoặc khô của đậu đỏ, giã nát, thêm giấm thanh làm thành dạng bột nhão, bôi vào nơi mụn nhọt sưng đau; hoặc lấy rễ tươi của cây đậu đỏ, giã nát rồi đắp vào nơi sưng đau.

- Trị phù thũng: Đậu đỏ, cỏ may (cỏ bò rò), cà gai leo, dây bòng bong, mỗi vị 30g. Sắc uống, ngày một thang, uống nhiều ngày tới khi các triệu chứng thuyên giảm. Nếu người bệnh có cơ thể hàn, cần đem đậu đỏ sao cho đen đi.

- Thanh nhiệt: Có thể sử dụng đậu đỏ dưới dạng canh thang đậu đỏ gồm đậu đỏ với ý dĩ hoặc đậu đỏ với bí đao để ăn thường xuyên. Ngoài ra, đậu đỏ còn được dùng trong bệnh viêm gan vàng da, hoặc phụ nữ sau khi sinh, máu hôi không sạch bằng cách dùng đậu đỏ nấu với đại táo để ăn.

Mời bạn xem thêm video:

Ngứa sau khi sốt xuất huyết có nguy hiểm không? | SKĐS

GS Phạm Xuân Sinh
Ý kiến của bạn