1.Đặc điểm của cây nhàu
Cây nhàu là cây thân gỗ cao chừng 4-8m, thân nhẵn, thường mọc hoang ở những nơi ẩm thấp dọc bờ sông bờ suối. Cây có nhiều cành to, lá mọc đối, hình bầu dục rộng, có góc ở gốc, nhọn ở đầu, dài 12-30cm, rộng 6-15cm, bóng loáng, dạng màng. Hoa trắng, hợp thành đầu, đường kính 2-4cm, nở vào tháng 1-2.
Quả hình trứng, xù xì, dài chừng 5-6cm; gồm nhiều quả mọng nhỏ, màu vàng lục nhạt, bóng, dính với nhau. Quả chín vào tháng 7-8. Ruột quả có một lớp cơm mềm, chính giữa có một nhân cứng. Nhân dài chừng 6-7mm, ngang chừng 4-5mm, có 2 ngăn chứa 1 hạt nhỏ.
Để làm thuốc, thu hái và sử dụng lá, quả, vỏ cây và rễ nhàu, dùng tươi hoặc dùng khô.
Cây nhàu được dùng làm thức ăn và thuốc.
2.Tác dụng chữa bệnh của cây nhàu
Lá nhàu: Chữa lỵ, tiêu chảy, cảm sốt. Dùng ngoài giã nát, đắp vào vết thương, vết loét, viêm khớp đau nhức giúp chóng lên da non, giảm đau nhức. Trong dân gian dùng lá nhàu nấu canh ăn cho bổ hoặc hầm với lươn ăn để dưỡng thận.
Vỏ thân: Dùng cho phụ nữ sau sinh, nấu nước uống.
Rễ nhàu: Chữa cao huyết áp, xương khớp nhức mỏi và đau lưng.
Quả nhàu: Quả nhàu chín dễ tiêu hóa, nhuận tràng, có tác dụng điều hòa kinh nguyệt, trị băng huyết, bạch đới, đau gân xương. Quả già nướng chín để chữa đi lỵ, ho,hen, cảm, đái tháo đường, phù thũng.
Kết quả nghiên cứu những năm gần đây cho thấy: Vỏ rễ nhàu chứa moridon, acid rubicloric và một số hợp chất có tác dụng hạ huyết áp mạnh và kéo dài. Ngoài ra còn có tác dụng ức chế nhẹ đối với hệ thần kinh trung ương.
Dịch quả nhàu chứa chất damnacanthal có tác dụng ức chế nhiều loại tế bào ung thư do làm giảm lượng máu tới khối u. Dịch chiết quả nhàu làm giảm sự tiết dịch của niêm mạc dạ dày, tá tràng, rất tốt cho trường hợp viêm dạ dày thể đa toan hoặc trường hợp trào ngược dịch dạ dày, viêm phế quản, hen suyễn; các bệnh tự miễn như viêm khớp dạng thấp, vảy nến, đái tháo đường type 2, bệnh lupus ban đỏ, bệnh nhiễm khuẩn, viêm gan mạn tính.
Cao lỏng rễ nhàu có tác dụng giảm đau, chống viêm, hạ đường huyết.
Rễ nhàu khô
3. Bài thuốc từ cây nhàu
3.1 Chữa tăng huyết áp: Rễ nhàu khô 30-40g, sắc uống hàng ngày. Uống liền 15 ngày là 1 liệu trình, nghỉ 1 tuần, tùy theo mức độ huyết áp lúc đó mà dùng tiếp liệu trình sau và giảm liều. Có thể nấu thành cao lỏng dùng dần.
3.2 Chữa đau lưng, nhức xương khớp: Rễ nhàu hay quả nhàu non, thái nhỏ 100g, ngâm với 800 ml rượu. Sau 3-4 tuần chiết lấy dịch ngâm. Thêm rượu chiết vài lần, gộp dịch chiết. Ngày uống 3 lần, mỗi lần 20 ml trước bữa ăn.
3.3 Kích thích tiêu hóa, lợi tiểu, điều kinh, đại tiện táo: Quả nhàu chín 3-5 quả, ăn với muối.
3.4 Trị kiết lỵ: Quả nhàu già 3 quả, nướng chín ăn.
Hoặc dùng bài: Lá nhàu 12g, cỏ sữa 10g, sắc uống.
3.5 Trị ho ra máu: Rễ nhàu 40g, thiên môn đông 20g, mạch môn 20g, bách bộ 20g. Sắc với 900ml nước còn 450ml, chia 3 phần, uống trong ngày.
Hoặc nấu thành cao lỏng tỷ lệ 1-1 rồi pha với mật ong (nửa liều cao lỏng). Dùng liên tục 3 tháng.
3.6 Trị mất ngủ, thống phong (gout), kinh nguyệt không đều, khí hư bạch đới: Quả nhàu chín 1 kg, đường cát 200g, rượu 1200ml.
Nhàu chín rửa sạch, xay nhuyễn luôn cả hạt cùng với đường và rượu vừa đủ, để vào lọ thủy tinh đậy kín, ủ 5-7 ngày, chắt lấy nước cốt. Ngày uống 3 lần, mỗi lần 5ml, sau ăn. Nếu không uống được rượu thì pha loãng với nước ấm.
3.7 Hỗ trợ điều trị vết thương phần mềm (bầm, bong gân, trật khớp, tụ huyết, sưng đau): Quả nhàu chín bẻ đôi thoa lên vết bầm, sau đó bỏ hột giã nát, đắp vào nơi tổn thương, băng lại, ngày thay thuốc 2 lần.
Mời bạn xem thêm video:
Bộ Y Tế cảnh báo: Dịch sốt xuất huyết thời gian tới rất căng thẳng