Tết Nguyên đán là dịp mọi người du xuân, đến nhà thăm hỏi nhau. Đây là thời điểm trẻ học được nhiều điều mới lạ vì có cơ hội tiếp xúc, gặp gỡ nhiều người. Để giúp con hiểu về ngày Tết cổ truyền cũng như tránh những tình huống khiến cha mẹ khó xử khi con không lịch sự, thiếu lễ phép, chuyên gia giáo dục - ThS Quản lý Giáo dục Vũ Diễm chia sẻ một số cách đơn giản cha mẹ có thể dạy con sau đây:
Thứ nhất, cha mẹ cần dạy con cách dọn dẹp, trang trí nhà cửa đón Tết
Tùy vào độ tuổi để giao việc, cho trẻ thấy rằng đón Tết vừa là trách nhiệm với gia đình vừa là công việc thường nhật. Bằng cách phân công cho bé những công việc nhỏ như dọn dẹp đồ chơi, gấp quần áo, sắp xếp sách vở trên bàn học gọn gàng, ngăn nắp, lau bàn học… cha mẹ có thể vừa làm vừa dạy bé nguyên nhân tại sao các gia đình thường dọn nhà để đón Tết. Làm cùng với bố mẹ cũng giúp tình cảm gia đình thêm gắn bó và dạy cho con hiểu được giá trị của ngôi nhà.
Tiếp đến là dạy con về ý nghĩa của các món ăn truyền thống ngày Tết
Vào mỗi dịp Tết, hầu hết các gia đình Việt Nam đều không thể thiếu những món ăn truyền thống trong mâm cơm ngày Tết như: bánh chưng, bánh tét, thịt gà, canh măng, kiệu muối, dưa hành, thịt đông,… Nhiều trẻ sẽ thắc mắc vì sao những món ăn này chỉ được làm dịp Tết? Các món ăn có ý nghĩa gì?
Các bậc cha mẹ hãy giải thích cho trẻ hiểu rằng, những món ăn ngày Tết mang nhiều ý nghĩa về mong ước một năm mới an lành, thịnh vượng. Cha mẹ có thể sử dụng câu chuyện "Sự tích bánh chưng, bánh giầy" để dạy trẻ trân trọng những người nông dân "dãi nắng, dầm mưa" tạo nên hạt gạo trắng tinh khôi mà chúng ta ăn hàng ngày.
Bên cạnh đó, cha mẹ cũng có thể cho con tham gia vào các công đoạn của việc gói bánh chưng hoặc làm mứt Tết. Ví dụ: với trẻ nhỏ thì có thể lau rửa lá dong; trẻ lớn hơn thì có thể đãi gạo, gói bánh… chắc chắn trẻ sẽ rất thích thú.
Thứ ba, dạy bé về phong tục cúng tổ tiên đêm giao thừa
Cha mẹ có thể nói với bé rằng đêm giao thừa cũng giống như ngày lễ tổng kết năm học của bé và thời khắc cuối cùng của một năm cũ qua đi, chuẩn bị đón năm mới đến được gọi là Giao thừa. Tục lệ cúng Giao thừa cũng là để con người cảm ơn trời, đất, chính vì thế mà đây là những giờ phút linh thiêng và quan trọng không thể thiếu mỗi khi Tết đến.
Còn với người Công giáo, thánh lễ cầu cho ông bà tổ tiên vào mùng 2 Tết nhằm ghi nhớ công ơn của những người đã qua đời và xin Chúa ban cho họ sớm được về thiên đàng.
Thứ tư, dạy con chúc Tết
Tết là dịp gia đình sum họp, trao cho nhau những nụ cười và lời chúc để bày tỏ lòng hiếu thảo, tình yêu thương với niềm mong ước một năm an vui, may mắn và hạnh phúc. Phong tục chúc Tết cũng là một nét đẹp văn hóa, thể hiện tinh thần "Uống nước nhớ nguồn" của dân tộc Việt Nam.
Vì thế, cha mẹ hãy dạy con một số câu chúc Tết ý nghĩa. Tùy vào độ tuổi mà cha mẹ dạy con có lời chúc thích hợp, ví dụ với ông bà thì chúc "khỏe mạnh, sống lâu trăm tuổi", với người lớn thì chúc "sức khỏe dồi dào, làm ăn phát tài", với anh/chị thì chúc "hạnh phúc, may mắn". Phong tục này, cha mẹ có thể tranh thủ dạy con khi cùng bé làm việc nhà hoặc vào những giờ kể chuyện trước khi đi ngủ.
Thứ năm, dạy con về phong tục nhận lì xì
Trẻ nhỏ rất thích lì xì. Tuy nhiên, cha mẹ cần dạy trẻ biết ý nghĩa của bao lì xì Tết và một số kỹ năng ứng xử khi nhận phong bao lì xì từ mọi người. Trước Tết, cha mẹ cần giải thích với trẻ là phong bao lì xì để chúc trẻ may mắn, mau ăn chóng lớn, mạnh khỏe. Trẻ không nên mở ra xem ngay khi mới nhận, cũng không nên đưa ra lời khen chê ít nhiều. Cách ứng xử lịch sự nhất là nhận lì xì và cho vào túi, nói lời cảm ơn và ngoan ngoãn tiếp tục ngồi chơi.
Thứ sáu, dạy trẻ cách ứng xử chuẩn mực khi ăn uống ngày Tết
Để tránh tình trạng bé cau có đòi về, hay khó chịu khi ba mẹ ở lại ăn uống tại nhà người khác dịp Tết. Tốt nhất ba mẹ nên dạy con cần ứng xử lịch sự khi tới nhà khách, có thể mang theo trò chơi cho con, cho trẻ xem tivi, hoạt hình trong lúc ngồi đợi ba mẹ. Ngoài ra, hàng ngày cha mẹ nên hướng dẫn trẻ tuân thủ những quy tắc khi dùng bữa như: không la hét, nghịch ngợm, không chạy nhảy trong nhà, không chạm vào các đồ dễ vỡ,… bởi sẽ gây ảnh hưởng đến người khác.
Cuối cùng, cha mẹ cần hướng dẫn con "khai bút" đầu năm
Khoảng 2 ngày cuối kỳ nghỉ Tết, cha mẹ có thể tập thói quen cho con mình học tập như những ngày đi học trước đó. Việc này sẽ giúp các con thích nghi nhanh, tránh tâm lý uể oải trở lại học sau Tết.