Thông tin về việc ban hành Thông tư số 03/2019/TT-BYT ngày 28/3/2019 của Bộ trưởng Bộ Y tế về Danh mục thuốc sản xuất trong nước đáp ứng yêu cầu về điều trị, giá thuốc và khả năng cung cấp, Cục Quản lý Dược cho biết:
Triển khai Luật Dược năm 2016, Luật Đấu thầu năm 2013 về việc ưu tiên thuốc sản xuất trong nước trong công tác đấu thầu và thực hiện Đề án “Người Việt Nam ưu tiên dùng thuốc Việt Nam”, Bộ Y tế đã ký ban hành Thông tư số 03/2019/TT-BYT ngày 28/3/2019 kèm Danh mục thuốc sản xuất trong nước đáp ứng yêu cầu về điều trị, giá thuốc và khả năng cung cấp thay thế Thông tư số 10/2016/TT-BYT ngày 05/5/2016.
Mục tiêu xây dựng Danh mục: Đối với thuốc trong Danh mục thuốc sản xuất trong nước đáp ứng yêu cầu về điều trị, giá thuốc và khả năng cung cấp tại Phụ lục kèm theo Thông tư, trong hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu phải quy định nhà thầu không được chào thầu thuốc nhập khẩu có tiêu chí kỹ thuật tương đương.
So với Thông tư số 10/2016/TT-BYT ngày 05/5/2016, tại Thông tư có một số điểm mới, cụ thể:
Danh mục thuốc sản xuất trong nước đáp ứng yêu cầu về điều trị, giá thuốc và khả năng cung cấp mà không chào thầu nhập khẩu tăng lên từ 146 thuốc lên 640 thuốc.
Theo Cục Quản lý Dược, đây là cơ hội để các doanh nghiệp sản xuất trong nước đầu tư nâng cao hơn nữa chất lượng sản phẩm để tiếp cận và mở rộng thị trường mà trước đây phải cạnh tranh với các thuốc nhập khẩu
Để cải cách thủ tục hành chính và kịp thời ưu tiên các thuốc sản xuất trong nước đáp ứng yêu cầu về điều trị, giá thuốc và khả năng cung cấp, Thông tư cho phép Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành Quyết định cập nhật, bổ sung hoặc điều chỉnh Danh mục nêu trên sau khi xin ý kiến các đơn vị liên quan.
Cục Quản lý Dược cũng cho rằng, việc ban hành Danh mục trên cùng với các giải pháp đồng bộ tăng tỷ trọng thuốc trong nước tại Đề án “Người Việt Nam ưu tiên dùng thuốc Việt Nam”, các quy định ưu tiên thuốc sản xuất trong nước trong đấu thầu tại Thông tư quy định đấu thầu thuốc tại các cơ sở y tế công lập đã giúp tỷ trọng thuốc sản xuất trong nước sử dụng tại các cơ sở y tế công lập tăng từ 15,61% năm 2013; 27,11% năm 2016 lên 35,95% năm 2018 và tiếp tục tăng trong thời gian tới nhằm phấn đấu đáp ứng mục tiêu của Chiến lược quốc gia phát triển ngành Dược Việt Nam giai đoạn đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 kèm theo Quyết định số 68/QĐTTg ngày 10/01/2014 của Thủ tướng Chính phủ.