Hút thuốc lá thụ động là sự kết hợp khói thuốc từ điếu thuốc đang cháy và khói được thở ra bởi người hút thuốc. ThS.BS Nguyễn Tuấn Lâm – Cán bộ của WHO tại Việt Nam cho biết, thành phần của khói thuốc có đến 7000 chất hoá học, trong đó có 69 chất gây ung thư. Hút thuốc lá là nguyên nhân gây tử vong thứ 2 trên toàn cầu. Tử vong do thuốc lá chiếm 1/10 tổng số tử vong toàn cầu.
Hút thuốc thụ động đặc biệt nguy hiểm cho trẻ em vì phổi của trẻ chưa phát triển hoàn thiện và nhạy cảm hơn với các chất kích thích và chất độc trong khói thuốc. Trẻ có bố mẹ hút thuốc sẽ bị giảm các chức năng của phổi và dễ gặp các vấn đề sức khoẻ. Hút thuốc thụ động ở trẻ em có thể gây viêm đường hô hấp, hen, viêm tai giữa, đột tử ở trẻ sơ sinh (SIDS), kém phát triển chức năng phổi và làm tăng nguy cơ mắc nhiều loại bệnh khác.
“Cội nguồn của vấn đề chính là ngành công nghiệp thuốc lá. Ngành công nghiệp thuốc lá vẫn luôn là thách thức tại rất nhiều quốc gia. Luôn có một sự mâu thuẫn về bản chất và không thể xoá bỏ giữa lợi ích của ngành công nghiệp thuốc lá và lợi ích của các chính sách y tế công cộng…”- chuyên gia cho biết.
Thuốc lá gây ra 6 triệu ca tử vong mỗi năm trên thế giới. Để cứu hàng triệu mạng sống mỗi năm, các chuyên gia khuyến cáo phải thực hiện Công ước khung về kiểm soát thuốc lá của WHO.
Hít khói thuốc lá là hít chất độc vào người. Ảnh minh hoạ.
Tại hội thảo tăng cường hoạt động tuyên truyền về việc thực thi công ước khung về kiểm soát thuốc lá và Luật phòng chống tác hại của thuốc lá diễn ra ngày 27/12, ThS. Trần Thị Trang – Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế cho biết: Theo quy định của pháp luật, thuốc lá là sản phẩm, hàng hóa cấm quảng cáo. Hành vi khuyến mại hoặc sử dụng thuốc lá để khuyến mại dưới mọi hình thức là hành vi bị cấm trong hoạt động khuyến mại.
Quảng cáo, khuyến mại thuốc lá; tiếp thị thuốc lá trực tiếp tới người tiêu dùng dưới mọi hình thức là hành vi bị nghiêm cấm. Các tổ chức, cá nhân kinh doanh thuốc lá chỉ được tài trợ nhân đạo cho chương trình xóa đói, giảm nghèo; phòng, chống thiên tai, dịch bệnh, thảm họa; phòng, chống buôn lậu thuốc lá và không được thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng về việc tài trợ đó.
Đại lý bán lẻ, điểm bán lẻ thuốc lá không được trưng bày quá một bao, một tút hoặc một hộp của một nhãn hiệu thuốc lá.
Song, thực tiễn hiện nay vẫn tồn tại nhiều vấn đề về việc thực hiện quảng cáo, khuyến mại, tài trợ thuốc lá như: Trưng bày quá 1 bao/tút thuốc lá của cùng 1 nhãn hiệu thuốc lá. Dùng mô hình sản phẩm quảng bá mặt hàng thuốc lá. Sử dụng mô hình bao thuốc. Thay đổi cách đóng tút thuốc theo hướng giảm hiệu quả hình ảnh cảnh báo sức khỏe. Trưng bày giấu đi hình ảnh cảnh báo sức khỏe. Dùng đội ngũ tiếp thị bán thuốc lá….
Theo ThS. Trang, nguyên nhân chính của tình trạng này là do nhận thức về các quy định cấm quảng cáo - khuyến mại - tài trợ thuốc lá chưa tốt và tính tuân thủ quy định pháp luật về cấm quảng cáo - khuyến mại - tài trợ và trưng bày thuốc lá tại điểm bán chưa cao. Lực lượng thanh tra mỏng, địa bàn rộng. Chậm triển khai trong việc xử phạt từ phía các cán bộ thực thi nhiệm vụ. Chưa đẩy mạnh sự phối hợp giữa các Sở ngành liên quan.
Nhiều vi phạm về quảng cáo thuốc lá. Ảnh minh hoạ.
Đại diện Vụ Pháp chế, Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, Điều 13 của Công ước khung về Kiểm soát thuốc lá khuyến nghị: Các quốc gia thành viên cấm quảng cáo, khuyến mại, tài trợ thuốc lá. Luật phòng, chống tác hại của thuốc lá cũng nghiêm cấm các hành vi Quảng cáo, khuyến mại thuốc lá; tiếp thị thuốc lá trực tiếp tới người tiêu dùng dưới mọi hình thức.
Năm 2016, Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với các cơ quan, tổ chức hoạt động trong việc phòng, chống tác hại của thuốc lá đã rà soát nắm bắt thông tin theo dõi báo chí và mời một số cơ quan báo chí lên trao đổi về các nội dung bài báo chưa thực hiện nghiêm các quy định.
Nguyên nhân do các quy định về đưa tin về hoạt động tài trợ chưa rõ ràng nên các báo không kỹ càng trong việc kiểm soát các tác phẩm báo chí.
Sau khi trao đổi về cơ bản các báo cũng nhất trí với Bộ sẽ nghiêm túc kiểm soát các bài báo đưa tin có liên quan đến quảng cáo, khuyến mại và tài trợ liên quan đến thuốc lá. Gỡ các bài báo đưa tin chưa đúng theo quy định của Luật phòng, chống tác hại của thuốc lá.
Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với hành vi trưng bày quá một bao hoặc một tút hoặc một hộp của một nhãn hiệu thuốc lá.
Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi tiếp thị thuốc lá trực tiếp tới người tiêu dùng dưới mọi hình thức.
Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi thực hiện hoạt động tài trợ dưới bất kỳ hình thức nào, trừ trường hợp được phép theo quy định của pháp luật.
Phạt tiền từ 2.000 000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với hành vi không thực hiện đúng quy định về trưng bày thuốc lá tại điểm bán hàng.