Chi cục Chăn nuôi và thú y Bà Rịa-Vũng Tàu cho biết, trên địa bàn tỉnh đã phát hiện 2 ổ dịch tả lợn châu Phi tại xã Suối Rao (huyện Châu Đức) và phường Phước Hưng (thành phố Bà Rịa). Đây là 2 ổ dịch tả lợn châu Phi đầu tiên được phát hiện tại tỉnh. Như vậy, Bà Rịa-Vũng Tàu và Lâm Đồng là các địa phương tiếp theo công bố xuất hiện dịch tả lợn châu Phi.
Theo đó, vào ngày 21/6, tại cơ sở chăn nuôi của gia đình ông Nguyễn Vương Long (thôn 3, xã Suối Rao) phát hiện đàn lợn 62 con có dấu hiệu mắc dịch tả lợn châu Phi nên đã báo cơ quan thú y. Kết quả xét nghiệm xác định đàn lợn dương tính với dịch.
Tiêu hủy lợn bệnh. Ảnh minh họa
Một ngày sau, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tiếp tục phát hiện thêm một ổ dịch tại trang trại lợn rừng lai của ông Bùi Thanh Bình (khu phố 7, phường Phước Hưng, thành phố Bà Rịa) với số lượng 100 con mắc dịch tả lợn châu Phi. Ngay khi phát hiện dịch bệnh, cơ quan thú y và địa phương đã tiêu hủy toàn bộ số lợn trên và tiêu độc, khử trùng khu vực của các trại lợn mắc bệnh với bán kính 1 km.
Trước đó, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã phê duyệt chi khoảng 2,7 tỷ đồng mua sắm trang thiết bị xét nghiệm, thuốc khử trùng, vôi bột… chuẩn bị cho xử lý dịch tả lợn châu Phi khi phát hiện.
Tỉnh cũng đã lập 12 chốt kiểm dịch tạm thời tại Quốc lộ 51, Quốc lộ 55, Quốc lộ 56 và các huyện Châu Đức, Xuyên Mộc, Phú Mỹ là những địa phương tiếp giáp với tỉnh Đồng Nai - nơi đã công bố dịch.
Theo số liệu thống kê mới nhất của Cục Thú y (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), tính đến ngày 24/6/2019 , dịch tả lợn châu Phi đã xuất hiện tại 60 tỉnh, thành phố trên cả nước với số lượng lợn phải tiêu hủy là hơn 2,6 triệu con. Hiện còn 3 tỉnh chưa công bố có dịch là: Bến Tre, Ninh Thuận và Tây Ninh.
Ông Nguyễn Văn Long, Trưởng phòng Dịch tễ (Cục Thú y) cho rằng, việc 3 tỉnh còn lại xuất hiện ổ dịch tả lợn châu Phi chỉ là vấn đề thời gian. Bởi đến nay vẫn chưa có vắc xin điều bị bệnh dịch tả lợn châu Phi, trong khi đó mầm bệnh đã xuất hiện ở mọi nơi và rất khó kiểm soát nên có thể xâm nhiễm bất cứ lúc nào.
Mặc dù đã áp dụng rất nghiêm ngặt các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học nhưng tại một số trang trại chăn nuôi có quy mô lớn đã xuất hiện ổ dịch. Đây là mối lo lớn nhất của các nhà quản lý, bởi các trang trại này có quy mô đàn từ vài chục nghìn đến hàng trăm nghìn con, thiệt hại về kinh tế là rất lớn.
Theo Cục Thú y, bệnh dịch tả lợn châu Phi vẫn đang có diễn biến hết sức phức tạp, có thể bùng phát bất cứ lúc nào. Do đó, các địa phương cần chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch. Đặc biệt, biện pháp hữu hiện nhất lúc này chính là chăn nuôi an toàn sinh học.
Tính đến ngày 24/6/2019, bệnh dịch tả lợn châu Phi đã xảy ra tại 4.401 xã, 459 huyện của 60 tỉnh, thành phố; tổng số lợn bị bệnh buộc phải tiêu hủy là hơn 2,8 triệu con.
Ngoài ra, đã có 359 xã thuộc 138 huyện của 29 tỉnh, thành phố đã qua 30 ngày không phát sinh thêm lợn mắc bệnh. Số lợn mắc bệnh và bị tiêu hủy tại các ổ dịch cũ này 173.741 con. Thời gian qua, đã có 75 xã thuộc 18 tỉnh có dịch bệnh đã qua 30 ngày nhưng sau đó lại phát sinh lợn bệnh.
Đối với người tiêu dùng Việt, thịt lợn là một trong những sản phẩm tiêu dùng chính. Khi nguồn cung thiếu hụt, người dân có xu hướng chuyển sang các sản phẩm tiêu dùng thay thế khác như thịt bò, thịt trâu, thịt gia cầm và hải sản.
Tuy nhiên, các sản phẩm thay thế kể trên có giá cả tương đối cao nên trong bối cảnh dịch tả lợn châu Phi bùng phát như hiện nay giải pháp nhập khẩu thịt lợn cũng là một trong những giải pháp để phục vụ nhu cầu tiêu dùng hàng ngày của người dân. Số liệu thống kê của Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn cho thấy, 4 tháng đầu năm nhập khẩu thịt heo và các sản phẩm từ thịt heo đạt 23,58 triệu USD, tăng gấp 6,7 lần so với cùng kỳ. Đây là mức tăng kỷ lục sau khi Việt Nam xuất hiện dịch tả lợn châu Phi.
Các chuyên gia nêu giải pháp để đảm bảo nguồn cung thịt lợn lâu dài cần thực hiện chủ trương cấp đông, nhằm ổn định cung cầu của mặt hàng này. Điều mà các chuyên gia quan tâm, cấp đông cần được thực hiện đúng quy trình và kiểm tra giám sát, đồng thời tạo điều kiện cho doanh nghiệp từ khâu giới thiệu nguồn cung cấp an toàn, khâu kiểm dịch và ưu tiên hỗ trợ xả đông an toàn và không gian tiêu thụ để sản phẩm đến được người tiêu dùng.