Số liệu trên đã được Cơ quan Phòng chống ma túy và tội phạm của Liên hợp quốc (UNODC) công bố vào chiều 14/8 tại Hà Nội trong bản Báo cáo “Đánh giá nguy cơ tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia tại Đông Á-Thái Bình Dương”.
Tham dự cuộc họp công bố Báo cáo trên có bà Pratibha Mehta, Điều phối viên thường trú Liên hợp quốc tại Việt Nam; Trung tướng Đỗ Kim Tuyến, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát phòng chống tội phạm (Bộ Công an) và đại diện các cơ quan thông tấn, báo chí trung ương và Hà Nội.
Báo cáo này đã mô tả chi tiết cơ chế của các loại hình tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia và đưa ra ước tính về doanh thu mà các băng nhóm tội phạm có được từ các hoạt động liên quan đến buôn bán người và đưa người di cư trái phép, ma túy (heroin và metaphetamine), tội phạm môi trường (động thực vật hoang dã, các sản phẩm từ gỗ, rác thải điện tử và các chất làm suy giảm tầng ôzôn), buôn bán hàng giả và thuốc giả.
Báo cáo cũng cho biết, hiện nay phần lớn thuốc giả có nguồn gốc từ Trung Quốc và Ấn Độ. Đặc biệt, khoảng 60% thuốc giả bị bắt giữ trong thời gian từ năm 2008 đến 2010 có xuất phát điểm từ Trung Quốc và các nguyên liệu chế biến giả thường được chuyển từ Trung Quốc sang Đông Nam Á để sản xuất và đóng gói. Khi các hoạt động lập pháp và thực thi pháp luật được tăng cường ở Trung Quốc, các khâu sản xuất chính có thể đang được chuyển đến nơi khác, bao gồm CHDCND Triều Tiên, Myanma và Việt Nam. Các nghiên cứu gần đây cũng cho thấy khoảng 1/3 đến 9/10 thuốc chữa sốt rét được kiểm tra ở Đông Nam Á trong những năm gần đây là thuốc giả. Những hoạt động này đã gây nên những tác động nghiêm trọng về sức khỏe trên phạm vi toàn cầu.
Một cơ sở sản xuất thuốc giả bị cơ quan chức năng Trung Quốc triệt phá trong năm 2011. (Nguồn: baidu). |
Phát biểu tại cuộc họp, ông Jeremey Douglas, Trưởng đại diện UNODC khu vực Đông Nam Á - Thái Bình Dương nhấn mạnh, các hoạt động tội phạm xuyên quốc gia hiện là mối quan ngại toàn cầu. Lợi nhuận phi pháp từ các hoạt động tội phạm ở Đông Á - Thái Bình Dương có thể gây bất ổn xã hội trên phạm vi toàn cầu. Các đường dây tội phạm xuyên quốc gia có tổ chức tại khu vực này kiếm được khoảng 90 tỷ USD mỗi năm, gấp đôi GDP của Myanma, gấp 8 lần GDP của Campuchia và 13 lần GDP của Lào.
Lợi nhuận nhiều nhất mà các nhóm tội phạm tại Đông Á - Thái Bình Dương kiếm được chủ yếu từ việc buôn bán hàng giả (24,4 tỷ USD), gỗ lậu (17 tỷ USD), heroin (16,3 tỷ USD), methamphetamine (15 tỷ USD), thuốc giả (5 tỷ USD) và rác thải điện tử (3,75 tỷ USD).
Những đồng đôla thu được từ các hoạt động phi pháp ở Đông Á-Thái Bình Dương có thể dùng để mua bất động sản, các công ty và gây tham nhũng ở bất cứ đâu.
Lần đầu tiên, báo cáo đã nghiên cứu cách thức mà các tổ chức tội phạm đã phát triển để có thể kiếm tiền bất hợp pháp song hành với các hoạt động thương mại hợp pháp và lợi dụng chuỗi phân phối và vận tải ra sao.
Đáng lưu ý là việc đưa người di cư bất hợp pháp từ Đông Á và Đông Nam Á sang Hoa Kỳ và Liên minh châu Âu (EU), điển hình là ở Trung Quốc và Việt Nam. UNODC ước tính rằng, có tới 36.000 người Trung Quốc di cư bất hợp pháp đến EU mỗi năm và các dịch vụ đưa người bất hợp pháp này thu được khoảng 600 triệu USD mỗi năm. Ở EU, số người Việt Nam di cư bất hợp pháp bị phát hiện hàng năm cũng bằng một nửa số người Trung Quốc (18.000 người) và từ các hoạt động phi pháp này các đường dây vận chuyển lậu cũng có thể thu được khoảng 300 triệu USD.
Hạ Hiền