60% nguồn nước ở Việt Nam phụ thuộc vào nước ngoài

04-06-2024 10:10 | Xã hội
google news

SKĐS - Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, hiện nay nguồn nước ở Việt Nam có 60% phụ thuộc vào nước ngoài, còn lại 40% là nội sinh nên vấn đề an ninh nguồn nước quốc gia đặc biệt quan trọng.

Chủ tịch Quốc hội kỳ vọng phiên chất vấn đáp ứng mong đợi của cử tri, nhân dân cả nướcChủ tịch Quốc hội kỳ vọng phiên chất vấn đáp ứng mong đợi của cử tri, nhân dân cả nước

SKĐS - Sáng nay, Kỳ họp thứ 7, Quốc hội bước vào phiên chất vấn và trả lời chất vấn. Phát biểu mở đầu phiên chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết, từ sáng nay, Quốc hội tổ chức phiên chất vấn và trả lời chất vấn trong 2,5 ngày.

Giải pháp để đảm bảo an ninh nguồn nước

Sáng ngày 4/6, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) Đặng Quốc Khánh đã trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội tại Hội trường theo nội dung chương trình Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV.

Phát biểu trước Quốc hội, Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh cho biết, Bộ TN&MT là Bộ quản lý đa ngành, giúp Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về 9 lĩnh vực: đất đai, tài nguyên nước, tài nguyên khoáng sản, địa chất, môi trường, khí tượng thủy văn, biến đổi khí hậu, đo đạc bản đồ, quản lý tổng hợp tài nguyên và bảo vệ môi trường biển, hải đảo, viễn thám.

60% nguồn nước ở Việt Nam phụ thuộc vào nước ngoài- Ảnh 2.

Bộ trưởng Bộ TN&MT Đặng Quốc Khánh trả lời chất vấn sáng ngày 4/6 tại Quốc hội.

Các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý của Bộ rất rộng, có vai trò quan trọng trong công tác phát triển kinh tế xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh của đất nước, có tầm ảnh hưởng toàn cầu.

Tại phiên chất vấn, trả lời câu hỏi của Đại biểu Phạm Thị Kiều (Đắk Nông) về các giải pháp đảm bảo an ninh nguồn nước trong thời gian tới. Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh cho biết, an ninh nguồn nước, biến đổi khí hậu tác động rất lớn đến Việt Nam nên cần có các giải pháp cấp bách.

60% nguồn nước ở Việt Nam phụ thuộc vào nước ngoài- Ảnh 3.

Đại biểu Phạm Thị Kiều (Đắk Nông) chất vấn các giải pháp đảm bảo an ninh nguồn nước.

Hiện nay, nguồn nước ở Việt Nam có 60% bị phụ thuộc nước ngoài, chỉ còn 40% là nguồn nước nội sinh. Việc đảm bảo an ninh nguồn nước, trước tiên phải đảm bảo nguồn nước nội sinh bền vững bằng các giải pháp bảo vệ rừng, trồng rừng, thực hiện tốt đề án 1 tỷ cây xanh… Có như vậy nguồn nước nội sinh mới bền vững.

Theo Bộ trưởng Bộ TN&MT chỉ có 40% là nguồn nước nội sinh nên chúng ta phải sử dụng thật hiệu quả. Hiện 80% nguồn nước của chúng ta phục vụ cho nông nghiệp song việc sử dụng chưa thực sự hiệu quả. Ví dụ khi cần nước đổ ải, gieo trồng, các hồ chứa sẽ phải xả nước, song chỉ khoảng 10% số nước này được sử dụng. Do vậy, chúng ta cần dần dần khắc phục điều này.

Về nhóm giải pháp phi công trình, Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh cho biết, đã có các quy định đầy đủ về đảm bảo an ninh nguồn nước. Hiện Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt quy hoạch điều tra đánh giá tài nguyên nước và 8 quy hoạch các lưu vực sông. Bộ TN&MT đang tiếp tục tham mưu với Chính phủ ban hành quy hoạch 5 lưu vực sông để đảm bảo phối hợp sử dụng nước hiệu quả và tăng cường trách nhiệm của các địa phương.

Theo Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh, đồng bằng sông Cửu Long đang thiếu nước nghiêm trọng, người dân phải chủ động tích trữ nước và sử dụng tiết kiệm nước. Biến đổi khí hậu ngày càng trầm trọng, an ninh nguồn nước ngày càng có vai trò đặc biệt quan trọng, Bộ TN&MT sẽ tiếp tục xử lý điều phối đảm bảo an ninh nguồn nước, phối hợp với các nước trong khu vực để đảm bảo an ninh nguồn nước quốc gia.

4 nguyên nhân sụt lún ở Đồng bằng sông Cửu Long

Đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé (Kiên Giang) chất vấn: Sạt lở, sụt lún bờ biển bờ sông đang bủa vây người dân, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sinh hoạt và sản xuất của người dân, với vai trò là đơn vị tham mưu, giải pháp nào ổn định môi trường sống khu vực này như thế nào?

Về tình hình sụt lún ở Đồng bằng sông Cửu Long, Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh cho biết, tình hình sạt lở ở Đồng bằng sông Cửu Long, biến đổi khí hậu đang tác động rất lớn đến đời sống. Các tỉnh miền núi phía Bắc cũng có tình trạng sạt lở rất nghiêm trọng. Dự báo thời gian cuối năm sẽ có mưa lớn, lũ lụt, chúng ta phải lường trước kế hoạch để xây dung.

60% nguồn nước ở Việt Nam phụ thuộc vào nước ngoài- Ảnh 4.

Đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé (Kiên Giang) chất vấn giải pháp ngăn sạt lở sụt lún bờ biển, bờ sông.

Bộ trưởng Bộ TN&MT cũng cho biết, sạt lở sụt lún ở Đồng bằng sông Cửu Long có 4 nguyên nhân: Thứ nhất là địa chất kiến tạo của khu vực còn non trẻ. Theo điều tra đánh giá, hiện nay vùng vẫn đang tự lún. Phễu lún từ Cần Thơ giai đoạn 2005-2017 đã lún sâu khoảng 10cm.

Hai là lượng phù sa đang ngày càng giảm trầm trọng. Trước đây lượng phù sa đổ về khu vực rất dồi dào, hiện nay suy giảm nghiêm trọng là tác nhân gây sụt lún. Ngoài ra, trong quá trình phát triển, xây dựng đô thị, khu dân cư, nuôi trồng thủy sản... tác động làm tăng tải trọng. Việc lấn chiếm bờ sông làm thay đổi dòng chảy.

Bộ trưởng nhấn mạnh, một trong những nguyên nhân khiến sụt lún ở Đồng bằng sông Cửu Long ngày càng nghiêm trọng là tình trạng khai thác cát trái phép chưa được quản lý tốt. "Có nơi khai thác cát lậu, dùng vòi hút vô tội vạ gần bờ. Rồi khai thác có phép nhưng lại thực hiện quá công suất, quá chiều sâu. Có mỏ cát khai thác gấp đôi chiều sâu cho phép, ảnh hưởng rất lớn đến dòng chảy", Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh nhấn mạnh.

Bộ trưởng cho biết, sắp tới, Bộ TN&MT được Thủ tướng giao đánh giá trữ lượng cát sỏi, lòng sông ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long, sau đó sẽ đưa ra các vùng khai thác trữ lượng thế nào? Hai là rà soát lại các vùng có nguy cơ sạt lở, vùng có nguy cơ cao phải quy hoạch bố trí lại dân cư, xử lý lại việc lấn chiếm lòng sông, bờ sông. Cuối cùng là nâng cao khả năng cảnh báo và dự báo.

Đại biểu Lưu Bá Mạc (Lạng Sơn) chất vấn về công tác duy trì dòng chảy tối thiểu ở các lưu vực như thế nào để không ảnh hưởng đến hạ lưu. Bộ trưởng nói điều này là yêu cầu bắt buộc, Bộ TN&MT đã yêu cầu các nhà máy thủy điện lắp hệ thống quan trắc và giám sát, kết nối về Bộ TN&MT. Trước đây có tình trạng một vài thủy điện tích nước, không để mức dòng chảy tối thiểu.

"Hiện đã có 850 hồ thủy điện đã kết nối dữ liệu về Bộ TN&MT. Nếu đơn vị nào không áp dụng thì Bộ TN&MT sẽ kiểm tra và xử phạt. Đề nghị các địa phương có thủy điện yêu cầu kết nối về Sở TN&MT để quản lý, đảm bảo yêu cầu dòng chảy tối thiểu, không gây ảnh hưởng đến đời sống sản xuất của người dân", Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh nói.

Bộ Y tế công bố quyết định điều động, bổ nhiệm Viện trưởng Viện Sức khỏe nghề nghiệp và môi trườngBộ Y tế công bố quyết định điều động, bổ nhiệm Viện trưởng Viện Sức khỏe nghề nghiệp và môi trường

SKĐS - Hôm nay 10/5, Bộ Y tế đã tổ chức công bố quyết định về công tác tổ chức cán bộ tại Viện Sức khỏe nghề nghiệp và môi trường. Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan dự, phát biểu chỉ đạo và trao quyết định bổ nhiệm cán bộ.

Xem thêm video đang được quan tâm:

Tháng 6 có khả năng xuất hiện 1 - 2 cơn bão, áp thấp nhiệt đới.


Tô Hội
Ý kiến của bạn