Nguyên nhân bị tăng men gan
Men gan tăng cao có thể do nguyên nhân bệnh lý hoặc thể hiện tình trạng gan bị tổn thương. Tuy nhiên đôi khi sự thay đổi bình thường của cơ thể như thay đổi nội tiết tố hoặc phản ứng với thuốc cũng có thể làm tăng men gan tạm thời và sẽ trở lại trong khoảng 2 – 4 tuần mà không cần điều trị.
Tình trạng men gan cao có thể do nhiều nguyên nhân, phổ biến nhất là:
- Viêm gan do virus: Viêm gan siêu vi là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến men gan tăng đột ngột. Có 5 loại virus gây viêm gan là A, B, C, D và E, xâm nhập cơ thể, gây tổn thương nghiêm trọng cho tế bào gan. Virus viêm gan B và C có thể gây viêm gan cấp tính, mạn tính, tăng nguy cơ ung thư gan, xơ gan.
- Sử dụng nhiều rượu, bia: Uống quá nhiều rượu bia, các chất kích thích có thể gây tổn thương, suy giảm các chức năng gan.
- Do thuốc: Việc sử dụng thuốc không đúng hoặc tự ý sử dụng các loại thuốc kháng sinh, kháng viêm hoặc thuốc giảm đau có thể khiến gan bị quá tải. Điều này có thể dẫn đến lá gan bị tổn thương, đặc biệt khi sử dụng các sản phẩm không rõ nguồn gốc.
- Do chế độ ăn uống không khoa học: Thực phẩm không an toàn có thể chứa độc tố hoặc chất bảo quản gây tổn thương gan. Việc tiêu thụ các loại thực phẩm không đảm bảo vệ sinh, nấm mốc, chứa chất bảo quản… khiến gan phải hoạt động nhiều hơn để xử lý. Từ đó làm tăng men gan, gây viêm gan thậm chí là ung thư gan.
- Do các bệnh lý khác: Một số bệnh như suy tim, viêm tụy, sốt rét, đái tháo đường, sỏi đường mật, nhiễm trùng đường mật, khối u đường mật,… ảnh hưởng quá trình chuyển hóa trong gan.
Các triệu chứng tăng men gan thường gặp
Thông thường, nếu chỉ số men gan tăng ở mức nhẹ, bệnh nhân khó nhận thấy triệu chứng rõ rệt. Nhưng nếu chỉ số này tăng gấp 5 lần thì triệu chứng sẽ rõ ràng hơn, cụ thể là:
- Biểu hiện ngứa da
Mặc dù ngứa da là triệu chứng phổ biến của bệnh gan mạn tính (nguyên nhân từ men gan tăng cao), nhưng không phải người bệnh nào cũng có triệu chứng này. Do đó, cần phân biệt ngứa da do dị ứng ở người không bị bệnh gan.
Người bệnh có thể bị ngứa cánh tay hoặc ngứa toàn thân. Trong trường hợp ngứa liên tục có thể làm cản trở giấc ngủ và dẫn đến một loạt vấn đề khác.
- Rối loạn tiêu hóa
Những người mắc men gan cao thường trải qua những vấn đề về chức năng tiêu hóa, gây ảnh hưởng chất lượng cuộc sống và sức khỏe. Các dấu hiệu của rối loạn tiêu hóa thường thấy ở những người có men gan cao có thể phụ thuộc vào mức độ và tình trạng của bệnh gan. Từ đó, dẫn đến suy giảm dưỡng chất ở những người mắc bệnh xơ gan.
- Xuất hiện vàng da
Vàng da xuất hiện khi bilirubin (một loại sắc tố màu vàng) trong máu vượt mức bình thường. Hiện tượng này được gọi là tăng bilirubin máu. Những bệnh nhân bị men gan cao và đột ngột tăng bilirubin cần phân biệt với tổn thương gan do ứ mật.
Việc xác định nguyên nhân nhanh hay chậm dựa trên bệnh sử, thăm khám sức khỏe và phân tích kết quả xét nghiệm máu. Kết quả xét nghiệm giúp xác định liệu tình trạng vàng da có liên quan đến men gan tăng cao và các bệnh gan khác hay không.
- Đại tiện bất thường
Phân màu vàng nhạt có thể liên quan đến tình trạng tăng men gan. Phân bình thường thường có màu nâu khác nhau, chủ yếu phụ thuộc vào chế độ ăn uống. Gan có vai trò trong việc thải muối mật vào phân, làm cho phân có màu nâu. Nếu gan không sản xuất đủ muối mật hoặc muối mật bị tắc nghẽn, không thể thoát ra khỏi gan, màu phân có thể trở nên vàng nhạt.
- Xuất hiện phù
Khi men gan tăng, chức năng gan suy giảm, quá trình loại bỏ chất thải ra khỏi cơ thể bị gián đoạn, dẫn đến sự tích tụ không bình thường. Tình trạng này có thể dẫn đến phù ở cơ thể như mắt cá chân, bàn chân, bàn tay.
- Có thể buồn nôn, đau bụng
Ngoài những dấu hiệu điển hình đã nêu trên, một số triệu chứng khác có thể gặp khi bị men gan tăng cao là đau bụng, buồn nôn, mệt mỏi, tiêu chảy, chán ăn, thay đổi tâm lý, giảm ham muốn tình dục…
Phòng ngừa men gan cao
Duy trì chế độ sinh hoạt hợp lý chính là chìa khóa giúp cơ thể phòng tránh mọi tình trạng nguy hiểm đối với sức khỏe, bao gồm nguy cơ men gan tăng cao. Cụ thể, không uống rượu bia hoặc uống có kiểm soát.
Thực hiện chế độ ăn uống khoa học, lành mạnh, tập trung vào thực phẩm có lợi cho gan. Nếu người bệnh bị đái tháo đường cần chú ý đến chế độ ăn.
Cẩn thận khi sử dụng bất kỳ loại thuốc hoặc thực phẩm bổ sung nào. Đảm bảo tiêm đủ các loại vaccine phòng viêm gan virus A và B.
Ngoài ra, cần theo dõi, duy trì cân nặng cơ thể luôn ở mức hợp lý. Tập thể dục thường xuyên, nghỉ ngơi hợp lý vì thiếu ngủ kéo dài có thể khiến gan hoạt động quá sức, ảnh hưởng đến nồng độ men gan.
Vì vậy, cần phải cân bằng, sắp xếp các công việc hằng ngày và dành thời gian nghỉ ngơi hợp lý. Một giấc ngủ sâu và chất lượng không chỉ bảo vệ sức khỏe mà còn giúp giải tỏa căng thẳng.
Cần kiểm tra sức khỏe định kỳ sẽ giúp phát hiện tình trạng men gan tăng một cách kịp thời.