6 thói quen và 7 vấn đề cần tư vấn bác sĩ khi mắc bệnh đái tháo đường

09-09-2016 13:23 | Đời sống
google news

SKĐS - Theo Hiệp hội Đái tháo đường Quốc tế (IDF), bệnh đái tháo đường (ĐTĐ) là căn bệnh mãn tính, trong đó cơ thể không sản xuất đủ insulin, hay không thể sử dụng insulin một cách hiệu quả, glucose sẽ tăng lên trong máu và nước tiểu.

6 thói quen dẫn đến bệnh ĐTĐ

Thức đêm: những ai hay thức đêm sẽ có nguy cơ mắc bệnh ĐTĐ cao. Một nghiên cứu của các nhà khoa học Hàn Quốc gần đây cho thấy, những người thức khuya làm việc từ đêm về sáng là nhóm có khả năng phát triển bệnh ĐTĐ cao hơn những người ngủ đủ 7 - 8 giờ mỗi đêm. Lý do, làm việc ban đêm tiếp xúc nhiều với ánh sáng nhân tạo, ánh sáng của các thiết bị điện tử như TV hay ĐTDĐ sẽ làm giảm độ nhạy insulin và làm nghèo quá trình điều tiết đường huyết. Ngoài ra, thức khuya còn làm suy giảm chất lượng giấc ngủ, phá vỡ cơ chế trao đổi chất của cơ thể, dẫn đến mắc các loại bệnh tự miễn, trong đó có bệnh ĐTĐ.

Chế độ ăn uống nghèo chế phẩm sinh học: nguy cơ của bệnh ĐTĐ gia tăng khi “dân số” khuẩn xấu áp đảo khuẩn thân thiện trong đường ruột. Đó là kết luận rút ra từ nghiên cứu của BV. Cleveland Clinic Mỹ. Lý do, dạ dày con người rất cần khuẩn tốt, được gọi là probiotics hay chế phẩm sinh học, giúp tiêu hóa nhanh và hiệu quả. Nếu có quá ít probiotics sẽ dẫn đến tình trạng viêm nhiễm và cuối cùng dẫn đến kháng insulin. Nên bổ sung thực phẩm như: sữa chua, dưa cải bắp, và pho mát để tăng probiotics.

Dùng đồ nhựa hâm nóng thức ăn thừa trong lò vi sóng: theo nghiên cứu của Trung tâm Y tế Langone thuộc ĐH New York (NYU) cho thấy, hai hóa chất được sử dụng trong sản xuất nhựa, kể cả giấy bọc thực phẩm có thể làm tăng nguy cơ ĐTĐ ở trẻ em và tuổi vị thành niên. Chúng làm tăng kháng insulin, tiền thân bệnh ĐTĐ và huyết áp cao.

Không nhận đủ ánh nắng mặt trời: theo một nghiên cứu mới nhất của các nhà khoa học Tây Ban Nha, những người bị thiếu hụt vitamin D có mức mắc bệnh ĐTĐ týp 2 và bệnh tiền ĐTĐ rất cao, bất kể trọng lượng của cơ thể nặng hay nhẹ. Lý do, vitamin D rong ánh nắng mặt trời giúp tuyến tụy hoạt động tốt, sản xuất insulin và điều hòa lượng đường trong máu. Ngoài tắm nắng, có thể uống thuốc bổ, cũng như tăng cường nhóm thực phẩm giàu vitamin D, như cá hồi và sữa hay ngũ cốc tăng cường vitamin D.

Xem nhiều TV vào ngày nghỉ cuối tuần: theo nghiên cứu của ĐH Pittsburgh Mỹ công bố trên trang tin MensHealth.com, mỗi giờ ngồi  trước TV làm tăng nguy cơ phát triển bệnh ĐTĐ gần 4%. Ngồi quá nhiều có thể dẫn đến lưu trữ mỡ nội tạng, làm tăng chu vi vòng bụng. Một khi càng nhiều mỡ bụng thì nguy cơ phát triển bệnh ĐTĐ càng cao bởi mỡ là thủ phạm làm giảm độ nhạy insulin trong cơ thể.

dai thao duongViệc dùng thuốc mỗi người một khác, vì vậy phải cẩn thận và ghi chép đầy đủ

Bỏ hay nhịn ăn sáng: nhịn hay ít bữa sáng là điều bất lợi và có xu hướng phản tác dụng, làm cho lượng ăn ban trưa tăng lên, và làm tăng nguy cơ mắc bệnh ĐTĐ týp 2. Khi cơ thể bị mắt cân bằng thực phẩm, việc giám sát insulin bị phá vỡ, làm cho việc kiểm soát lượng đường trong máu trở nên khó khăn hơn.

7 vấn đề nên tư vấn bác sĩ khi đã mắc bệnh

Bao lâu thì nên kiểm tra lượng đường trong máu? Điều này phụ thuộc vào nhiều yếu tố, nhưng mỗi lần đi khám nên tư vấn bác sĩ cụ thể. Việc xét nghiệm máu còn phụ thuộc vào tình trạng sức khỏe của mỗi cá nhân, nếu thuộc diện điều trị ngoại trú thì có thể xét nghiệm máu mỗi tháng một lần. Bác sĩ khuyến cáo, mọi người nên mua máy đo đường huyết để tự đo tại nhà. Nếu tăng giảm quá mức nên thay đổi lối sống, ăn uống và báo cho bác sĩ biết để dùng thuốc cho phù hợp.

Khi nào thì phải dùng thuốc? Khi chẩn đoán mắc bệnh ĐTĐ, việc dùng thuốc mỗi người một khác, vì vậy phải cẩn thận, và ghi chép đầy đủ. Tuân thủ theo hướng dẫn của chuyên môn khi dùng thuốc hoặc tiêm insulin. Chẳng hạn như dùng trước hoặc trong hay sau khi ăn, hoặc dùng ban đêm hoặc vào buổi sáng, thậm chí dùng thuốc mà không cần ăn...  Mọi hướng dẫn đều ghi cụ thể trên từng loại thuốc, nếu chưa thông nên tư vấn bác sĩ cẩn thận, kể cả việc uống rượu trong khi điều trị bệnh ĐTĐ đường.

Thuốc đắt thuốc rẻ, nên dùng loại nào? Điều trị bệnh ĐTĐ có liên quan đến kinh tế của từng người. Nếu kinh tế eo hẹp có thể tư vấn dùng loại thuốc rẻ thay thế. Đôi khi bác sĩ có thể kê đơn dùng thuốc cũ nhưng không kém hiệu quả và ít tốn kém hoặc phiên bản thuốc gốc, rẻ tiền nhưng vẫn hiệu quả, bởi đây là căn bệnh mãn tính cần điều trị lâu dài.

Phản ứng phụ của thuốc có gây nguy hiểm? Thông thường, mới dùng thuốc lần đầu, người bệnh cần tư vấn kỹ bác sĩ về tác dụng phụ của thuốc, mối nguy hiểm gây buồn ngủ khi lái xe, hoặc điều trị với các loại thuốc khác. Cũng nên tư vấn một khi gặp triệu chứng bất thường, thậm chí cả khi đường huyết tụt, người mệt mỏi cũng nên gọi bác sĩ biết ngay. Đừng chờ đến lần khám tiếp theo mới cho bác sĩ biết.

Kế hoạch ăn uống khi mắc bệnh? Đây là câu hỏi được nhiều người quan tâm. Thường thì câu hỏi này do các chuyên gia dinh dưỡng tư vấn, bởi hầu hết các bác sĩ không được đào tạo chuyên sâu về dinh dưỡng. Tuy nhiên, bác sĩ vẫn có thể khuyến cáo người bệnh tuân thủ một chế độ ăn uống lành mạnh. Dựa trên mức huyết áp, cholesterol, và đường huyết bác sĩ  sẽ khuyên người bệnh ăn mọi thứ ưa thích nhưng nên ăn ít và nhiều bữa. Một trong những điểm nhấn quan trọng về ăn uống là không được bỏ bữa, ăn nhiều trong cùng một thời điểm và cùng một loại thực phẩm trong một bữa ăn, nên tập trung vào nhóm thực phẩm như rau xanh, trái cây tươi và rau quả, ngũ cốc nguyên hạt, sữa ít chất béo, và các loại thực phẩm protein nạc.

Mắc bệnh ĐTĐ có được uống rượu? Không nên kiêng nhưng cần chọn rượu để uống, phương châm chung là không dùng quá một lần mỗi ngày đối với phụ nữ và tối đa 2 lần đối với đàn ông. Một lần uống là 5 ounces rượu vang (140g) hoặc một lon bia. Nếu có vấn đề về thận hoặc gan,  bác sĩ sẽ khuyến cáo nên kiêng hẳn rượu.

Có thể giảm bất kỳ loại thuốc nào khi đang điều trị? Đây là câu hỏi quan trọng, hay yêu cầu mà người bệnh quan tâm và muốn được tư vấn. Theo chuyên môn, nếu người trong cuộc duy trì một lối sống khoa học, ăn uống tích cực, năng luyện tập thể thao và bản thân cảm thấy đã đạt được những tiến đáng kể về lượng đường huyết, nhất là nhóm tiền ĐTĐ, thể nhẹ thì có thể giảm thuốc, nhưng bỏ hay không cuối cùng vẫn do bác sĩ quyết định.


DS. CHU TRANG NHUNG
Ý kiến của bạn