6 thói quen làm hại trí thông minh trẻ

10-10-2013 08:00 | Tin nóng y tế
google news

SKĐS - Sự phát triển não của trẻ không thể tách rời protein và vitamin có trong thực phẩm. Các chất dinh dưỡng này chủ yếu được hấp thu vào cơ thể trẻ thông qua các bữa ăn hàng ngày.

1. Ăn quá nhiều đồ ngọt

 Sự phát triển não của trẻ không thể tách rời protein và vitamin có trong thực phẩm. Các chất dinh dưỡng này chủ yếu được hấp thu vào cơ thể trẻ thông qua các bữa ăn hàng ngày. Ăn nhiều đồ ngọt sẽ gây ảnh hưởng đến cảm giác ngon miệng của trẻ, giảm sự thèm ăn, dẫn đến tình trạng lười ăn, chán ăn đồng nghĩa với việc protein và vitamin không được cung cấp đầy đủ cho cơ thể. Gặp trường hợp này, trẻ không những bị suy dinh dưỡng mà còn chậm phát triển não bộ. Cha mẹ nên kiểm soát lượng đồ ngọt bé ăn hàng ngày và thay vì ăn đồ ngọt, cha mẹ nên hướng trẻ ăn trái cây và thực phẩm chứa nhiều canxi. Làm như vậy, sau một thời gian, bé sẽ dần dần từ bỏ thói quen ăn nhiều đồ ngọt.

2. Ăn quá no

Không ít bậc cha mẹ bị ám ảnh bởi khẩu phần ăn của con hàng ngày và liên tưởng đến chuyện thiếu chất, suy dinh dưỡng. Kết quả tất yếu là họ ra sức “nhồi” con ăn thật nhiều ngay cả khi trẻ không muốn. Đúng là trên thực tế có nhiều trẻ kén ăn, khảnh ăn và cha mẹ cần có biện pháp phù hợp để kích thích ham muốn ăn ở trẻ. Nhưng như vậy không có nghĩa là chỉ khi cho con ăn đến no căng bụng thì bạn mới yên tâm.

Các nghiên cứu dinh dưỡng mới đây chỉ ra rằng sau khi ăn quá no, não bộ của con người sẽ sinh ra một dạng vật chất dạng sợi có thể gây ra xơ cứng động mạch não và ngăn cản máu lưu thông lên não khiến não bị lão hóa sớm, trí lực giảm sút.

Vì vậy, cha mẹ không nên quá lo lắng về bữa ăn mà ép con ăn thật no. Chỉ cần các thành phần dinh dưỡng trong bữa ăn của trẻ cân bằng, phong phú, phù hợp lứa tuổi và thức ăn được chế biến sạch sẽ, nguyên liệu tươi ngon thì đảm bảo bé nhà bạn dù ăn ít đi một chút vẫn đảm bảo sức khỏe. Hãy cho bé ăn theo nhu cầu của bé chứ không phải theo ý muốn của người lớn!

3. Không ăn sáng

Bữa sáng đóng vai trò quan trọng trong việc cung cấp đủ lượng đường cho máu và năng lượng để hoạt động trong khoảng 4-6 giờ đồng hồ. Không ăn sáng sẽ khiến cơ thể thiết hụt chất dinh dưỡng cung cấp cho não bộ, nếu kéo dài tình trạng này sẽ khiến trí lực của trẻ bị sụt giảm và chậm phát triển.

Các chuyên gia dinh dưỡng khuyên các bà mẹ nên chuẩn bị cho con một bữa sáng thật bổ dưỡng, trong đó nên sử dụng nhiều các thực phẩm như: cà chua, ngô, nấm, thịt gà, khoai tây, cà rốt, táo, chuối, bánh mì…

4. Ít nói chuyện

Nói chuyện được ví như một hình thức tập thể dục rất tốt cho tư duy logic của trẻ. Vì thế, ít nói chuyện hoặc không nói trong một thời gian dài khiến não ít vận động và phát triển, ảnh hưởng đến phát triển nhận thức. Trong cuộc sống hàng ngày, cha mẹ nên có ý thức khuyến khích trẻ nói chuyện, kể chuyện như: hỏi trẻ về những việc xảy ra ở trường học, những chuyện ở nhà khi cha mẹ đi vắng, kể chuyện theo tranh…

5. Vẫn học khi bị ốm

Khi gặp vấn đề về thể chất khiến trẻ cảm thấy mệt mỏi hoặc bị ốm, sốt, cha mẹ không nên bắt con học, làm bài tập hoặc các hoạt động yêu cầu vận động trí não. Bởi cơ thể trẻ mệt mỏi cần có đủ thời gian để hồi phục sức khỏe, hấp thu thêm vitamin và các chất dinh dưỡng nhằm loại bỏ chất độc hoặc vi rút, vi khuẩn ra khỏi cơ thể. Suy nghĩ, tư duy trong thời điểm này hoàn toàn không phù hợp, không những làm thể chất của trẻ yếu hơn mà còn có thể gây tổn thương cho não.

6. Thiếu ngủ

Ngủ đủ giấc theo nhu cầu của cơ thể là cách để loại bỏ sự mệt mỏi cho não bộ. Sau một ngày học tập, vui chơi, trẻ cần có một giấc ngủ say, đủ thời lượng để cơ thể và não bộ được nghỉ ngơi cũng như tái tạo lại năng lượng, các tế bào thần kinh, hạn chế nguy cơ suy giảm số lượng tế bào thần kinh.

Để đảm bảo cho trẻ có thời gian ngủ hợp lý, cha mẹ nên giúp con lập thời gian biểu cho các công việc hàng ngày. Trước khi đi ngủ, nên cho trẻ nghe hát ru hoặc nghe nhạc thư giãn để làm dịu cảm xúc của trẻ. Trong khi trẻ ngủ, nên tắt bớt đèn và giữ không gian yên tĩnh.

Theo Tri thức trẻ


Ý kiến của bạn