Sáng 12/8, tại TP Vinh, tỉnh Nghệ An, Bộ Y tế tổ chức Hội nghị Sơ kết công tác Giám định pháp y tâm thần và bắt buộc chữa bệnh ngành y tế 6 tháng đầu năm 2022. GS.TS Trần Văn Thuấn, Thứ trưởng Bộ Y tế tham dự và chỉ đạo Hội nghị.
Hoạt động giám định tư pháp nói chung và hoạt động Giám định pháp y tâm thần nói riêng nhằm phục vụ cho hoạt động điều tra, truy tố, xét xử. Lĩnh vực giám định pháp y tâm thần là lĩnh vực khó khăn, phức tạp, ngoài yêu cầu trình độ chuyên môn, cán bộ còn phải có kiến thức về pháp lý, kỹ năng giao tiếp, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo.
Hiện Bộ Y tế đã giao cho 7 đơn vị thực hiện công tác Giám định pháp y tâm thần, gồm: Viện Pháp y tâm thần Trung ương, Viện Pháp y Tâm thần Trung ương Biên Hòa và 5 Trung tâm Pháp y tâm thần khu vực với tổng số 669 cán bộ, viên chức công tác, trong đó có 95 bác sĩ, 344 điều dưỡng, 28 dược sĩ và khác 192 người.
Toàn ngành có 60 giám định viên pháp y tâm thần (chuyên trách 60 người – 87%, kiêm nhiệm 08 người – 23%).
Phát biểu tại Hội nghị, GS.TS Trần Văn Thuấn, Thứ trưởng Bộ Y tế ghi nhận những kết quả đã đạt được trong lĩnh vực giám định pháp y tâm thần và công tác điều trị bắt buộc của các đơn vị. Trong những năm qua, tuy có nhiều khó khăn, đặc biệt là đại dịch COVID-19, nhưng các đơn vị đã nỗ lực hoàn thành nhiệm vụ chính trị được giao để từ đó hạn chế tối đa khiếu nại, tố cáo vượt cấp, qua đó góp phần ổn định trật tự xã hội.
Trong thời gian tới, để công tác giám định pháp y tâm thần và công tác điều trị bắt buộc theo quy định tại Nghị định số 64/2011/NĐ-CP đạt kết quả tốt, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn đề nghị các Bộ, ngành, đặc biệt là Bộ Tư pháp, Bộ Công an, Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao tiếp tục đồng hành cùng Bộ Y tế trong công tác này.
Thứ trưởng Trần Văn Thuấn cũng yêu cầu các Viện, bệnh viện tiếp tục nâng cao trình độ chuyên môn; thực hiện tốt công tác giám định pháp y, tâm thần; cải thiện chất lượng chăm sóc, điều trị cho bệnh nhân bắt buộc chữa bệnh theo Quy định… để đưa ngành pháp y tâm thần lên một tầm cao mới.
Trong 6 tháng đầu năm các đơn vị pháp y tâm thần đã thực hiện giám định pháp y tâm thần 2.947 vụ việc (864 vụ hình sự; 906 vụ án hành chính, vụ việc dân sự và 1.193 vụ việc giám định sức khỏe tâm thần). Các vụ việc trên được thực hiện theo 1 trong 4 loại hình giám định: Giám định nội trú, giám định tại phòng khám, giám định tại chỗ, giám định trên hồ sơ.
Bên cạnh công tác giám định, công tác điều trị bắt buộc chữa bệnh theo quy định tại Nghị định số 64/2011/NĐ-CP cũng được các đơn vị chú trọng. Tính đến nay, nhân lực thực hiện công tác điều trị bắt buộc chữa bệnh tại 5 đơn vị là 49 bác sĩ, 254 điều dưỡng.
Kết quả 6 tháng đầu năm 2022, tại 4 đơn vị đã tiếp nhận, điều trị và quản lý 701 trường hợp (577 trường hợp cũ chuyển sang và 124 trường hợp vào mới 6 tháng đầu năm 2022); Số bỏ trốn lũy tích là 40 và 6 tháng đầu năm là 06 trường hợp; không có trường hợp tử vong; hiện tại đang điều trị 587 trường hợp.
Theo đánh giá của Bộ Y tế thì trong 11 năm triển khai thực hiện Nghị định 64/2011/NĐ-CP, các đơn vị thực hiện công tác điều trị bắt buộc chữa bệnh đã phản ánh rất nhiều bất cập của Nghị định; Bộ Y tế đã ban hành nhiều văn bản gửi Văn phòng Chính phủ, gửi các Bộ ngành có liên quan như Bộ Tư pháp, Bộ Công an, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao về các bất cập của văn bản và đề nghị sớm sửa đổi, bổ sung văn bản này cho phù hợp thực tiễn.
Tuy nhiên, đến thời điểm này, Nghị định số 64/2011/NĐ-CP vẫn chưa được sửa đổi, bổ sung nên cũng rất khó khăn cho các đơn vị trong quá trình triển khai thực hiện.