6 tháng đầu năm, giải quyết việc làm cho 540.000 lao động

30-06-2020 22:29 | Xã hội
google news

SKĐS - Báo cáo kết quả thực hiện 6 tháng đầu năm và nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2020 trong lĩnh vực lao động, người có công và xã hội của Bộ LĐ-TB&XH, ước tính trong 6 tháng đầu năm đã tạo việc làm cho gần 540.000 người lao động, đạt 35,6% kế hoạch và bằng 73,8% so với cùng kỳ năm 2019.

Thị trường lao động Việt Nam bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch COVID-19. Số lượng lao động mất việc làm liên tục gia tăng trong khi khả năng tạo việc làm cả trong và ngoài nước đều gặp khó khăn. Lực lượng lao động thấp kỷ lục, lao động có việc làm có mức giảm mạnh nhất trong 10 năm qua; tỷ lệ thất nghiệp cao, tỷ lệ thiếu việc làm của lực lượng lao động tăng cao nhất trong 5 năm trở lại đây do nhu cầu thị trường lao động sụt giảm.

Ảnh minh họa

Theo báo cáo của Bộ LĐ-TB&XH, tính đến tháng 6 năm nay, cả nước có gần 31 triệu người từ 15 tuồi trở lên bị ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch COVID-19, bao gồm những người bị mất việc làm, phải nghỉ giãn việc/nghỉ luân phiên, giảm giờ làm, giảm thu nhập... Trong đó, số người bị ảnh hưởng do giảm thu nhập chiếm tỷ trọng lớn nhất với 57,3% tổng số người bị ảnh hưởng.

Lao động khu vực dịch vụ bị ảnh hưởng tiêu cực lớn nhất với 72%, tiếp đến là khu vực công nghiệp, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản.

Số lao động bị mất việc làm trong 6 tháng đầu năm là 1,4 triệu người. Lao động mất việc làm tập trung ở các ngành công nghiệp chế biến, lao động bán buôn bán lẻ, ngành vận tải kho bãi và lao động trong ngành dịch vụ lưu trú ăn uống.

Trong khi số lao động mất việc làm liên tục gia tăng thì kết quả giải quyết việc làm trong 6 tháng đầu năm rất thấp (ước tính giải quyết việc làm cho 540 nghìn lao động, đạt 36,5% kế hoạch đặt ra, bằng 76,1% cùng kỳ năm trước), nhu cầu tuyển dụng lao động mặc dù tháng 6 bắt đầu gia tăng so với 5 tháng đầu năm nhưng vẫn rất thấp so với cùng kỳ năm 2019 (tại TP. Hồ Chí Minh giảm 28%, Hà Nội giảm 23%,...).

Đồng thời, một loạt các thị trường lao động lớn bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 nên phải ngừng tiếp nhận lao động Việt Nam, nhiều đơn hàng tuyển dụng, đơn xuất cảnh lao động đều bị tạm dừng trong 6 tháng đầu năm. 6 tháng đầu năm 2020 mới có 33,5% lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài (bằng 60,3% so với cùng kỳ năm trước), riêng trong tháng 5 các doanh nghiệp chỉ cung ứng được 126 lao động.

Trong 6 tháng cuối năm, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội sẽ tiếp tục triển khai các giải pháp phát triển thị trường lao động, kết nối cung-cầu lao động và cung ứng nhân lực trên thị trường lao động.

Theo đó, Bộ sẽ rà soát, nắm chắc tình hình lao động, việc làm của các doanh nghiệp, hợp tác xã, tập đoàn trong nước cũng như các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài để có giải pháp hỗ trợ, cung ứng lao động, góp phần ổn định sản xuất, kinh doanh.

Bên cạnh đó, Bộ cũng thực hiện rà soát các quy định của pháp luật về lao động và các văn bản có liên quan để hướng dẫn các doanh nghiệp phương án hỗ trợ, thực hiện các chính sách đối với người lao động bị ảnh hưởng khi doanh nghiệp bị đình trệ sản xuất, kinh doanh do dịch bệnh

Nới lỏng một số điều kiện giúp DN dễ dàng tiếp cận gói hỗ trợ 62 nghìn tỷ

Trước ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 42/NQ-CP về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn. Tiếp đến ngày 24/4, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 15/QĐ-CP về thực hiện các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch, các giải pháp phần lớn mới tập trung hỗ trợ người lao động, người dân bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, với các doanh nghiệp mặc dù đã có các chính sách như vay vốn để trả lương ngừng việc; tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất... nhưng chưa thực sự hỗ trợ nhiều cho doanh nghiệp.

Theo phản ánh của nhiều doanh nghiệp, do các điều kiện đưa ra quá khắt khe, nên đến thời điểm này, rất ít doanh nghiệp và người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 được tiếp cận các nguồn lực hỗ trợ.

Trước thực trạng này, đại diện nhiều doanh nghiệp đã kiến nghị Bộ LĐ-TB&XH đề xuất Chính phủ nới lỏng điều kiện, tiêu chí hỗ trợ từ gói an sinh xã hội 62.000 tỷ đồng; tiếp tục kéo dài thời gian tạm dừng đóng bảo hiểm xã hội, trước mắt đến hết năm 2020; tăng cường hỗ trợ đào tạo nghề cho lực lượng lao động bị mất việc làm, giúp họ có cơ hội trở lại thị trường lao động.


HB
Ý kiến của bạn