Hà Nội

6 tháng đầu năm 2018, số bệnh nhân lao phổi mới phát hiện giảm

10-08-2018 14:08 | Tin nóng y tế
google news

SKĐS - Trong 6 tháng đầu năm 2018, tổng số bệnh nhân lao các thể được phát hiện giảm, số bệnh nhân lao mới có bằng chứng vi khuẩn cũng giảm so với cùng kỳ nhưng xuất hiện một số vấn đề gây khó khăn cho công tác phòng chống lao như chưa tầm soát hết các đối tượng nghi kháng đa thuốc, công tác phát hiện bệnh nhân lao chung, lao trẻ em tại một số tỉnh còn thấp.....

Tại buổi Giao ban sơ kết 6 tháng đầu năm và trọng tâm công tác 6 tháng cuối năm 2018 Chương trình Chống lao Quốc gia do Bệnh viện Phổi Trung ương tổ chức ngày 10/8 tại Hà Nội, các đại biểu đã thảo luận về công tác phòng chống lao 6 tháng đầu năm đề ra trọng tâm công tác 6 tháng cuối năm 2018.

Số bệnh nhân lao được phát hiện giảm

Theo PGS.TS Nguyễn Viết Nhung, Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương, Chủ nhiệm Chương trình Chống lao Quốc gia cho biết, chúng ta cần hành động để người dân trong cả nước đều nhận được sự hỗ trợ, để “không ai bị bỏ lại phía sau”. Làm thế nào để người dân có thể dễ dàng tiếp cận với chăm sóc y tế trong việc phát hiện bệnh lao, tránh các mặc cảm, kỳ thị khi biết mình mắc lao và nhất là xóa bỏ những rào cản về mặt tài chính, bởi hiện nay nhiều người dân không chịu đi khám để phát hiện bệnh lao do không có tiền để điều trị …. là những câu hỏi cần phải giải đáp.

PGS.TS Nguyễn Viết Nhung, Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương, Chủ nhiệm Chương trình Chống lao Quốc gia

Trong 6 tháng đầu năm 2018, tỷ lệ phát hiện lao các thể trên toàn quốc đều giảm so với cùng kỳ năm 2017. Số bệnh nhân lao các thể được phát hiện đạt 49.422 ca,  giảm 2468 ca, tương ứng với 4,76% so với năm 2017, số bệnh nhân lao mới có bằng chứng vi khuẩn học giảm 940 ca so với cùng kỳ năm 2017, tương ứng với 3,2%. Miền Bắc có tỷ lệ phát hiện lao các thể giảm mạnh nhất là 39,98/100.000 dân , giảm 14,5% so với năm 2017. Miền Trung tỷ lệ phát hiện năm 2018 giảm 9,4% đạt 39,98/100.000 dân. Trong khi đó tại miền Nam, con số này chỉ giảm nhẹ 3,1%, đạt 69,72/100.000 dân. Một số tỉnh không được triển khai hoạt động phát hiện chủ động như những năm trước nên số liệu phát hiện cũng có sự thuyên giảm so với trước đây.  Trong 6 tháng đầu năm, có 27/63 tỉnh đạt chỉ tiêu 50% tổng số ca mới và tái phát được phát hiện.

Về điều trị, tỷ lệ điều trị  khỏi bệnh nhân lao phổi có bằng chứng vi khuẩn học mới và tái phát đạt 87,7%, thấp hơn tỷ lệ khỏi cùng kỳ năm 2016 (89,3%) , đạt mục tiêu của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đề ra là trên 85% tuy nhiên chưa đạt được mục tiêu đặt ra của Chương trình Chống lao Quốc gia là trên 90%.  Tỷ lệ âm hóa đờm sau 2-3 tháng điều trị của bệnh nhân mới cũng được duy trì ở mức cao và ổn định là 89,1%, tăng nhẹ so với cùng kỳ năm 2017 là 88%.

Theo PGS. TS Lê Văn Hợi, BV Phổi TƯ, với tầm nhìn đến năm 2030, Việt Nam sẽ giảm tỷ lệ người mắc lao trong cộng đồng xuống dưới 20/100.000 dân, Chương trình chống lao Quốc gia hướng tới mục tiêu năm 2020, giảm tỷ lệ mắc lao trong cộng đồng, giảm tỷ lệ tử vong do lao xuống dưới 10/100.000 dân, duy trì tỷ lệ mắc lao kháng thuốc trong số bệnh nhân mới dưới mức 5%. Dự kiến đến năm 2019, Chương trình chống lao Quốc gia Việt Nam sẽ phối hợp với WHO đánh giá tình hình dịch tễ và xu hướng bệnh lao tại Việt Nam.

Xuất hiện nhiều khó khăn trong chương trình chống lao

Tuy nhiên, theo Chương trình chống lao quốc gia, hiện dịch tễ lao tại Việt Nam còn nặng nề, đứng thứ 16 trong 30 nước có số người bệnh lao cao nhất trên toàn cầu. Về  vấn đề lao kháng đa thuốc, Việt Nam chưa tầm soát hết các đối tượng nghi kháng đa thuốc, tỷ lệ người được xét nghiệm gene Xpert  trong số nghi kháng đa thuốc còn hạn chế tại nhiều địa phương. Tỷ lệ bệnh nhân điều trị lại được làm xét nghiệm Xpert giảm từ 95% năm 2016 xuống còn 67% năm 2017. Sự hợp tác phát hiện lao trẻ em giữa Chương trình chống lao Quốc gia và các cơ sở nhi khoa ở tỉnh, huyện chưa thường xuyên và chưa hiệu quả.

Hội nghị sơ kết Chương trình chống Lao Quốc gia

Công tác phòng chống lao trong trại giam còn nhiều khó khăn, trong khi tỷ lệ bệnh lao, lao kháng đa thuốc, HIV trong trại giam cao, công tác phát hiện còn thấp.  Việc phát hiện, thu nhận bệnh nhân lao chung, lao đa kháng, lao trẻ em còn thấp tại nhiều tỉnh. Thay đổi mô hình tổ chức y tế ảnh hưởng không nhỏ tới chương trình chống lao như thay đổi cán bộ làm công tác chống lao, đơn vị mới chưa ổn định nên việc triển khai hoạt động chương trình chống lao  gặp khó khăn. Công tác chống lao tại 16 tỉnh chưa thành lập  bệnh viện lao và bệnh phổi cũng còn nhiều hạn chế. Thêm vào đó, vấn đề tự chủ tài chính tại các tuyến ảnh hưởng tới hoạt động chống lao, nhiều bệnh viện lao có lượng người bệnh khám và điều trị thấp, nên gặp khó khăn, thậm chí phải  nợ lương cán bộ. Công tác phát hiện thu nhận bệnh nhân lao chung, lao đa kháng, lao trẻ em còn thấp so với kế hoạch.

Theo TS Nguyễn Bình Hòa, điều phối viên Chương trình chống lao Quốc gia cho biết, trước đây, Việt Nam đứng thứ 13 trong tổng số 30 nước có gánh nặng bệnh lao đa kháng thuốc cao nhất thế giới. Quản lý bệnh nhân lao đa kháng thuốc tại một số nơi còn chưa tuân theo đúng quy định cấp thuốc cho bệnh nhân dài ngày. Nguy hiểm là có tới hơn 40% tỷ lệ lao đa kháng thuốc bỏ điều trị. … Đồng tình với nhận định này, PGS.TS Nguyễn Viết Nhung cho rằng, đây là một con số khiến bất cứ những người làm công tác chống lao phải lo lắng, bởi việc bệnh lao đã kháng thuốc mà người bệnh còn bỏ điều trị thực sự nguy hiểm không chỉ với bệnh nhân mà còn với cả cộng đồng.


Hải Yến
Ý kiến của bạn