1- Ăn 1 chiếc bánh trung thu cần hoạt động thế nào để tiêu hao năng lượng?
Một chiếc bánh trung thu truyền thống 200 gram, nhân có hạt sen trắng, 2 lòng đỏ trứng chứa khoảng 800 kcalo, tương đương với bốn bát cơm, 15 thìa cà phê đường và 9 thìa cà phê dầu mỡ.
Trung bình một chiếc bánh tròn cỡ 10x4cm cung cấp: 800-1.200 kcalo (càng nhiều lòng đỏ trứng, năng lượng càng cao); 5-12g protein; 60-90g cacbohydrat; 30-45g chất béo.
Như vậy để tiêu hao được năng lượng này chúng ta cần:
- Đi bộ (vận tốc 4.8 km/h): thời gian 106 phút
- Chạy (vận tốc 9.6 km/h): thời gian 38 phút
- Đạp xe (vận tốc 16 km/h): thời gian 55 phút
Một mẩu bánh trung thu nhỏ nhân trứng muối nặng 60g cung cấp khoảng 200 kcalo. Một phụ nữ cân nặng 55kg cần đi bộ một giờ để đốt cháy phần năng lượng này.
Đó là lý do khuyến nghị một chiếc bánh trung thu nên được chia thành bốn hoặc sáu phần ăn, tương đương dành cho 4-6 người cùng ăn chứ không phải một người duy nhất.
Nếu trước khi ăn bánh trung thu, bạn đã ăn thực phẩm có nhiều dầu mỡ như các món chiên, rán hoặc các món có đường hoặc lòng đỏ trứng, phủ tạng động vật, thịt,... thì nên hạn chế ăn bánh trung thu. Nếu sử dụng bánh làm món tráng miệng thì phải hạn chế ăn các món kể trên trong bữa ăn để sau đó ăn tráng miệng bằng bánh trung thu.
Chúng ta có thể sử dụng bánh trung thu như một bữa ăn nhẹ. Tuy nhiên, không nên dùng cùng với nước ngọt, sữa hoặc đồ uống lạnh khác để tránh không bị dư thừa đường nạp vào cơ thể.
2- Bánh trung thu có thể thay thế một bữa ăn sáng hoặc tối?
Nhiều người có thể vì tiếc mà dùng bánh trung thu để ăn sáng nhiều ngày. Điều này không nên. Nếu chỉ ăn bánh trung thu cho bữa sáng, cơ thể sẽ có nhiều chất béo và đường nhưng ít protein.
Một số người rất thích bánh trung thu, đặc biệt là thanh niên và có thể coi bánh trung thu như bữa tối và ăn đến vài chiếc một ngày.
Bánh trung thu không thể được coi như một bữa ăn hoàn chỉnh và không thích hợp để ăn nhiều trong ngày. Lý do là bánh trung thu có nhiều đường và chất béo hơn gạo và những món ăn chính khác khiến bạn có thể bị thừa năng lượng, thừa dinh dưỡng. Và nếu điều này kéo dài, tình trạng dinh dưỡng cân bằng của cơ thể sẽ thay đổi.
Bên cạnh đó, bánh trung thu có thể khó tiêu hóa, hấp thụ. Nếu ăn quá nhiều bánh trung thu sẽ gây ra vấn đề ở gan hoặc túi mật, các bệnh cấp tính khác, chẳng hạn như đầy bụng, nôn mửa, không có cảm giác ngon miệng, táo bón và rối loạn tiêu hóa...
Theo y học cổ truyền, sử dụng quá nhiều bánh trung thu sẽ gây ra chứng khó tiêu. Những người gặp các vấn đề về tiêu hóa có thể cảm thấy đầy bụng, nôn và buồn nôn, giảm ngon miệng, đi ngoài phân lỏng hoặc bị đau dạ dày. Các vấn đề này có thể được kiểm soát bằng cách chườm nóng.
Sau khi ăn bánh trung thu, bạn có thể ăn một số loại hoa quả giàu enzyme giúp hỗ trợ tiêu hóa tốt hơn như: như đu đủ, dứa hoặc kiwi...
3- Bánh trung thu dành cho người ăn kiêng có được ăn thoải mái?
Hiện nay, trên thị trường, có những loại bánh được quảng cáo dành riêng cho người tiểu đường, ăn chay, người giảm cân... Tuy nhiên, điều đầu tiên cần khẳng định, những loại bánh này vẫn có năng lượng nhất định dù không cao như những bánh trung thu truyền thống. Vì vậy, việc ăn bánh trung thu cho người ăn kiêng một cách có chừng mực vẫn là điều nên làm.
Bánh trung thu ăn kiêng có một số đặc điểm khác với bánh trung thu thường từ lớp vỏ bánh tới nhân bánh.
Về lớp vỏ bánh: thay bột gạo, bột mỳ bằng các bột hạnh nhân, tuy nhiên bột hạnh nhân có thể không cho được lớp vỏ bánh hoàn hảo như bột mì cho nên đa phần các bánh trung thu ăn kiêng sẽ tập trung vào sự thay thế ở lớp nhân.
Về nhân bánh trung thu cho người ăn kiêng có sự khác biệt so với bánh trung thu bình thường.
Không sử dụng đường mía tinh luyện hoặc các loại nước đường mà thay thế bằng đường ăn kiêng không sinh năng lượng. Thay vì nhân thập cẩm có nhiều mỡ, lạc, vừng thì nhân bánh trung thu cho người ăn kiêng sẽ bằng nhân của các loại đậu đỗ, ca cao cà phê….Những loại nhân làm từ hạt này lành mạnh, tốt cho sức khỏe.
4- Ai cần hạn chế ăn bánh trung thu?
Như đã phân tích ở trên, bánh trung thu nên ăn có liều lượng. Đặc biệt, với những người có bệnh mạn tính như người bị bệnh đái tháo đường, thừa cân, tăng mỡ máu, tăng huyết áp, bệnh mạch vành nên hạn chế dùng bánh trung thu.
Thành phần chính của bánh trung thu là bột, đường, bơ, mỡ lợn. Vỏ của các loại bánh trung thu truyền thống cũng như các loại nhân đậu, nhân hạt sen… đều được tẩm ướp rất nhiều mỡ và đường. Chính vì vậy bánh trung thu có độ béo và ngọt rất cao.
Trứng muối và các loại hạt trong nhân bánh cung cấp một lượng cholesterol đáng kể. Hàm lượng muối cao trong bánh cũng có thể trở thành gánh nặng cho thận và hệ tim mạch.
Với trẻ biếng ăn, khi ăn một miếng bánh vào lúc đói, đường huyết tăng lên sẽ làm mất cảm giác thèm ăn trong bữa chính. Khi đó trẻ càng chán ăn.
5- Cách lựa chọn bánh trung thu an toàn
Trong giai đoạn hiện nay, nhiều người tiêu dùng có xu hướng mua bánh trung thu online nên chú ý lựa chọn các loại bánh trung thu có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng. Sản phẩm phải ghi ngày sản xuất, thời hạn sử dụng và còn hạn sử dụng.
Bánh không bị dập nát biến dạng, bao bì không rách nát, không có màu sắc khác thường, không bị thiu, ẩm mốc, hư hỏng và không có mùi khác lạ.
Sản phẩm chứa các chất phụ gia không cho phép sử dụng hoặc vượt quá giới hạn cho phép.
Các loại bánh trung thu thường được sử dụng các loại phẩm màu để tăng tính thẩm mỹ. Nếu loại phẩm này là phẩm màu thực phẩm được Bộ Y tế cho phép thì an toàn cho sức khỏe nhưng nếu sử dụng chất tạo màu không được phép sử dụng trong công nghệ chế biến thực phẩm sẽ nguy hiểm cho sức khỏe người tiêu dùng.
Chất đạm trong bánh nướng khá cao, thường là đạm động vật, nếu bảo quản không tốt chúng dễ bị ôi, mốc gây ra ngộ độc.
Nếu mua bánh tại cửa hàng, nên mua tại các cửa hàng được bày bán ở những địa điểm kinh doanh xác định, đáp ứng các yêu cầu về điều kiện kinh doanh thực phẩm như: có đủ trang thiết bị che đậy tránh bụi bẩn, mưa nắng, côn trùng xâm nhập, bảo quản đúng quy định trên nhãn sản phẩm của nhà sản xuất.
6- Cách bảo quản và sử dụng bánh trung thu
Bánh mua về phải được bảo quản ở nơi sạch sẽ, được che đậy tránh bụi bẩn, mưa nắng, côn trùng xâm nhập, bảo quản theo đúng quy định trên nhãn sản phẩm của nhà sản xuất.
Chỉ ăn bánh còn hạn sử dụng.
Rửa tay sạch trước khi cắt, chia bánh và trước khi ăn bánh.
Không ăn quá nhiều bánh và các thực phẩm giàu đạm, mỡ, đường trong khẩu phần ăn để tránh rối loạn hấp thu thực phẩm.
Khi có những bất thường về sức khỏe do ăn uống nhanh chóng đến cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn, trợ giúp kịp thời về chuyên môn.
Xem thêm video đang được quan tâm
Một ngày bạn nên ăn bao nhiêu hộp sữa chua để không bị tăng cân