Hà Nội

6 sai lầm khi uống thuốc sẽ làm giảm hiệu quả điều trị

04-02-2025 09:20 | An toàn dùng thuốc
google news

SKĐS - Uống thuốc đúng cách sẽ mang lại kết quả điều trị tối ưu. Nếu cách uống, thời gian dùng thuốc không đúng, kết hợp với chế độ ăn uống không hợp lý sẽ làm ảnh hưởng đến tác dụng của thuốc, khiến điều trị không hiệu quả, làm tăng tác dụng phụ, biến chứng do dùng thuốc.

Dưới đây là một số sai lầm khi uống thuốc cần lưu ý:

1. Uống thuốc không đúng giờ

Bất cứ khi nào bạn được kê đơn một loại thuốc mới, cần phải trao đổi với bác sĩ hoặc dược sĩ về cách thức và thời điểm dùng thuốc như thuốc được dùng trước, trong hay sau bữa ăn. Nhiều thuốc sẽ có hiệu quả khi uống lúc đói (trước bữa ăn), nhưng một số thuốc cần uống trong hoặc sau bữa ăn (nghĩa là phải có thức ăn mới hấp thu tốt)...

- Uống trước bữa ăn: Có nghĩa là thuốc cần được uống khi bụng đói trước bữa ăn 1 giờ để dễ hấp thu.

- Uống sau bữa ăn: Có nghĩa dùng thuốc ngay sau bữa ăn hoặc sau ăn 30 phút, để thức ăn giảm bớt sự kích thích của thuốc đối với đường tiêu hóa hoặc thúc đẩy sự hấp thu của thuốc tốt hơn qua đường tiêu hóa...

2. Uống thuốc khi nằm

Khi uống thuốc ở tư thế nằm, thuốc sẽ dễ dàng bám vào thành thực quản. Không chỉ ảnh hưởng đến hiệu quả, thuốc còn gây kích ứng thực quản, gây ho hoặc viêm nhiễm cục bộ... nặng có thể làm tổn thương thành thực quản. Vì vậy, tốt nhất nên uống thuốc ở tư thế ngồi hoặc đứng.

3. Uống thuốc trực tiếp từ chai (đối với dạng lỏng)

Đối với thuốc dạng lỏng như sirô, hỗn dịch... một số người có thói quen uống thuốc trực tiếp từ miệng chai (tu thuốc). Điều này sẽ làm chất lỏng thuốc dễ bị nhiễm bẩn và đẩy nhanh quá trình hư hỏng. Mặt khác, lượng thuốc uống vào không thể được kiểm soát chính xác, sẽ không đạt được hiệu quả chữa bệnh hoặc dùng quá liều sẽ làm tăng tác dụng phụ.

4. Dùng nhiều loại thuốc cùng lúc

Dùng nhiều loại thuốc cùng lúc sẽ khó tránh khỏi tương tác thuốc, thậm chí có thể gây ra một số tác dụng phụ, tương tác thuốc không mong muốn.

Ví dụ: Dùng thuốc chống trầm cảm cùng với thuốc dị ứng làm cho khó kiếm soát được các triệu chứng trầm cảm. Hoặc bổ sung magie cùng thuốc thyroxine sẽ làm cho thuốc thyroxine trở nên vô tác dụng.

Nếu nghi ngờ một số loại thuốc đang dùng hoặc sắp dùng có thể có tương tác bất lợi, bạn phải chủ động hỏi ý kiến bác sĩ hoặc dược sĩ, đồng thời nhớ không được tự ý dừng hoặc thay đổi thuốc.

Trong một số trường hợp, việc tự ý ngừng thuốc có thể dẫn đến các triệu chứng cai thuốc hoặc các tác dụng phụ nghiêm trọng hơn. Nếu có lý do khiến bạn không thể dùng thuốc theo chỉ định (vì thuốc gây khó chịu hoặc tác dụng phụ), hãy trao đổi với bác sĩ.

6 sai lầm khi uống thuốc sẽ làm giảm hiệu quả điều trị- Ảnh 1.

Uống thuốc không đúng cách làm ảnh hưởng đến hiệu quả điều trị của thuốc.

5. Uống quá nhiều nước

Uống quá nhiều nước sẽ làm loãng axit dạ dày, không có lợi cho việc hòa tan và hấp thu thuốc. Nói chung, uống thuốc với 1 cốc nước ấm là đủ.

Đối với các chế phẩm đặc biệt như sirô, đặc biệt là sirô ho, thuốc cần phủ lên bề mặt niêm mạc họng bị viêm để tạo thành lớp màng bảo vệ nhằm giảm phản ứng viêm niêm mạc, ức chế kích ứng, giảm ho, do đó không nên uống nước trong vòng 5 phút sau khi uống sirô.

6. Tập thể dục ngay sau khi uống thuốc

Cũng giống như sau khi ăn, bạn không nên tập thể dục ngay sau khi uống thuốc. Thông thường phải mất 30-60 phút để thuốc hòa tan, hấp thu qua đường tiêu hóa và phát huy tác dụng sau khi uống. Trong thời gian đó cần có đủ máu để tham gia tuần hoàn. Ngay lập tức vận động sẽ dẫn đến lượng máu cung cấp đến đường tiêu hóa và các cơ quan khác không đủ, hiệu quả hấp thu của thuốc sẽ giảm đi rất nhiều.

Vì sao không nên uống thuốc với trà?Vì sao không nên uống thuốc với trà?

SKĐS - Văn hóa uống trà có lịch sử lâu đời ở nước ta. Trà cũng là loại thức uống tốt cho sức khỏe được tiêu thụ phổ biến nhất trong đời sống hàng ngày. Vậy uống thuốc với trà có ảnh hưởng đến tác dụng của thuốc không?

Mời xem thêm video được quan tâm:

Cảnh giác 5 loại trà thảo dược có thể tương tác với thuốc điều trị | SKĐS


ThS. DS. Trần Phương Duy
Ý kiến của bạn