Hà Nội

6 sai lầm khi rửa mũi cho trẻ khiến bệnh nặng hơn

30-08-2023 15:35 | An toàn dùng thuốc

SKĐS - Việc rửa mũi có tác dụng làm thông mũi, giảm tình trạng nghẹt mũi cho trẻ. Tuy nhiên, một số sai lầm trong cách rửa mũi của nhiều bậc cha mẹ khiến trẻ bị bệnh nặng hơn, thậm chí mắc thêm bệnh khác…

Bạn đã biết rửa mũi cho trẻ?Bạn đã biết rửa mũi cho trẻ?

SKĐS - Thời tiết thay đổi đột ngột nhất là giai đoạn giao mùa, trẻ rất dễ mắc các bệnh mũi họng.

Dưới đây là một số sai lầm thường gặp:


1. Dùng xi lanh rửa mũi cho trẻ

Hiện nay, nhiều bậc cha mẹ vẫn thường sử dụng xi lanh bơm nước để rửa mũi cho trẻ vì xi lanh dễ mua và dễ sử dụng. Tuy nhiên, rửa mũi bằng xi lanh là phương pháp không an toàn và dễ gây tổn thương hơn.

Nguyên nhân là xi lanh có áp lực cao, khi bơm nước vào để rửa mũi nếu không kiểm soát được lực có thể gây tổn thương niêm mạc mũi của trẻ. Không những thế, dùng xi lanh bơm nước cũng có thể đẩy nước vào vòi nhĩ, gây ứ đọng nước trong tai và gây viêm tai giữa, nguy hiểm nhất là nước có thể lọt vào đường thở, vào phổi.

Ngoài ra, việc dùng xi lanh bơm nước rửa mũi còn có thể khiến mũi trẻ bị xước, chảy máu, viêm do đầu xi lanh quá nhọn.

Nên: Rửa mũi cho trẻ bằng cách nhỏ trực tiếp từ lọ nước muối sinh lý hoặc dùng bình rửa mũi chuyên dụng.

7 sai lầm khi rửa mũi cho trẻ - Ảnh 2.

Nhiều sai lầm khi rửa mũi cho trẻ khiến trẻ bệnh nặng hơn.

2. Cho trẻ nằm ngửa khi rửa mũi

Đây là sai lầm nhiều cha mẹ mắc phải. Khi rửa mũi cho trẻ, nếu để trẻ nằm ngửa rất dễ sặc ngược vào phổi, nhất là trẻ đang khóc, không chịu hợp tác. Trẻ sặc thường có phản xạ nuốt xuống, điều này dễ tràn nước lên tai, lâu ngày có thể nguy cơ gây viêm tai giữa.

Ngoài ra, việc cho trẻ nằm ngửa sẽ khiến trẻ sợ hãi mỗi khi rửa mũi nên rất khó để thực hiện lần sau.

Nên: Đặt trẻ nằm nghiêng, gối đầu lên tấm khăn. Khi rửa mũi, nhẹ nhàng giữ đầu trẻ, tuyệt đối không để trẻ quấy khóc.

3. Hút rửa mũi quá nhiều lần

Với mong muốn giúp trẻ thoát khỏi tình trạng nghẹt mũi, sụt sịt, nhiều bậc cha mẹ đã hút, rửa mũi cho trẻ quá nhiều lần trong ngày. Điều này có thể gây tổn thương niêm mạc mũi của trẻ.

Nên: Chỉ rửa mũi khi có chỉ định của bác sĩ. Số lần rửa mũi phụ thuộc mức độ của bệnh. Thường 2-3 lần/ngày là được. Lưu ý giảm dần số lần rửa khi dịch mũi ít đi và ngừng khi dịch mũi ko ảnh hưởng đến thở tự nhiên của trẻ qua đường mũi nữa.

4. Dùng sai loại nước muối sinh lý

Trên thị trường hiện có rất nhiều loại nước muối sinh lý. Mỗi loại lại có tác dụng khác nhau như loại dùng rửa vết thương, loại vệ sinh mắt, mũi…

Không sử dụng nước muối để rửa vết thương (thường là chai to 500ml) để vệ sinh mũi cho trẻ lâu dài. Vì loại này thường không đạt độ vô trùng tuyệt đối như nước muối sinh lý nhỏ mũi, đồng thời chứa chất bảo quản có khả năng gây kích ứng niêm mạc trẻ.

Nên: Dùng nước muối sinh lý chuyên dành cho rửa mũi để rửa mũi cho trẻ.

5. Không rửa tay trước khi vệ sinh mũi

Đây là một thói quen sai lầm có thể ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ. Việc không vệ sinh tay sạch sẽ trước khi nhỏ mũi có thể vô tình khiến trẻ mắc thêm bệnh truyền nhiễm.

Nên: Rửa tay trước và sau khi vệ sinh mũi cho trẻ.

6. Dùng nước muối tự pha

Tuyệt đối không dùng nước muối tự pha để rửa mũi cho trẻ. Muối tự pha có thể có thể lẫn nhiều tạp chất gây hại, nên việc tự pha nước muối vừa không đảm bảo vệ sinh và an toàn cho trẻ. Không những thế, khi tự pha, nồng độ nước muối không thể chính xác được. Nếu nồng độ mạnh (trên 0,9%) có thể gây tổn thương niêm mạc mũi của trẻ.

Nên: Nên dùng nước muối sinh lý để rửa mũi cho trẻ, bởi sản phẩm này đã qua kiểm nghiệm của cơ quan y tế, đảm bảo chất lượng và đủ điều kiện sử dụng.

Xem thêm video đang được quan tâm:

Cảnh giác với chủng virus nguy hiểm của bệnh tay chân miệng.

BS.Nguyễn Hữu Thảo
Ý kiến của bạn