6 sai lầm khi dùng thuốc y học cổ truyền cần tránh

SKĐS - Một số người vẫn lầm tưởng thuốc y học cổ truyền an toàn và không có tác dụng phụ. Điều này không hoàn toàn chính xác, vì nếu sử dụng không đúng cách, thuốc đông y cũng gây ra những tác dụng không tốt cho sức khỏe.

1. Dùng thuốc không phù hợp với chẩn đoán bệnh theo y học cổ truyền

Đối với từng bệnh, tùy vào biểu hiện triệu chứng mà y học cổ truyền phân thành hàn (lạnh), nhiệt (nóng), hư (các cơ quan tạng phủ trong cơ thể bị suy giảm chức năng), thực (bệnh cấp, mới mắc, chưa ảnh hưởng tới các tạng bên trong cơ thể)... tương ứng với các phương pháp điều trị đặc hiệu.

Chẳng hạn như: Bệnh hàn thì dùng thuốc nhiệt, bệnh nhiệt thì dùng thuốc hàn, bệnh hư phải dùng thuốc bổ, bệnh thực phải dùng thuốc tả để công phạt. Do đó, không thể có một phương thuốc chung cho bất kỳ bệnh nào, nếu dùng sai sẽ để lại hậu quả tai hại, như "nhiệt gặp nhiệt tắc cuồng, hàn gặp hàn tắc tử".

2. Dùng thuốc y học cổ truyền quá liều và kéo dài

Chẳng hạn như vị thuốc mộc thông (giúp lợi tiểu) nếu dùng liều cao kéo dài có thể gây suy thận. Các vị thuốc tế tân, bạch quả, ô đầu, phụ tử, hạnh nhân, bán hạ... dùng liều cao cũng có thể gây ngộ độc. Việc dùng kéo dài vị thuốc chu sa, thần sa... có ảnh hưởng đến chức năng gan và thận.

photo-1672717822576

Sử dụng chu sa kéo dài có thể gây hại gan, thận.

3. Tương tác thuốc bất lợi làm giảm tác dụng hoặc tăng độc tính

Khi dùng thuốc cần chú ý đến sự tương tác, phối ngũ của các vị thuốc. Một số thuốc y học cổ truyền khi dùng chung sẽ gây ra những phản ứng không tốt, thậm chí gây độc cho cơ thể, có thể kể đến như cam thảo với cam toại, bạch cập với bán hạ, đại kích với nguyên hoa, tế tân với lê lô, ba đậu với khiên ngưu…

Bên cạnh đó, để thuốc y học cổ truyền phát huy hiệu quả điều trị tối đa, trong thời gian uống thuốc, người bệnh cần kiêng một số thức ăn mà người xưa gọi đó là "sự kiêng kỵ trong khi uống thuốc". Trong các sách xưa có ghi chép: Bạc hà kỵ thịt ba ba, phục linh kỵ giấm, miết giáp kỵ rau dền, mật ong kỵ hành, thịt gà kỵ sáp ong… Tức là khi uống một vị thuốc gì đồng thời phải kiêng ăn một số đồ ăn kỵ với nó.

Hơn nữa, thuốc y học cổ truyền có thể làm giảm tác dụng hoặc làm tăng độc tính của các thuốc y học hiện đại đang sử dụng, gây rủi ro cho người bệnh. Thuốc giảm đau opiod, thuốc ức chế bơm proton (PPI) giảm hiệu quả khi dùng chung với nhân sâm.

Tác dụng của thuốc lợi tiểu có thể bị ảnh hưởng khi sử dụng cùng với cam thảo. Gừng tươi, nhân sâm làm tăng nguy cơ xuất huyết nếu dùng chung với thuốc chống đông. Nguy cơ xuất huyết cũng gia tăng nếu kết hợp tỏi, bạch quả với các thuốc kháng viêm không steroid (NSAIDs).

photo-1672717827960

Cần lưu ý tương tác giữa thuốc y học cổ truyền và tây y khi dùng chữa bệnh.

4. Mua thuốc kém chất lượng, không rõ nguồn gốc

Không phải loại thuốc nào cũng có nguồn gốc chính xác mà chủ yếu mua ở các nguồn trôi nổi khác nhau rồi tự bào chế. Vì vậy mới có tình trạng người tiêu dùng mua vài thang thuốc Đông y về ngâm rượu uống nhưng sau đó bị ngộ độc, do còn sót những loại cây có độc trong thuốc.

5. Sai sót trong quá trình bào chế thuốc

Việc bào chế có thể làm tăng tác dụng hoặc giảm bớt độc tính của thuốc. Nếu bào chế không tốt, độc tính của thuốc chưa được loại trừ, khi dùng có thể gây phản ứng đáng tiếc.

Trong y học cổ truyền có nhiều vị thuốc dễ gây ngộ độc, nôn... nếu bào chế không kỹ như bán hạ, phụ tử... Vị thuốc tỳ bà diệp (lá nhót) khi bào chế phải làm sạch các lông tơ, nếu không có thể gây ngứa họng, ho, viêm niêm mạc họng.

photo-1672717831195

Lá nhót nhiều lông tơ nên cần làm sạch để tránh gây kích ứng trước khi dùng.

6. Sai sót trong cách dùng thuốc

Nhiều vị thuốc độc tính cao thường chỉ được dùng bôi, đắp ngoài da. Nếu dùng đường uống sẽ có thể gây những tác hại nặng nề, thậm chí dẫn tới tử vong. Ví dụ, mật cá trắm, lá vòi voi, dùng đắp ngoài sẽ chữa được các bệnh khớp; nhưng nếu dùng đường uống sẽ có thể dẫn đến suy thận cấp, rất nguy hiểm.

Trong trường hợp người bệnh có vết thương hở, vùng da đang viêm nhiễm lở loét, việc tự ý sử dụng các thuốc bôi, thuốc đắp tại vị trí tổn thương theo kinh nghiệm dân gian truyền miệng tiềm ẩn nhiều nguy cơ làm bệnh nghiêm trọng hơn, có thể gây bội nhiễm, hoại tử tại vết thương, thậm chí nhiễm trùng huyết gây nguy hiểm đến tính mạng.

photo-1672717834855

Lá vòi voi chỉ được dùng ngoài da, không được dùng đường uống do có thể gây suy thận cấp.

Vì vậy, để đảm bảo an toàn khi sử dụng thuốc y học cổ truyền, người bệnh cần đến những cơ sở khám chữa bệnh y học cổ truyền có uy tín để khám và điều trị, đồng thời tuân thủ theo chỉ định của thầy thuốc. Tuyệt đối không tự ý bốc thuốc theo lời truyền miệng, theo các bài thuốc lưu truyền trên mạng hay kể cả là đơn thuốc của người cùng mắc bệnh...

Bên cạnh đó, công tác bảo quản thuốc cũng là vấn đề cần hết sức lưu ý, nên bảo quản thuốc trong hộp kín, ở nơi khô ráo, thoáng mát.

Mời bạn xem tiếp video:

6 thói quen sau ăn hại dạ dày ghê gớm, người Việt hay mắc phải- SKĐS

ThS.BS. Phạm Đức Thắng
Đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh
Ý kiến của bạn