Dưới đây là một số quan điểm sai lầm hay gặp gây bất lợi cho sức khỏe nhiều người mắc phải.
1. Dậy quá sớm tập thể dục buổi sáng
Nhiều người thích tập thể dục buổi sáng, điều này chẳng có gì sai, tuy nhiên có người dậy từ lúc 3 – 4 giờ sáng thì quả thật không hợp lý. Bởi lẽ, giấc ngủ rất cần cho sự sống, đây một hoạt động sinh lý quan trọng, giúp cơ thể nghỉ ngơi và góp phần phục hồi các rối loạn.
Chúng ta cần ngủ đúng, ngủ đủ thời gian, việc dậy quá sớm đã sớm đưa các tế bào của chúng ta đến tình trạng lão hóa hoặc suy giảm chức năng, trong đó có tế bào thần kinh. Ngoài ra, việc thức dậy quá sớm còn ảnh hưởng đến người xung quanh, nhất là gia đình có em bé và người già.
2. Ăn bù, ngủ bù, ăn uống theo nhu cầu
Nhiều người có quan điểm thiếu gì bù nấy nên thức khuya rồi ngủ bù, ăn bù, đây là điều hoàn toàn sai lầm. Việc thức khuya kéo dài sau đó ngủ bù, ngủ kéo dài sẽ khiến trí não kém tập trung, cơ thể kém linh hoạt. Ngoài ra nó làm cho nhịp sinh học của chúng ta thay đổi và có tác động tiêu cực đến sức khỏe.
Ăn bù làm cho dạ dày bị quá tải và gây hư hại trong khi dinh dưỡng vẫn không cải thiện, thậm chí là kém hơn.
Thông thường việc ăn uống theo nhu cầu nghĩa là thiếu cái gì thì thèm cái đó (thiếu đạm thì thèm thịt, thiếu nước thì khát…) là đúng nhưng chưa đủ. Trên thực tế cơ thể và các biểu hiện bên ngoài không hoàn toàn tương xứng với các thiếu hụt bên trong, việc cảm nhận từ các phản ứng của cơ thể đôi khi không chính xác để rồi có những đáp ứng sai gây tác động tiêu cực đến cơ thể, cái đang cân bằng thì lại thừa ra trong khi cái thiếu thì vẫn cứ tiếp tục thiếu.
Vì vậy, không nên lạm dụng thức khuya, trừ những đặc tính nghề nghiệp còn lại chúng ta nên ngủ đúng giờ, ăn đúng bữa mới là bảo vệ sức khỏe nhất. Với những người có biểu hiện rối loạn giấc ngủ, thay đổi đồng hồ sinh học, rối loạn ăn uống hãy gặp bác sĩ để được tư vấn chế độ ăn phù hợp với công việc và tình trạng sức khỏe.
3. Tống sỏi tiết niệu bằng… bia
Với quan điểm uống nước nhiều sẽ giúp tống sỏi đường tiết niệu nên khá nhiều nam giới cho rằng uống bia lợi tiểu, giúp tống các viên sỏi niệu quản ra ngoài. Đây là quan niệm sai lầm bởi vì thức uống có cồn sẽ làm tăng nồng độ purine trong cơ thể khiến cho lượng axit uric tăng lên. Vì thế tăng nguy cơ gây bị sỏi axit uric.
Chưa hết, bia rượu đồng đồng thời gây nhiều bệnh lý khác như giảm sức lọc của thận, gây suy thận, suy giảm chức năng gan, rối loạn đường tiêu hóa, suy giảm trí nhớ….
4. Ăn no căng bụng
Nhiều người vẫn quan niệm rằng no chính là "căng cái bụng", là đầy cái dạ dày. Điều này sai lầm vì khi ăn quá no sẽ gây có hại cho dạ dày, trong khi chưa chắc là đã đủ chất, đủ năng lượng cho cơ thể. Về lâu dài sẽ gây giãn dạ dày, suy giảm chức năng co bóp và tiêu hóa của dạ dày… Chúng ta hãy biết thương yêu và chăm sóc cái dạ dày của mình bằng quan niệm mới, "no" là cho đủ chất và đủ năng lượng trong một lần ăn.
5. Ăn gì bổ nấy
Đã từ lâu, rất nhiều người vẫn tin và truyền cho nhau quan niệm "ăn gì bổ nấy", chẳng hạn như ăn gan bổ gan, ăn thận bổ thận, ăn não bổ não... Không thể phủ nhận rằng trong một số nội tạng hoặc bộ phận của vật nuôi lấy thịt có những thành phần giàu dinh dưỡng góp phần bồi bổ cho cơ thể, nhưng nhớ rằng "bổ toàn thân" chứ hoàn toàn không phải "bổ khu trú" như quan niệm trên.
Mặt khác, chúng ta cần phải hiểu cơ thể luôn cần được tiếp nhận một cách hợp lý và cân bằng với đầy đủ các thành phần dinh dưỡng, việc ăn nhiều các nội tạng sẽ gây mất cân đối về dinh dưỡng, nguồn gốc gây ra các rối loạn. Bên cạnh chứa nhiều cholesterol, đạm dễ gây các bệnh như gout, đái tháo đường, tim mạch… ngoài ra còn chứa nhiều vi sinh vật gây hại cho cơ thể.
6. Tâm lý chữa bệnh "bụt chùa nhà không thiêng"
Có bệnh thì vái tứ phương là tâm lý của nhiều người. Khi được chẩn đoán bệnh, không ít người thiếu tin tưởng các bác sĩ hoặc các cơ sở y tế ở địa phương,... nghe ai mách ông lang ở đâu cũng tìm đến để chữa bệnh. Điều này vô tình đánh mất các cơ hội tiếp cận với các dịch vụ y tế chuyên sâu với chi phí thấp. Thương tâm nhất là vô tình đánh mất đi khoảng "thời gian vàng" để can thiệp hiệu quả các bệnh lý nặng (nhồi máu cơ tim, đột quỵ, chấn thương…).
Tóm lại: Sức khỏe là tài sản lớn nhất của đời người, sức khỏe không mua được bằng tiền mà là kết quả của một lối sống lành mạnh, khoa học, kỷ luật và có sự cân bằng giữa yếu tố dinh dưỡng. Vì thế có thể định nghĩa một cách đơn giản là: bệnh tật là một trạng thái mà cơ thể có sự "thừa hoặc thiếu" của tất cả các thành phần cấu thành nên cơ thể (đường, đạm, mỡ, các vi chất, nước…)
Cơ thể của chúng ta có tính đặc trưng riêng ở mỗi cá nhân, sự biểu hiện ra bên ngoài không phải là bức tranh phản ánh đúng và đủ các rối loạn bên trong, không nên quá tự tin vào bản thân mà phải dựa vào các chứng cứ có tính khoa học. Điều đó có nghĩa là việc sinh hoạt, ăn uống, ngủ nghỉ, giải trí và làm việc phải tuân theo một chế độ có sự cân bằng, hợp lý, khoa học, đặc biệt là phải phù hợp với từng cơ thể trong từng giai đoạn của tuổi tác.
Hãy quan tâm đến sức khỏe một cách tích cực bằng các kiến thức y học thông thường. Chủ động bảo vệ bản thân và người thân khỏi các tác nhân gây bệnh, cũng như sớm phát hiện các biểu hiện bệnh lý để điều trị kịp thời.