Có được kết quả này là do Cục Công nghệ thông tin Bộ Y tế đã thực hiện chuyển giao công nghệ theo dõi điện tâm đồ từ xa Tele - ECG cho ngành y tế Nghệ An. Hiệu quả của ứng dụng công nghệ thông tin trong y tế được thực hiện như thế nào ở Nghệ An? Phóng viên báo SK&ĐS đã phỏng vấn PGS.TS. Dương Đình Chỉnh - Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Y tế Nghệ An về vấn đề này.
Y tế Nghệ An đã chuẩn bị nhân lực và hệ thống sẵn sàng cho PACS.
PV: Thưa ông, ông có thể cho biết trước khi ứng dụng hệ thống lưu trữ và truyền hình ảnh y tế (PACS), hiện nay y tế Nghệ An sẵn sàng với công nghệ như thế nào?
PGS.TS. Dương Đình Chỉnh: Có thể nói, tỉnh Nghệ An đã quan tâm đầu tư mạnh mẽ cho công nghệ thông tin, đảm bảo cải cách thủ tục hành chính nhanh, gọn, người dân không phải chờ đợi lâu. Đối với ngành y tế, thực hiện Công văn số 873/UBND - CN ngày 14/2/2019 của UBND tỉnh Nghệ An về việc chủ trương đầu tư triển khai thí điểm PACS tại Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An. Sở Y tế đã tiến hành khảo sát hiện trạng cơ sở vật chất liên quan tới PACS của các đơn vị trong ngành y tế trên địa bàn tỉnh. Chúng tôi đã triển khai tại BVĐK TP. Vinh. 30 đơn vị khám chữa bệnh công lập khác trên toàn tỉnh có 25/30 bệnh viện, trung tâm y tế đã sẵn sàng triển khai được hệ thống PACS. Nếu sử dụng công nghệ cũ, như năm 2018, chi phí mua phim trong toàn tỉnh là hơn 22 tỷ đồng. Trên địa bàn toàn tỉnh Nghệ An đã sử dụng phần mềm quản lý khám chữa bệnh từ tỉnh đến trạm y tế các xã, phường, thị trấn.
Các đơn vị khám chữa bệnh công lập trong tỉnh Nghệ An hoàn toàn sẵn sàng triển khai hệ thống lưu trữ và truyền hình ảnh PACS.
PV: Vừa qua, 6 xã của huyện Nam Đàn, Nghệ An đã được hưởng công nghệ chẩn đoán bệnh lý tim mạch từ xa, người dân chỉ mất 6 phút đã được các bác sĩ từ Hà Nội chẩn bệnh đọc kết quả, ông có thể biết khả năng sẵn sàng của y tế Nghệ An trong triển khai hệ thống y tế thông minh?
PGS.TS. Dương Đình Chỉnh: Các đơn vị y tế trong tỉnh được đầu tư nhiều trang thiết bị mới, hiện đại, đặc biệt là các trang thiết bị chẩn đoán hình ảnh như máy CT, MRI, nhiều máy chụp Xquang kỹ thuật số, máy siêu âm màu, máy nội soi,... từ đó có đủ điều kiện về cơ sở vật chất, kỹ thuật và nhân lực để đáp ứng yêu cầu kỹ thuật của hệ thống PACS.
Hiện các bệnh viện đã có hệ thống công nghệ thông tin, phần mềm quản lý bệnh viện có thể kết nối được giữa tất cả các khoa phòng chuyên môn. Đặc biệt, một số bệnh viện đã có chủ trương nghiên cứu tìm hiểu, xây dựng kế hoạch áp dụng hệ thống PACS từ trước, cùng các hệ thống công nghệ hiện đại khác.
Ngày 1/4/2019 vừa qua, 6 trạm y tế xã của huyện Nam Đàn (Kim Liên, Khánh Sơn, Nam Lộc, Nam Cát, Nam Thái và Vân Diên) tuy không nằm trong danh sách 26 trạm y tế xã điểm của Bộ Y tế nhưng đã được hưởng lợi từ dự án thí điểm này. 6 trạm y tế xã của Nam Đàn chính là những xã đầu tiên trong cả nước triển khai hệ thống điện tim từ xa. Đây là thành quả không thể phủ nhận của công nghệ thông tin trong hệ thống y tế mà ngành y tế đang hướng đến.
Công nghệ Tele-ECG là một hệ thống tích hợp từ những thiết bị hiện đại, bao gồm: máy điện tim, bộ kết nối và gửi dữ liệu qua mạng 3G/4G và hệ thống phần mềm. Hệ thống này giúp người bệnh khi đo điện tim ở trạm y tế xã nhưng có thể được các chuyên gia tim mạch ở Trung ương đọc và trả kết quả chỉ trong vòng 6 phút, phát hiện ngay các nguy cơ nhồi máu cơ tim sớm, để người bệnh kịp thời đến trung tâm tim mạch.
Ngoài ra, hệ thống còn giúp người bệnh không phải mất thêm nhiều chi phí cho việc đi lại, ăn ở khi phải chuyển viện; góp phần giải quyết tình trạng quá tải ở các bệnh viện tuyến trên. Hệ thống cũng giúp nâng cao năng lực chuyên môn cho các bệnh viện tuyến huyện và tuyến xã thông qua các hoạt động tư vấn, chẩn đoán, khám chữa bệnh từ xa, hội thảo và đào tạo kỹ thuật y tế.
PV: Trân trọng cảm ơn ông!