1. Nhóm thuốc hạ sốt
Thuốc hạ sốt thường có 2 loại thuốc khá an toàn là paracetamol và ibuprofen. Một loại vật dụng khác cần có trong tủ thuốc gia đình là nhiệt kế. Tuy nhiệt kế không phải là thuốc, nhưng lại rất cần thiết để theo dõi nhiệt độ của trẻ.
Paracetamol có nhiều dạng bào chế (viên nén, viên sủi, dạng gói bột, viên đặt hậu môn, hỗn dịch…) và nhiều tên biệt dược khác nhau. Vì thế, để tránh dùng chồng chéo dẫn đến quá liều thuốc, người chăm sóc trẻ cần lưu ý kiểm tra tên hoạt chất trước khi cho bé dùng thuốc.
Nên ưu tiên dạng uống với các gói bột hòa tan cho trẻ em. Trẻ lớn hơn có thể nuốt được cả viên thuốc thì nên dùng viên nén. Trường hợp trẻ nôn nhiều, đau miệng khó nuốt… thì sử dụng viên đặt hậu môn. Lưu ý, viên đặt hậu môn không dùng khi trẻ đang bị tiêu chảy.
Liều hạ sốt cho bé từ 10-15mg/kg cân nặng. Mỗi 4-6 giờ cho bé dùng hạ sốt 1 lần nếu còn sốt cao. Nếu bé không còn đau/sốt thì không cần tiếp tục dùng thuốc.
Sau 2 giờ dùng paracetamol chuẩn liều mà bé không hạ sốt hoặc hạ rồi nhưng lại tiếp tục sốt cao thì không được dùng tiếp liều paracetamol nữa mà nên chuyển sang dùng ibuprofen dạng siro (liều 8-10mg/kg) cách 6-8 giờ nếu sốt lại.
Lưu ý, không cho trẻ đang bị sốt xuất huyết dùng ibuprofen hạ sốt vì thuốc làm tăng nguy cơ xuất huyết. Tốt nhất nên hỏi ý kiến bác sĩ trước khi dùng ibuprofen, không lạm dụng thuốc này để hạ sốt. Hoặc khi trẻ sốt cao liên tục và không hạ sốt với paracetmol chuẩn liều, nên đưa trẻ đến trung tâm y tế ngay.
2. Bù nước điện giải
Hiện nay trên thị trường có đa dạng các loại oresol với các vị cam, chanh, táo… pha sẵn hoặc các gói bột oresol pha theo hướng dẫn khá dễ uống, để dùng trong các trường hợp sốt cao, tiêu chảy… Nếu trẻ bị tiêu chảy nên sử dụng oresol phân tử thấp sẽ giúp trẻ hấp thụ điện giải tốt hơn, nhanh hơn.
Lưu ý rất quan trọng là cần pha oresol theo đúng tiêu chuẩn hướng dẫn trên bao bì, không được pha đặc hơn gây nguy hiểm hoặc loãng hơn sẽ không còn tác dụng.
Trường hợp bé có nôn nhiều, nên cho bù điện giải bằng thìa nhỏ, từng ngụm nhỏ, không nên ép trẻ uống quá nhiều sẽ càng kích thích trẻ nôn nhiều hơn dẫn đến mất nước và điện giải nhiều hơn. Không nên uống sữa tươi, nước đường, nước ngọt có ga vì sẽ gây mất nước.
Trường hợp trẻ bị sốt cao sẽ háo nước và trẻ đòi uống nước theo nhu cầu. Trường hợp trẻ bị tiêu chảy cấp, lưu ý cố gắng bổ sung oresol như sau:
- Trẻ dưới 24 tháng uống 50-00ml oresol sau một lần đi ngoài. Tối đa 500ml/ngày.
- Trẻ từ 2- 10 tuổi uống 100-200ml sau một lần đi ngoài. Tối đa 1 lít/ngày.
- Trẻ từ 10 tuổi trở lên uống theo nhu cầu, nhưng tối đa 2 lít/ngày.
3. Nhóm xịt mũi khi trẻ bị ngạt mũi
- Nước muối sinh lý nhỏ mũi 0.9%, nước muối biển sâu: Hai loại thuốc này có thể dùng để vệ sinh mũi nhiều lần trong ngày, tùy theo tình trạng ngạt mũi, sổ mũi của trẻ.
Cách dùng: Với trẻ sơ sinh, đặt trẻ nằm nghiêng đầu sang một bên, nhẹ nhàng đặt vòi phun vào bên trong mũi, lên đến sát vòng an toàn của vòi phun, sau đó ấn nhẹ dứt khoát trong vòng 2-3 giây. Lặp lại thao tác với đầu nghiêng về bên còn lại. Nâng cao đầu trẻ lên để cho các dịch nhầy chảy ra ngoài. Lau mũi trẻ với khăn giấy mềm.
Không được làm sạch mũi khi đầu của trẻ ngửa ra sau để tránh chất lỏng đi xuống cổ họng. Giữ đầu xịt ra khỏi tầm với của trẻ em, thận trọng để không làm đau mũi trẻ, khiến trẻ sợ hãi.
Với trẻ em đã có thể ngồi hoặc đứng, chọn tư thế mà trẻ thấy thoải mái nhất. Nghiêng đầu trẻ qua một bên nhẹ nhàng đặt vòi phun vào bên trong mũi, lên đến sát vòng an toàn của vòi phun, sau đó ấn nhẹ dứt khoát trong vòng 2-3 giây. Lặp lại với bên còn lại. Hướng dẫn trẻ hỉ mũi và lau sạch bằng giấy mềm.
- Otrivin 0,05%: Chỉ dùng khi trẻ bị nghẹt mũi dẫn đến khỏ thở, không ngủ được. Dùng tối đa ngày 2 lần, nhỏ vào mũi mỗi bên 1 giọt (ưu tiên nhỏ mũi cho trẻ trước khi đi ngủ). Không dùng thuốc quá 5 ngày, vì có thể gặp phải tác dụng phụ dội ngược khiến tình trạng ngạt mũi nặng hơn.
4. Nhóm long đờm
Nhóm thuốc này cũng nên có trong tủ thuốc nhưng hạn chế sử dụng. Các thuốc có thể dùng như ambroxol hydrochloride, bromhexin, acetylcystein… dùng khi trẻ ho có đờm đặc quánh.
Lưu ý, thuốc long đờm không được dùng cùng nhóm thuốc giảm ho, không dùng cùng các thuốc long đờm khác và phải dùng theo hướng dẫn của bác sĩ. Sau khi cho trẻ uống long đờm khoảng 30-45 phút, phụ huynh nên vỗ rung để giúp long đờm tốt hơn và kích thích bé ho, tống đẩy long đờm ra ngoài.
5. Nhóm thuốc giảm ho nào cần có tủ thuốc gia đình?
Ưu tiên nhóm thảo dược (chanh đào, lá hẹ, quất + mật ong) hấp cách thủy, pha loãng cho trẻ uống. Lưu ý không dùng cách này cho trẻ dưới 1 tuổi.
Ngoài ra còn một số hoạt chất giảm ho dạng siro, nhưng không nên lạm dụng. Chỉ dùng khi trẻ ho khan, ho nhiều, dẫn đến nôn trớ, quấy khóc, khỏ ngủ… Trước khi dùng nên hỏi ý kiến của bác sĩ.
Trường hợp trẻ ho có đờm tuyệt đối không dùng nhóm thuốc giảm ho.
6. Nhóm sơ cứu nên có trong tủ thuốc gia đình
- Betadin 10%: Cần pha loãng trước dùng để vệ sinh vết thương cho trẻ.
- Bông, gạc, băng…
- Thuốc chống dị ứng.
Trên đây chỉ là một số thuốc cần có trong tủ thuốc gia đình để khi cần xử trí các tình huống khẩn cấp nhưng không nguy hiểm. Tuy nhiên không được chủ quan với các diễn biến bất thường của trẻ. Cần đưa con đi cấp cứu ngay (tốt nhất trong gia đình nên có số điện thoại của bác sĩ chuyên khoa nhi quen thuộc) khi thấy trẻ có các biểu hiện sau:
- Sốt khó hạ, sốt dài ngày, sốt dày cơn.
- Thở khò khè, rút lõm lồng ngực, thở nhanh, tím quanh môi.
- Đau bụng, không ăn uống được gì, nôn nhiều.
- Đi ngoài nhiều, phân lỏng, có nhày máu…
- Co giật.
- Sốt li bì.
Đối với trẻ có tiền sử dị ứng nếu nổi mề đay hoặc bất kỳ dấu hiệu bất thường nào sau khi: Ăn uống, nhiễm khói bụi, hít phải phấn hoa, uống thuốc… cần ghi lại và báo với bác sĩ nhi khoa để được hướng dẫn xử trí kịp thời.
Mời độc giả xem thêm video:
Bà bầu viêm phổi nặng và thai nhi 34 tuần tuổi được cứu sống I SKĐS