6 nguyên nhân gây rụng tóc ở phụ nữ

23-09-2012 13:10 | Thông tin dược học
google news

Rụng tóc là một trong những vấn đề thường gặp ở nhiều người, đặc biệt là ở phụ nữ. Có rất nhiều nguyên nhân dẫn tới tình trạng rụng tóc, ngoài tác động của môi trường, thói quen sinh hoạt, chăm sóc tóc và chế độ dinh dưỡng...

(SKDS) - Rụng tóc là một trong những vấn đề thường gặp ở nhiều người, đặc biệt là ở phụ nữ. Có rất nhiều nguyên nhân dẫn tới tình trạng rụng tóc, ngoài tác động của môi trường, thói quen sinh hoạt, chăm sóc tóc và chế độ dinh dưỡng... những nghiên cứu mới đây của các nhà khoa học Thuỵ Điển còn chỉ ra rằng: khí hậu các mùa trong năm cũng ảnh hưởng đáng kể đến tình trạng rụng tóc.

Nghiên cứu trên 800 phụ nữ khỏe mạnh với độ tuổi trung bình trên 60 tuổi, các nhà khoa học thuộc Viện nghiên cứu Da liễu Thụy Điển đã có một phát hiện ngẫu nhiên: Trong những tháng mùa thu, tình trạng rụng tóc ở những phụ nữ khỏe mạnh xảy ra nhiều hơn so với các mùa khác trong năm.

Theo nghiên cứu, thời điểm tháng 7 trong năm là thời điểm tóc ở phụ nữ ở vào trạng thái telogen (trạng thái nghỉ ngơi) nhiều nhất. Trạng thái này thường kết thúc 100 ngày sau đó và từ tháng 10 trở đi, tóc bắt đầu mọc trở lại trạng thái bình thường. Lý giải về hiện tượng này, theo các nhà nghiên cứu, đây là một hiện tượng hết sức tự nhiên. Do quá trình tiến hóa, cơ thể con người cần nhiều lông, tóc để chống lại tác động của ánh mặt trời khắc nghiệt trong mùa hè.

Phát hiện trên đây của các nhà khoa học giúp làm rõ cơ chế phát triển của tóc, đồng thời giúp sớm tìm ra hướng điều trị hiệu quả đối với chứng rụng tóc - một trong những vấn đề mà rất nhiều người đang gặp phải hiện nay.

Thuốc tây - Tác nhân hàng đầu gây rụng tóc

Một trong những hướng trị liệu mà các nhà khoa học đang hướng tới đó là kích thích quá trình thay tóc. Khi những sợi tóc bị lão hóa và rụng xuống, một quá trình mọc mới bắt đầu diễn ra mạnh mẽ.

 Rụng tóc ở phụ nữ.

Ngoài ra, để ngăn chặn rụng tóc, cần tránh sử dụng một số loại thành phần như retinoid roaccutane có tác dụng trị mụn - được xem là thành phần gây rụng tóc ở 16% người sử dụng. Một số loại hóa chất có chứa trong các loại thuốc tây cũng có thể gây ra tình trạng rụng tóc gia tăng như: beta blocker (có trong thuốc trị bệnh tăng huyết áp), anti - coagulant (có trong thuốc trị chứng máu loãng), thuốc trị chứng suy nhược và thuốc chống viêm không chứa steroid.

Rụng tóc do thiếu sắt

Ở phụ nữ thời kỳ tiền mãn kinh, tình trạng thiếu sắt là điều rất phổ biến. Nó là một trong những nguyên nhân gây rụng tóc ở phụ nữ thời kỳ này. Theo bác sĩ Rina Davison - chuyên gia da liễu thuộc Trường đại học Whipps Cross, London, Anh, phần lớn sắt được dự trữ trong cơ thể sẽ chuyển thành dạng ferritin - một loại protein giúp kích thích quá trình sản sinh tế bào tóc và bảo vệ tóc khỏi sự gãy rụng.  Điều này lý giải cho việc phụ nữ thời kỳ mãn kinh, phụ nữ sau khi sinh dễ xảy ra tình trạng rụng tóc hơn. Trung bình tóc rụng khoảng 40 - 120 sợi/ngày là điều bình thường, song nếu vượt quá mức này, bạn đã bị mắc chứng rụng tóc và vấn đề liên quan đầu tiên có thể nghĩ đến là do thiếu sắt. Mức độ sắt trong máu có thể dao động từ 2 - 150nanogram/ml, song để có mái tóc khỏe, nồng độ sắt trong máu phải đạt ít nhất là 70nanogram/ml.

Để bổ sung sắt, cần chú ý tới chế độ thực phẩm hàng ngày. Các loại thực phẩm như thịt bò, gan, lòng trắng trứng, các rau có màu xanh thẫm... có chứa rất nhiều sắt. Để sắt được hấp thụ tốt hơn, mọi người cần bổ sung hoa quả, các loại nước quả có chứa nhiều vitamin C giúp kích thích quá trình hấp thụ sắt, hạn chế uống trà vì chất tannin trong trà có thể gây cản trở quá trình hấp thụ sắt.

Hội chứng bệnh lý

Một trong những nguyên nhân khá phổ biến dẫn tới tình trạng rụng tóc ở phụ nữ là do tình trạng bệnh lý, đặc biệt xảy ra ở phụ nữ thời kỳ tiền mãn kinh. Hội chứng vách ngăn buồng trứng có thể dẫn tới tình trạng nồng độ testosterone gia tăng làm gia tăng nguy cơ rụng lông, tóc. Để khắc phục nhanh chóng tình trạng này, các chuyên gia cho biết, có thể dùng thuốc tránh thai để điều chỉnh nồng độ testosterone xuống thấp.

Những vấn đề về da

Bệnh về da như nấm, vảy nến, eczema... khiến cho da đầu bị viêm, thay đổi cấu trúc, các nang tóc bị tổn thương dẫn tới tình trạng rụng tóc gia tăng là điều tất yếu. Ngoài ra, tình trạng này kéo dài còn khiến cho chân tóc bị bít lại, tóc không thể mọc lại, nguy cơ hói gia tăng.

Chế độ ăn uống kém dinh dưỡng

Chế độ ăn kiêng rất có hại cho sức khỏe, ngoài việc gây thiếu chất, chế độ ăn kém carbonhydrate, calo, glucose... gây rụng tóc rất cao.

Ngoài ra, chế độ ăn uống thiếu dinh dưỡng gây ảnh hưởng nhiều tới tuyến giáp và sự suy giảm chức năng tuyến giáp có thể khiến cho tóc bị mỏng, dễ gãy rụng. Có thể thấy rõ điều này ở phụ nữ sau khi sinh, tuyến giáp ở phụ nữ sau sinh bị suy giảm, khiến cho quá trình dinh dưỡng trong cơ thể bị xáo trộn. Cụ thể là, trạng thái tạm nghỉ của tóc trong vòng 3 tháng sẽ bị thay bằng vài tuần. Vì lý do này, tóc trở nên mỏng hơn.

Stress gây gia tăng nguy cơ rụng tóc

Stress có thể dẫn tới dạng rụng tóc có tên gọi teleogen effluvium - một dạng bệnh lý khiến cho tóc rơi vào trạng thái tạm nghỉ trước thời điểm. Stress mạn tính còn có thể làm cho hệ miễn dịch mất kiểm soát, khiến cho các tế bào bạch cầu tấn công chính các nang tóc, gây rụng tóc.

       Thành Vương (Theo Daily mail)


Ý kiến của bạn