1. Nguyên nhân gây ngứa và kích ứng khi sử dụng băng vệ sinh
Băng vệ sinh là sản phẩm tiếp xúc trực tiếp với vùng kín của phụ nữ trong những ngày đèn đỏ. Tuy nhiên có nhiều chị em rất sợ khi đến kỳ kinh nguyệt vì thường xuyên gặp phải tình trạng ngứa ngáy, kích ứng, điều này có thể do 6 nguyên nhân phổ biến bao gồm:
Do băng vệ sinh có chứa các thành phần gây dị ứng như: nước hoa, nhựa, keo dán…
Do sử dụng băng vệ sinh kém chất lượng: Băng vệ sinh kém chất lượng cũng có thể là nguyên nhân gây ngứa vùng kín vì nó có thể chứa vi khuẩn gây bệnh. Vi khuẩn có điều kiện phát triển khi ở môi trường ẩm ướt.
Do thiết kế băng vệ sinh: Băng vệ sinh không đảm bảo độ mềm, thấm hút tốt hay có cánh. Chất liệu cứng và thiết kế có cánh hai bên giúp cố định tốt hơn và chống tràn nhưng cũng chính là nguyên nhân gây ra tình trạng kích ứng, ngứa vùng kín do tạo sự cọ xát thường xuyên gây tổn thương ở vùng da nhạy cảm này.
Thói quen vệ sinh cá nhân: Vệ sinh cá nhân quá mức hoặc sử dụng các sản phẩm làm sạch mạnh có thể phá hủy hệ vi khuẩn tự nhiên, khiến da dễ bị kích ứng hơn. Mặt khác, đeo băng vệ sinh quá lâu cũng có thể gây kích ứng.
Điều kiện khí hậu: Ở những vùng khí hậu rất ẩm ướt hoặc rất nóng, việc sử dụng băng vệ sinh có thể gây kích ứng nhiều hơn do đổ mồ hôi quá nhiều, từ đó thúc đẩy vi khuẩn phát triển.
Quần áo: Mặc quần áo bó sát hoặc chất liệu không thoáng khí tốt có thể làm tăng nhiệt độ và độ ẩm ở vùng kín, có khả năng làm tăng nguy cơ kích ứng.
2. Dấu hiệu nhận biết dị ứng băng vệ sinh
Các triệu chứng dị ứng băng vệ sinh có thể khác nhau tùy thuộc vào mức độ dị ứng, phổ biến nhất là các dấu hiệu:
- Sưng đỏ: Sưng đỏ quanh âm hộ và rộng hơn là cả vùng mông và xương mu, có thể kèm theo ngứa hoặc đau.
- Ngứa ngáy âm hộ.
- Cảm giác bỏng rát ở vùng da tiếp xúc với băng vệ sinh.
- Phát ban, nổi mẩn đỏ hoặc các mảng đỏ nhỏ.
- Da bong tróc hoặc khô.
- Nhạy cảm hoặc đau khi chạm vào, đặc biệt khi ma sát với quần áo.
Các triệu chứng khác ít phổ biến hơn cũng có thể là biểu hiện của phản ứng dị ứng với băng vệ sinh như: xuất hiện mụn nước, phồng rộp, chảy dịch; đốm đen hoặc đổi màu trên da sau khi phát ban; trong những trường hợp nghiêm trọng, da có thể trở nên khô và kích ứng đến mức bắt đầu nứt nẻ.
Về lâu dài, tình trạng kích ứng do dị ứng băng vệ sinh có thể làm tăng nguy cơ nhiễm trùng, mất cân bằng hệ vi khuẩn âm đạo, nhiễm nấm âm đạo… Đặc biệt là hội chứng sốc nhiễm độc liên quan đến băng vệ sinh dù rất hiếm nhưng nguy hiểm.
Theo Viện Y tế quốc gia Hoa Kỳ (NIH), hội chứng sốc nhiễm độc thường liên quan đến việc sử dụng băng vệ sinh có độ thấm hút cao ở phụ nữ đang trong thời kỳ kinh nguyệt; khởi phát cấp tính đặc trưng bởi sốt, hạ huyết áp, phát ban… Tình trạng này có thể tiến triển thành suy thận, sốc và tử vong nếu không được điều trị cấp cứu kịp thời.
Do đó, nếu thấy vùng kín ngứa ngáy, kích ứng thì biện pháp đầu tiên chị em nên làm là ngừng sử dụng loại băng vệ sinh đã gây dị ứng. Sau đó rửa sạch vùng kín bằng nước ấm, chú ý chỉ rửa bên ngoài không thụt rửa vào bên trong tránh gây viêm nhiễm. Nên cân nhắc thay đổi sản phẩm băng vệ sinh khác. Trong trường hợp có dấu hiệu kích ứng nghiêm trọng cần đi khám bác sĩ chuyên khoa để được tư vấn biện pháp can thiệp phù hợp.
3. Hướng dẫn cách sử dụng băng vệ sinh an toàn
Thực hành vệ sinh kinh nguyệt tốt giúp ngăn ngừa nhiễm trùng, giảm mùi hôi và giúp phụ nữ thoải mái trong kỳ kinh nguyệt. Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Hoa Kỳ hướng dẫn phụ nữ sử dụng sản phẩm vệ sinh kinh nguyệt an toàn như sau:
Phụ nữ có thể chọn nhiều loại sản phẩm để thấm máu trong kỳ kinh nguyệt bao gồm: băng vệ sinh, tampon, cốc nguyệt san, quần lót kinh nguyệt…
Theo các bác sĩ Bệnh viện Phụ sản Trung ương: Thời gian thích hợp cho việc thay băng là cách nhau mỗi 6 giờ 1 lần. Có thể thay băng ít nhất 4-8 giờ hay bất cứ khi nào thấy khó chịu, ẩm ướt. Những phụ nữ có lượng máu thải ra ngoài càng nhiều thì cần phải thường xuyên thay hơn nữa.
Ngoài việc thực hiện theo đúng hướng dẫn trên sản phẩm cần:
Rửa tay trước và sau khi đi vệ sinh; trước và sau khi sử dụng sản phẩm vệ sinh phụ nữ.
Thay băng vệ sinh sau vài giờ, bất kể lượng máu chảy ra ít. Nếu máu kinh ra nhiều cần thay băng vệ sinh thường xuyên hơn. Không nên sử dụng một miếng băng vệ sinh liên tục quá 8 giờ. Đeo băng vệ sinh trong thời gian dài có thể dẫn đến phát ban hoặc nhiễm trùng. Không nên sử dụng tampon quá 8 giờ vì có nguy cơ mắc hội chứng sốc độc tố.
Sử dụng sản phẩm băng vệ sinh có kích thước và độ thấm hút phù hợp với lượng máu kinh nguyệt của mỗi người. Lượng máu kinh nguyệt thường thay đổi trong kỳ kinh. Một số phụ nữ sử dụng các sản phẩm khác nhau vào những ngày khác nhau trong kỳ kinh, tùy thuộc vào lượng máu kinh ra nhiều hay ít.
Mặc quần áo nhẹ, thoáng khí (như đồ lót cotton). Không nên mặc vải bó vì có thể giữ ẩm và nhiệt, tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển.
Giữ vùng sinh dục sạch sẽ: Rửa bên ngoài âm đạo (âm hộ) và hậu môn mỗi ngày. Khi đi vệ sinh, lau từ phía trước cơ thể ra phía sau, không được lau ngược lại. Chỉ dùng nước để rửa âm hộ. Âm đạo là cơ quan tự làm sạch. Thay đổi độ pH tự nhiên của âm đạo bằng cách sử dụng hóa chất để làm sạch âm đạo có thể gây hại và gây nhiễm trùng âm đạo như nhiễm trùng nấm men hoặc viêm âm đạo do vi khuẩn.
Sử dụng băng vệ sinh không mùi: Các sản phẩm vệ sinh có mùi thơm có thể gây kích ứng da và ảnh hưởng đến độ pH tự nhiên của âm đạo.
Uống đủ chất lỏng: Điều này có thể giúp rửa sạch đường tiết niệu và giúp ngăn ngừa nhiễm trùng.
Cần đi khám bác sĩ nếu thấy có biểu hiện bất thường, mùi âm đạo thay đổi, bị đau hoặc có các triệu chứng kinh nguyệt nghiêm trọng hơn bình thường…
Xem thêm video đang được quan tâm:
Kinh nguyệt nhiều hay ít thì có hại?