Vậy nguyên nhân nào gây bệnh sỏi thận?
Lý do dễ mắc sỏi thận
Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến bệnh sỏi thận, dưới đây là một số nguyên nhân chính:
- Thói quen uống ít nước: Khi lượng nước đưa vào cơ thể quá ít, không đủ để thận lọc và đào thải ra ngoài sẽ làm cho nước tiểu trở nên đậm đặc và làm cho chất khoáng kết tinh lại dẫn đến bệnh sỏi thận.
- Mất ngủ kéo dài: Mô thận có khả năng tự tái tạo tổn thương khi cơ thể chìm vào giấc ngủ, do vậy khi mất ngủ kéo dài, chức năng này không được thực hiện, nếu tình trạng này kéo dài sẽ dễ mắc bệnh sỏi thận.
- Nhịn ăn sáng: Vào buổi sáng, cơ thể cần rất nhiều năng lượng sau một đêm ngủ dài, nếu như nhịn ăn sáng, sẽ khiến dịch mật bị tích tụ trong túi mật và đường ruột sẽ dẫn đến bệnh sỏi thận.
- Nhịn tiểu: Việc nhịn tiểu sẽ khiến cho các chất khoáng không được đào thải ra khỏi cơ thể, sẽ dẫn đến lắng đọng và tích tụ calci, từ đó dễ mắc bệnh sỏi thận.
- Sử dụng thuốc tùy tiện: Việc sử dụng thuốc bừa bãi không theo chỉ dẫn của bác sĩ, có thể dẫn đến nguy cơ bị sỏi thận.
- Chế độ ăn uống không hợp lý: Thường xuyên ăn mặn, nhiều dầu mỡ sẽ làm tăng thể tích tuần hoàn dẫn đến các chất khoáng được lọc qua thận nhiều hơn từ đó làm tăng nguy cơ mắc bệnh sỏi thận.
Biểu hiện bệnh sỏi thận
Khi mắc bệnh sỏi thận, người bệnh thường có các triệu chứng sau:
- Người bệnh đau âm ỉ thắt lưng khi sỏi đài thận hoặc sỏi san hô chưa gây tắc nghẽn. Đôi khi bệnh nhân không có triệu chứng, được phát hiện sỏi thận khi khám sức khỏe định kỳ hay do tăng huyết áp.
- Cơn đau quặn thận điển hình khi sỏi gây tắc nghẽn bể thận niệu quản. Cơn đau lan xuống hố chậu, bìu kèm theo nôn và bụng chướng.
- Đái ra máu do sỏi di chuyển khi vận động hay do nhiễm khuẩn gây tổn thương niêm mạc đài bể thận chảy máu.
- Khi có nhiễm khuẩn tiết niệu: Bệnh nhân sốt cao 38 – 39 độC, thận to đau, đi tiểu đục và đôi khi gặp tình trạng sốc nhiễm trùng vã mồ hôi, nổi vân tím toàn thân và tụt huyết áp. Thăm khám lâm sàng thấy thận to, đau khi sỏi thận gây tắc nghẽn ứ nước thận.
Một số trường hợp bệnh nhân đến muộn, bác sĩ khám thấy vùng thắt lưng bên có sỏi thận sưng nề tấy đỏ do sỏi tắc nghẽn gây ứ mủ thận, viêm tấy quanh thận hoặc thấy rò mủ thắt lưng do áp xe quanh thận đã vỡ sau phúc mạc.
Khi để muộn, sỏi đài bể thận sẽ gây biến chứng như: Nhiễm khuẩn tiết niệu; Viêm đài bể thận, viêm thận kẽ, viêm hẹp cổ đài thận; Giãn đài bể thận, ứ nước, ứ mủ thận, áp xe thận; Viêm quanh thận xơ hóa (fibrose – xanthogranulomatose); Cao huyết áp do sỏi san hô thận gây thiếu máu nhu mô thận, teo thận; Suy thận do sỏi thận 2 bên gây tắc nghẽn.
Nên làm gì khi mắc bệnh sỏi thận?
Khi mắc bệnh sỏi thận, người bệnh không nên quá hoang mang, thay vào đó cần phải có chế độ ăn uống, nghỉ ngơi khoa học hợp lý. Đặc biệt cần lựa chọn một bệnh viện uy tín, có đủ cơ sở máy móc trang thiết bị để khám tổng quát và có hướng điều trị phù hợp.
Sỏi thận nhỏ, sỏi đài dưới không có triệu chứng không cần thiết can thiệp. Bệnh nhân chỉ cần được điều trị nội khoa, dùng các thuốc làm tăng cường bài tiết sỏi ra ngoài một cách tự nhiên. Phương pháp này khá an toàn và hiệu quả cao. Nhưng với các sỏi thận kích thước lớn và nhiều, điều trị phải chấp nhận đến các can thiệp cao hơn, phức tạp hơn.
Tùy vào từng cá nhân mà các bác sĩ sẽ chỉ định phù hợp. Có thể sử dụng các biện pháp sau:
- Tán sỏi thận qua da là phương pháp can thiệp dùng máy tán nội soi và lấy sỏi thận qua đường hầm được tạo qua da chỉ định điều trị sỏi đài bể thận kích thước trên 2cm với nhiều lợi ích hơn so với mổ mở. Phương pháp này có thể tán được những sỏi lớn và rắn. Tán sỏi qua da trực tiếp có thể rửa sạch lấy hết cặn sỏi và dẫn lưu bể thận qua da cho phép giải quyết phần lớn sỏi thận thường gặp ở nước ta.
- Tán sỏi thận nội soi ngược dòng bằng ống soi mềm là phương pháp sử dụng ống soi mềm nội soi ngược dòng qua niệu quản lên đài bể thận để tán sỏi trong thận bằng năng lượng Laser. Đây là phương pháp điều trị sỏi trong thận hiệu quả và an toàn chỉ định cho sỏi thận kích thước dưới 2,5cm.
- Tán sỏi ngoài cơ thể. Chỉ định điều trị các sỏi đài bể thận nhỏ. Sỏi thận sẽ vỡ thành mảnh nhỏ đường kính dưới 4mm sẽ theo đường bài xuất thải ra ngoài. Nếu sỏi thận kích thước 20 – 30mm cần đặt ống thông niệu quản trước khi tán sỏi ngoài cơ thể để dự phòng tắc vụn sỏi.
Điều trị phẫu thuật được đặt ra khi sỏi đài bể thận có biến chứng đái máu tái phát nặng, nhiễm khuẩn, viêm đài bể thận, thận ứ nước, ứ mủ, suy thận; Sỏi san hô thận phức tạp có nhiều viên đã gây biến chứng; Sỏi thận lớn 2 bên sẽ chỉ định mổ bên thận còn chức năng trước; Sau các can thiệp khác thất bại (tán sỏi ngoài cơ thể, tán sỏi qua da)... Phương pháp phẫu thuật tùy theo vị trí và kích thước sỏi.
Tóm lại: Sỏi thận là vấn đề hay gặp, để phòng ngừa cần uống nước từ 1,5 – 2 lít nước mỗi ngày. Uống đủ nước sẽ giúp thận và gan hoạt động tốt hơn.
Ăn nhiều trái cây và rau xanh có thể làm giảm nồng độ axit trong nước tiểu. Nên hạn chế sử dụng các chất kích thích rượu bia, chất gây hại cho sức khoẻ. Thường xuyên kiểm tra sức khỏe bằng những gói khám định kỳ và khám sức khỏe tổng quát, Nếu gặp bất kỳ triệu chứng của nào của sỏi thận, hãy đến gặp bác sĩ để được chẩn đoán và điều trị.