6 người thiệt mạng do ảnh hưởng mưa lũ tại các tỉnh Tây Nguyên

09-08-2019 13:00 | Thời sự
google news

SKĐS - Theo văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống thiên tai, tại khu vực các tỉnh Tây Nguyên, mưa lũ đã khiến 6 người thiệt mạng. Mưa lớn kéo dài đang gây ngập lụt nghiêm trọng ở nhiều khu vực.

Theo báo cáo nhanh của các Ban Chỉ đạo Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các tỉnh: Gia Lai, Lâm Đồng, Đắk Nông, Đắk Lắk thiệt hại do mưa lũ tính đến 17h00 ngày 8/8, như sau:

- Tỉnh Gia Lai: 01 người chết do mưa lũ, nhà đã hết ngập.

- Tỉnh Đắk Lắk: 01 người chết do lũ cuốn trôi, nhà đã hết ngập.

- Tỉnh Đắk Nông: 03 người chết do bị sạt lở đất tại xã Đăk Sin, huyện Đăk R’lấp; còn 20/60 nhà bị ngập; sạt lở 1.000 m3 đất, đá trên tuyến kênh dẫn nước vào nhà máy thủy điện N&S hiện không thể phát điện.

- Tỉnh Lâm Đồng: 01 người chết, 145 nhà và 01 trường học bị ngập; 777 ha lúa, hoa màu, cây trồng lâu năm bị ngập; tỉnh lộ 725 đoạn qua xã Mỹ Đức, huyện Đạ Tẻh có 04 điểm bị sạt lở 2.000 m3, không gây ách tắc giao thông.

Tuyến Tỉnh lộ 1 từ huyện Ea Súp và Buôn Đôn ra trung tâm tỉnh Đắk Lắk bị ngập nhiều đoạn.

Lũ trên các sông khu vực Tây Nguyên lên cao

Sau Đắk Lắk, Lâm Đồng cũng phải hứng chịu mưa lũ lớn, ngập lụt diện rộng. Chưa bao giờ ở Lâm Đồng có mưa lớn trên phạm vi toàn tỉnh như hiện nay với tổng lượng mưa từ 165 - 293mm, chỉ trong mấy ngày lượng mưa đã lớn hơn 2 - 3 lần. Thậm chí, ở Liên Khương lượng mưa cao gấp 5 lần so với 10 ngày đầu tháng 8 mọi năm.

Mưa sầm sập đổ xuống trong thời gian ngắn khiến lũ trên sông Cam Ly lên rất nhanh. Lúc 13h ngày 8/8, mực nước tại trạm Thanh Bình còn dưới báo động 3, nhưng ngay sau đó lũ không ngừng tăng lên. Đến 17h, mực nước đã cao trên báo động 3 là 1,23m, vượt mốc lũ lịch sử năm 2.000 đến 0,26m.

Hiện tại, mực nước sông Cam Ly vẫn còn đang lên và dự kiến sẽ đạt đỉnh trong tối nay, vượt báo động 3 từ 1,27 - 1,32m. Mưa lớn, cộng lũ lên cao sẽ tiếp tục gây ngập lụt cho khu vực ven sông Cam Ly thuộc khu vực thành phố Đà Lạt và xã Bình Thạnh, huyện Đức Trọng.

Ngoài ra, lũ quét, sạt lở đất có nguy cơ rất cao xảy ra ở các huyện: Lạc Dương, Đạ Tẻh, Cát Tiên, Đạ Huoai, Bảo Lâm. Ngoài Lâm Đồng, lũ trên nhiều sông khác của khu vực Tây Nguyên cũng đang lên cao.

Khẩn trương ứng phó với sự cố đập

Vào hồi 17h ngày 8/8/2019, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai đã có công điện khẩn gửi các ban, ngành chức năng và các địa phương khu vực Tây Nguyên.

Theo thông tin từ Ban chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Đăk Nông, công trình hồ thủy điện Đăk Kar, xã  Phú Sơn, huyện  Đăk R’Lấp, tỉnh Đăk Nông đang thi công có dung tích 13 triệu m3 bị sự cố kẹt cửa van. Do ảnh hưởng của mưa lũ, hiện tại nước đã tràn qua đập gây sạt lở chân đập và có nguy cơ cao xảy ra vỡ đập đe dọa nghiêm trọng an toàn dân cư khu vực hạ du thuộc các tỉnh Đắk Nông, Bình Phước, Lâm Đồng. Đặc biệt trong điều kiện khu vực được dự báo còn tiếp tục xảy ra mưa lớn (80mm-100mm/24h, có nơi trên 100mm).

Để đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản của nhân dân Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống thiên tai yêu cầu khẩn trương tổ chức thông tin về sự cố đập đến các cấp chính quyền và người dân, tổ chức  di dời khẩn cấp dân cư ra  khỏi khu vực có nguy cơ  chịu ảnh hưởng.

Chỉ đạo chủ đập  và các cơ quan chức năng bằng mọi  biện pháp hạ thấp mực nước để tránh xảy ra tình huống vỡ đập đột ngột. Sẵn sàng lực lượng, phương tiện để triển khai ứng cứu khi có  tình huống xảy ra.

Theo dõi chặt chẽ tình hình mưa, lũ và sự cố đập để chủ động các phương án xử lý kịp thời, hiệu quả. Tổ  chức  trực  ban  nghiêm  túc,  thường  xuyên  báo  cáo  về  Ban  Chỉ  đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai.


Lê Hồng
Ý kiến của bạn