Máy móc hiện đại, nhân lực vững vàng
Trong lễ khánh thành và đi vào hoạt động chiều tối 12/8, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn và lãnh đạo tỉnh Bình Dương cùng nhiều cơ quan, ban ngành cùng đông đảo các thầy thuốc đã đến dự.
Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn cho biết: Tôi đánh giá rất cao Ban chỉ đạo phòng, chống COVID-19 tỉnh Bình Dương cũng như UBND tỉnh và doanh nghiệp Becamex đã hỗ trợ, giúp sức để có được Trung tâm Hồi sức COVID-19 này. Đây là sự nỗ lực rất lớn của hệ thống chính trị tỉnh Bình Dương. Đặc biệt là sự hỗ trợ về công tác nhân lực, trang thiết bị y tế từ phía trung ương và Bệnh viện Đại học Y Hà Nội.
"Trong công tác điều trị đối với bệnh nhân COVID-19, ở đợt dịch lần thứ 4 này đã có điều chỉnh rất nhiều. Cụ thể như sử dụng thuốc kháng đông, kháng viêm sớm hơn. Đã bắt đầu áp dụng các thuốc kháng vi rút để giảm bớt tải lượng vi rút cho người bệnh ngay từ khi mới nhiễm cho đến khi trở nặng. Bên cạnh đó các biện pháp tốt nhất về hồi sức cấp cứu như máy thở chức năng cao, máy lọc máu, ECMO…đã được đưa vào hoạt động, giúp cứu người bệnh", Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn nói.
Cũng theo Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn, ngay khi số lượng người nhiễm COVID-19 tăng cao kéo theo các ca chuyển biến nặng nhiều lên thì UBND tỉnh Bình Dương, Ban chỉ đạo phòng, chống COVID-19 Bình Dương đã chủ động đề nghị Bộ Y tế hỗ trợ thành lập Trung tâm Hồi sức COVID-19.
Đánh giá về công tác chuẩn bị cũng như nhân lực tại Trung tâm Hồi sức COVID-19 này, PGS-TS-BS Nguyễn Lân Hiếu, Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội chia sẻ: "Việc thiết lập Trung tâm hồi sức COVID-19 được thực hiện rất nhanh nhờ trưng dụng sẵn hệ thống cơ sở vật chất, một số máy móc tối tân của Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Becamex. Đội ngũ y bác sĩ cũng đã được chuẩn bị sẵn. Chúng tôi chỉ tập trung nâng cấp thêm các phòng chức năng để tăng số giường ICU, gắn thêm các đầu oxy, khí nén; trang bị thêm máy thở, máy lọc máu...Tại đây có thể triển khai tốt kỹ thuật ECMO để điều trị cho bệnh nhân COVID-19 nguy kịch".
Sẽ giảm tối đa ca bệnh tử vong
Quy mô Trung tâm Hồi sức COVID-19 Bình Dương có tổng số 437 giường, trong đó có 300 giường cấp cứu, điều trị bệnh nhân nặng, 37 giường điều trị bệnh nhân nguy kịch, còn lại là dành cho bệnh nhân trung bình và có chuyển biến nặng. Với hệ thống máy móc hiện đại, các thiết bị sẵn sàng sẽ phục vụ tốt cho công tác điều trị, giảm tối đa các ca bệnh COVID-19 tử vong.
Đánh giá về nguồn lực chuyên môn tại đây, PGS-TS-BS Nguyễn Lân Hiếu chia sẻ: Lực lượng chính từ 4 đơn vị tham gia cấp cứu, điều trị. Đơn vị thứ nhất là Bệnh viện Đại học y Hà Nội với đông đảo y bác sĩ đã ở đây và đang tập trung về đây. Thứ hai là đội ngũ của Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Becamex, các y bác sĩ tại đây cũng có kinh nghiệm nhiều trong điều trị COVID-19. Thứ ba là đội ngũ từ Bệnh viện Đa khoa Bình Dương. Lực lượng thứ 4 là đội ngũ y bác sĩ chi viện từ nhiều nơi, đặc biệt từ các tỉnh phía Bắc. Có thể nói, các chuyên gia hàng đầu sẽ giúp điều trị tốt nhất cho các ca bệnh nặng nhất.
Trong buổi khánh thành, ông Võ Văn Minh, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương xúc động cho biết: "Bộ Y tế đã giúp đỡ Bình Dương rất nhiều. PGS-TS-BS Nguyễn Lân Hiếu cùng đội ngũ các thầy thuốc khác cũng đã vượt mọi gian khổ hỗ trợ tận tình trong điều trị bệnh nhân COVID-19 ở Bình Dương.
Tôi mong toàn thể cán bộ, nhân viên ở bệnh viện này phát huy cao nhất tính chiến đấu, khắc phục khó khăn. Xác định đây là trách nhiệm mà Bộ Y tế cùng Đảng bộ và chính quyền, nhân dân Bình Dương giao phó trong cuộc chiến chống dịch bệnh. Từ đó nâng cao tính hiệu quả, chủ động trong việc điều trị cho bệnh nhân COVID-19".
Trong một khu vực Hồi sức COVID-19