Mọi người trải qua những ngày Tết với nhiều món ăn chứa nhiều calo, chất béo như chân giò, giò, chả, nem rán, bánh chưng, các thực phẩm chế biến sẵn… Việc lặp đi lặp lại những món ăn này tạo cảm giác chán, ngán ăn và thậm chí là "sợ" đồ ăn. Do vậy, sau Tết nhiều gia đình muốn ăn các món ăn thanh mát, giải nhiệt để chống ngán. Dưới đây là gợi ý 6 món canh thanh mát giải nhiệt, bổ dưỡng mà không gây ngán, thực phẩm dễ tìm và không mất nhiều công nấu.
1. Cá rô đồng nấu rau cải xanh - món canh thanh mát, giải nhiệt cơ thể
Canh cải xanh nấu cá rô đồng là món ăn dân dã thường có trong mỗi bữa cơm của gia đình Việt. Cá rô đồng có tính mát, thanh nhiệt, giải độc, làm mát gan và bổ mát cho cơ thể. Cá rô đồng cũng có chứa các chất chống oxy hóa như vitamin C và E, beta-carotene và selenium, có tác dụng bảo vệ gan khỏi các gốc tự do gây hại.
Rau cải xanh có lượng vitamin A được cho là cao hơn cả rau chân vịt và vitamin C cao hơn cam. Nguồn vitamin dồi dào có nhiều lợi ích sức khỏe như tăng cường hệ miễn dịch…
Nguyên liệu: Cá rô đồng 200g, rau cải xanh 500g, gừng 1 nhánh nhỏ, gia vị vừa đủ.
Cách làm: Cá rô đồng mua về làm sạch, để ráo. Sau đó nướng sơ (có thể bằng nồi chiên không dầu) trong 10 phút. Sau khi nướng xong gỡ thịt cá để riêng, xương cá để riêng. Thịt cá ướp với 2 muỗng nước mắm trong 15 phút. Rau cải rửa sạch, để ráo và cắt nhỏ. Gừng cạo vỏ, rửa sạch rồi chia ra hai phần bằng nhau, một phần đập dập rồi băm nhỏ, phần kia để nguyên.
Xương cá, gừng nguyên củ, 1 muỗng cà phê bột canh, 1 chén nước (chén ăn cơm) vào và xay nhuyễn trong 2 phút. Sau khi xay thêm nước tùy lượng canh cần nấu (700 – 1000ml), khuấy đều rồi lọc qua rây lấy nước để nấu canh.
Bắc nồi lên bếp, đun nóng 1 muỗng canh dầu ăn rồi cho thịt cá rô đã ướp nước mắm vào nồi đảo nhanh, dằm cho tơi thịt cá thành những miếng nhỏ.
Sau đó cho nước xay xương và đầu cá đã lọc đổ vào cùng thịt cá, đun sôi rồi thả rau cải vào 5 – 7 phút là được, nêm nếm gia vị lại cho vừa ăn rồi cho gừng băm nhỏ lên.
2. Canh cua nấu rau mồng tơi, mướp
Cua đồng được xếp vào nhóm thực phẩm có tính hàn, ngọt lạnh. Vì vậy, cua đồng có tác dụng như thanh nhiệt cơ thể.
Rau mồng tơi có các chất như: Vitamin C, A, PP, B1, B2; canxi; sắt; folate… rất tốt cho cơ thể và giàu dinh dưỡng. Rau mồng tơi giúp cơ thể thanh nhiệt, giải độc và cải thiện chứng táo bón, lưu thông khí huyết…
Nguyên liệu: Cua đồng 300g, rau mồng tơi 300g, mướp 1 trái, gia vị vừa đủ
Cách làm: Sau khi làm sạch cua, xay hoặc giã nát thân cua, lọc cua, gạch cua bỏ ra chén nhỏ. Rau mồng tơi nhặt và rửa sạch. Tiếp đó rửa sạch rau mồng tơi rồi cho ra rổ để ráo, cắt nhỏ. Mướp bào vỏ, rửa sạch rồi dùng dao cắt xéo thành các miếng nhỏ vừa ăn.
Bắc nồi lên bếp, cho 500ml nước lọc, phần cua đã lọc và chén gạch cua vào nồi rồi nấu ở lửa vừa. Sau khoảng 5 - 10 phút, thấy nước sôi và nổi bọt thì vớt thịt cua cho ra tô để riêng.
Cho mướp vào nồi và đun với lửa vừa trong vòng 5 phút, thêm rau mồng tơi, để rau chín khoảng 3 phút rồi tắt bếp.
3. Canh bầu nấu hến
Theo Đông y, thịt hến có vị ngọt mặn, tính hàn, không có độc tính, hơn nữa, hến còn có tác dụng giúp hoạt tràng, thông khí, mát gan, thanh nhiệt giải độc, lợi tiểu.
Quả bầu lành tính, vị ngọt, có công dụng trừ ngứa, lợi tiểu, giải độc và giải nhiệt. Ngoài ra đây còn là một loại rau ăn quả có hàm lượng dinh dưỡng rất cao… Đặc biệt, quả bầu chứa tới hơn 90% nước nên đủ khả năng để đáp ứng đầy đủ lượng nước cần có cho cơ thể.
Nguyên liệu: Hến 250g, bầu 350g, hành lá 2 nhánh, rau mùi 1 ít, hành tím 2 củ, dầu ăn 2 muỗng canh, gia vị vừa đủ.
Cách làm: Hến mua về rửa sạch, luộc với khoảng 200ml nước, nhặt hến khỏi vỏ, nước luộc hến cho ra tô 20 - 30 phút cho lắng cặn rồi lấy phần nước trong. Hành lá, ngò rí bỏ đầu rửa rồi để ráo cắt nhuyễn. Hành tím bóc vỏ băm nhuyễn.
Bắc nồi lên bếp cùng 1 chút dầu ăn, hành tím phi thơm sau đó cho hến vào xào, gia vị vừa đủ xào trong vòng 2 phút rồi cho nước hến đun nhỏ lửa đến khi sôi thì thêm bầu, hành lá, mùi vào rồi tắt bếp.
4. Canh bí đao nấu tôm đồng
Theo Đông y, tôm đồng vị ngọt, tính ôn… Bí đao có vị ngọt, tính mát, có tác dụng thanh nhiệt giải độc, giảm cân, chống béo phì. Bí đao chính là nguồn thực phẩm tốt cho cải thiện hệ miễn dịch, cải thiện thị lực và hệ tiêu hóa.
Nguyên liệu: Bí xanh 350g, tôm khô 30g, hành lá, mùi, gia vị vừa đủ
Cách làm: Bí xanh gọt vỏ, rửa sạch, để ráo, cắt khúc nhỏ vừa ăn. Tôm khô rửa sạch rồi ngâm trong nước ấm hoặc nước lọc khoảng 15 - 20 phút cho tôm mềm. Sau khi tôm khô đã mềm cho vào cối giã cho phần tôm hơi dập.
Bắc nồi lên bếp, cho 1 muỗng canh dầu ăn vào, sau đó đợi dầu nóng lên thì cho hỗn hợp tôm khô vào đảo đều đến khi có mùi thơm. Cho vào nồi 300ml nước, đun lửa lớn đến khi nước sôi thì cho bí đao vào, nêm gia vị nấu trong khoảng 10 phút, trước khi tắt bếp cho hành, mùi.
5. Canh nấm nấu đậu phụ non
Đậu phụ được coi là thức ăn giải nhiệt cơ thể. Với vị ngọt, tính mát, nhuận táo, giải độc, thanh nhiệt cơ thể, đậu phụ là loại thức ăn giải nhiệt cơ thể cực tốt.
Nấm rất giàu chất dinh dưỡng, bao gồm cả chất xơ và vitamin B. Ăn nấm kim châm giúp bổ sung dinh dưỡng và phòng bệnh đường ruột, giúp nâng cao sức khỏe tim mạch, cải thiện sức khỏe giúp nâng cao hệ miễn dịch…
Nấm bào ngư cung cấp nhiều loại vitamin và khoáng chất cần thiết như vitamin B1, B3, B2, B5, vitamin D… các chất này không chỉ đóng vai trò quan trọng trong cơ thể mà còn hỗ trợ nâng cao sức khỏe…
Nguyên liệu: Nấm rơm 100g, nấm bào ngư 100g, đậu hũ non 3 miếng, hành tím 1 củ, gia vị vừa đủ.
Cách làm: Rửa sạch các nguyên liệu cắt theo ý, hành tím đập dập băm nhỏ. Cho vào nồi 1 muỗng canh dầu ăn phi thơm hành. Cho cả 2 loại nấm vào xào sơ với gia vị vừa đủ.
Cho vào nồi ½ lít nước sạch, đun sôi. Tiếp theo cho đậu hũ vào, đun một lúc rồi nêm hạt nêm, bột canh cho vừa ăn. Nồi canh sôi lại thì tắt bếp. Cho hành mùi rồi tắt bếp.
6. Canh mướp đắng (khổ qua) nhồi thịt
Mướp đắng có vị đắng, tính mát, thanh nhiệt, tiêu độc nhiệt. Nước khổ qua chữa mụn nhọt, rôm sẩy, mẩn ngứa, dùng liều cao có tác dụng hạ mỡ máu, giảm béo, hạ huyết áp… Chú ý người huyết áp thấp cân nhắc liều lượng khi dùng.
Nguyên liệu: 3 quả mướp đắng, 200g thịt lợn xay, 30g mộc nhĩ, hành lá, rau mùi, gia vị vừa đủ.
Cách làm: Ngâm mộc nhĩ cho nở, rửa sạch rồi cắt nhỏ. Hành lá cắt rễ rửa sạch, cắt phần đầu trắng băm nhỏ. Riêng lá hành và lá ngò để riêng, cho vào canh khi đã chín.
Cho thịt xay, mộc nhĩ, hành, mùi băm nhỏ cùng gia vị rồi trộn đều, ướp trong 15 phút. Khổ qua rửa sạch, nạo bỏ ruột và cắt khúc vừa ăn, sau đó nhồi thịt đã ướp vào.
Bắc 350ml nước đun sôi, lần lượt thả khổ qua vào. Đun lửa lớn, nêm nếm gia vị và nấu đến khi khổ qua chín mềm.
Xem thêm video đang được quan tâm:
Nhậu Tết: Cách giải rượu bia ngày Tết đơn giản nhưng hiệu quả.