1. Đặc điểm và công dụng của ngũ gia bì
Dược liệu là thân và rễ có dạng đốt, hình tròn trụ không đều nhau, có nhiều nếp gấp. Bề mặt màu nâu xám đến nâu đen, xù xì, có khe dọc nhỏ và nếp nhăn, vỏ khá mỏng, có chỗ bị bong. Chỗ nào bong vỏ thường có màu vàng xám.
Đặc điểm vị thuốc: Chất cứng, mặt cắt màu trắng vàng, có chất xơ, mùi thơm đặc biệt, vị hơi cay, hơi đắng, chát. Loại nào chất cứng, mặt cắt màu trắng vàng, hương thơm đậm là loại tốt.
Bảo quản: Để nơi khô ráo thoáng gió, chống ẩm.
Theo y học cổ truyền, ngũ gia bì tính ôn, vị cay, hơi đắng, lợi về các kinh tỳ, tâm, thận; có tác dụng bổ trung, ích khí, an thần, cường gân cốt; chủ trị tỳ thận dương hư, thể hư vô lực, không muốn ăn, đau lưng mỏi gối, mất ngủ, ngủ hay mơ...
Theo nghiên cứu của y học hiện đại, ngũ gia bì có tác dụng làm giảm lượng đường trong máu, an thần, chống oxy hóa, chống lão hóa và có khả năng tăng cường sức đề kháng cho cơ thể.
Cây và vị thuốc ngũ gia bì
2. Các bài thuốc từ ngũ gia bì
2.1. Trà nhài, ngũ gia bì
Thành phần: Ngũ gia bì, hoa nhài, chè xanh. Mỗi vị 10-20g.
Cách dùng: Hãm nước sôi trong bình kín, uống thay trà.
Công dụng: Dùng cho người suy nhược thần kinh, mất ngủ, hay quên, nhiều mộng mị, chức năng thận suy giảm, thể chất hư nhược, khí đoản lực kém, thần thái mệt mỏi....
2.2. Rượu ngũ gia bì
Thành phần: Ngũ gia bì 65g; Rượu trắng 500ml.
Cách dùng: Ngâm ngũ gia bì trong rượu 10 ngày. Uống ngày 2 - 3 lần, mỗi lần 20ml.
Công dụng: Dùng cho người bị đòn ngã tổn thương; khớp xương đau nhức do phong thấp.
2.3. Ngũ gia bì, nấm hương, mật ong
Thành phần: Ngũ gia bì 10g, mật ong 30g, nấm hương 10g, rượu trắng 500ml.
Cách dùng: 3 vị trên ngâm trong rượu gạo thành rượu thuốc.
Công dụng: Dùng cho người bị nóng trong, mụn nhọt.
Nấm hương
2.4. Ngũ gia bì hầm gà
Thành phần: Ngũ gia bì 30g, trần bì 30g, gà trống 1 con, hạt tiêu 3g, gia vị vừa đủ.
Cách dùng: Gà trống làm sạch chặt miếng, cho ngũ gia bì, trần bì, hạt tiêu, gia vị… ninh nhỏ lửa, chín nhừ thì mang ra ăn. Riêng rễ ngũ gia bì khi ăn có thể nhai hết nước bỏ bã.
Công dụng: Hỗ trợ điều trị gãy xương, giúp xương mau phục hồi.
2.5. Thuốc bột ngũ gia bì
Thành phần: Ngũ gia bì 500g, đường trắng 500g.
Cách dùng: Ngũ gia bì rửa sạch, ngâm nước lã cho ngậm nước đều, cho nước vừa phải sắc lên, cứ 30 phút chắt thuốc một lần, thêm nước vào sắc tiếp, cả thảy 3 lần, đổ lẫn 3 nước với nhau, đun nhỏ lửa cô đặc, khi sánh lại như cao thì giập lửa, đợi nguội cho đường kính vào để tự nó hút cho hết thuốc, trộn đều, phơi khô, nghiền bột, đổ vào lọ dùng dần.
Uống ngày 2 lần, mỗi lần 10g, hòa tan trong nước sôi, uống ngay.
Công dụng: Dùng cho người mất ngủ mơ nhiều, tinh thần mệt mỏi, ăn uống không ngon miệng do tâm tỳ bất túc sinh ra.
2.6. Rượu nếp ngũ gia bì
Thành phần: Ngũ gia bì 50g, men rượu 10g, gạo nếp 500g.
Cách dùng: Ngũ gia bì rửa sạch, ngâm trong nước lã cho ngậm nước đều, sắc lên, cứ 30 phút chắt thuốc một lần, cả thảy 2 lần. Đổ chung hai nước làm một, gạo nếp vo sạch cho vào nước thuốc nấu chung thành cơm nếp, để nguội cho men rượu vào, trộn đều, lên men thành rượu nếp. Hàng ngày dùng làm thức ăn, ăn tùy ý.
Công dụng: Dùng cho người tỳ hư, thận hư sinh ra các chứng lưng đau gối mỏi, suy giảm khả năng vận động, bị co gân...
Mời bạn xem thêm video:
Ăn cá hay thịt tốt hơn | SKĐS