Hà Nội

Ngải cứu có tốt cho phụ nữ không?

SKĐS - Ngải cứu là một vị thuốc rất thông dụng trong cả đông và tây y, và là vị thuốc đặc biệt tốt cho phụ nữ...

1. Công dụng của ngải cứu

Ngải cứu còn gọi là cây thuốc cứu, cây thuốc cao, ngải điệp. Tên khoa học Artemisia vulgaris L. Thuộc họ Cúc Asteraceae; là một loại cỏ sống lâu năm, dân gian trồng nhiều làm thức ăn hằng ngày và một phần làm thuốc.

Theo y học cổ truyền ngải cứu là một vị thuốc có vị cay, tính hơi ôn, dùng làm thuốc ôn khí huyết, trục hàn thấp, điều kinh, an thai, dùng chữa đau bụng do hàn, kinh nguyệt không đều, thai động không yên, thổ huyết, chảy máu cam...

Thường dùng lá có lẫn ít cành non – Folium Artemisiae – phơi hay sấy khô của cây ngải cứu. Vị thuốc còn mang tên ngải diệp (lá ngải).

Ngải cứu có tốt cho phụ nữ không?- Ảnh 1.

Ngải cứu vị thuốc điều kinh, an thai.

2. Món ăn bài thuốc tốt chữa một số bệnh phụ nữ

ThS.BS. Nguyễn Quang Dương – Khoa Nội tổng hợp Bệnh viện Tuệ Tĩnh giới thiệu một số món ăn bài thuốc chữa bệnh có ngải cứu như sau:

- Chữa kinh nguyệt kéo dài, máu ra nhiều, người mệt mỏi, đi đứng mệt yếu: Hằng tháng đến ngày bắt đầu hành kinh và cả những ngày đang có kinh, uống sáng một lần, chiều một lần theo đơn thuốc sau: Lá ngải cứu khô 10g, thêm 200ml nước, cô còn 100ml, thêm ít đường cho dễ uống. Hoặc có thể cân luôn một lần 20g sắc với 400ml nước, cô còn 200ml, chia làm 2 lần, uống sáng và chiều.

Bài thuốc này còn có thể dùng chữa kinh nguyệt kéo dài, đau bụng, máu ra đen và xấu... nhưng uống hằng tháng vào 7-10 ngày trước ngày dự kiến có kinh.

- An thai (chữa đang có thai, đau bụng, chảy máu): Lá ngải cứu 16g, tía tô cả cành 16g, nước 600ml, sắc đặc còn 100ml. Thêm ít đường vào cho dễ uống, chia làm 3-4 lần uống trong ngày.

Hoặc những người đang mang thai, nếu thấy có hiện tượng đau bụng, ra máu, 50g lá ngải cứu tươi, rửa sạch, giã nát chắt lấy nước uống, nên cho ít đường dễ uống. Ngày uống 1 lần sau khi ăn sáng.

- Hỗ trợ điều trị động thai hoặc giảm đau khớp: Lá ngải cứu tươi 50g, gạo tẻ 100g, đường đỏ vừa đủ (có thể cho thêm lá lốt). Lá ngải cứu thái nhỏ, nấu lấy nước rồi cho gạo tẻ vào ninh nhừ thành cháo. Khi ăn cho đường vừa phải, ăn nóng. Chia 2 lần ăn sáng, trưa. Ăn liên tục 3 - 5 ngày.

- Tăng cường sức khỏe cho phụ nữ sau sinh: Ngải cứu tươi 200g, táo đỏ, ý dĩ, câu kỷ tử, hạt sen, tam thất, mỗi vị 10g, gà ri (300g) 1 con.

Cách làm: Gà làm sạch, mổ moi, nhồi tất cả các nguyên liệu vào trong bụng gà, cho gà vào nồi, đổ xâm xấp nước, cho gia vị vừa đủ, đun cho đến khi gà mềm nhừ. Nên ăn nóng. Một tuần ăn 1 lần. Bài thuốc này giúp cơ thể khỏe mạnh, xương cốt dẻo dai.

Ngải cứu có tốt cho phụ nữ không?- Ảnh 2.

Gà hầm ngải cứu tăng cường sức khỏe phụ nữ sau sinh.

- Hỗ trợ điều trị đau đầu: Trứng gà tươi 2 quả, ngải cứu tươi 200g, dầu ăn, gia vị đủ dùng. Ngải cứu rửa sạch, chọn những búp, lá non thái nhỏ. Cho trứng vào đánh tan cùng với lá ngải cứu đã thái nhỏ, thêm gia vị. Có thể rán cùng với dầu ăn hoặc hấp trên lá chuối, nên ăn khi nóng. Ngày ăn 1 lần, ăn liên tục trong 10 ngày. Món ăn này giúp lưu thông máu lên não, những người hay bị đau đầu nên ăn.

- Trị chứng đau bụng do lạnh: Ngải cứu tươi 100g, thịt thăn lợn 100g. Ngải cứu rửa sạch, thịt nạc lợn băm nhỏ, xào qua, cho gia vị vừa đủ, cho khoảng 1 bát nước, đun sôi cho rau ngải cứu vào. Canh sôi khoảng 5 phút bắc ra ăn ngay hoặc có thể dùng làm canh ăn với cơm. Dùng liên tục trong 2 ngày.

- Chữa các chứng kinh nguyệt không đều, bế kinh (mất kinh): Ngải cứu 300g, xương sườn lợn 500g. Sườn lợn rửa sạch, chặt nhỏ cho vào nồi ninh nhừ rồi nêm gia vị. Ngải cứu nhặt bỏ cuộng, rửa sạch cho vào nồi sườn đã ninh nhừ, nấu khoảng 10 phút nữa là dùng được. Nên ăn nóng, có thể ăn không hoặc ăn với cơm.

3. Lưu ý khi dùng ngải cứu

- Không nên sử dụng ngải cứu trong thời gian dài, vì có thể gây nóng trong, mất ngủ, hồi hộp trống ngực, nổi mụn nhọt.

- Đối với những chị em cần dùng các món có ngải cứu để tẩm bổ hoặc an thai… chỉ nên dùng 3 - 5 ngọn nhỏ (9 - 15g tươi), tránh dùng quá liều.

- Trứng gà ngải cứu là món ăn bài thuốc bổ dưỡng nâng cao sức khỏe nhưng những người bệnh sỏi thận, xơ vữa động mạch vành... nên hạn chế ăn trứng.

- Những người ốm dậy thể trạng còn yếu, người già, phụ nữ sau sinh nếu không có bệnh như nói trên thì nên ăn cách ngày một quả trứng là tốt nhất hoặc 7 - 10 ngày là một liệu trình.

Xem thêm video đang được quan tâm:

Bỏng da sau khi đốt ngải, hương, chữa mỏi vai gáy | SKĐS


Mai Phương
Ý kiến của bạn