6 món ăn bài thuốc giảm đau nhức xương khớp khi trời lạnh

SKĐS - Những đợt không khí lạnh tại miền Bắc khiến nhiều người mệt mỏi, thường xuyên đau nhức xương khớp. Hiểu biết về các dược liệu và ứng dụng vị thuốc vào các món ăn hằng ngày sẽ giúp cơ thể luôn khỏe mạnh, lưu thông khí huyết, kinh lạc, giảm đau xương khớp hiệu quả trong tiết trời lạnh.

1. Tại sao mùa lạnh dễ đau nhức xương khớp?

Đau nhức xương khớp mùa lạnh là tình trạng thường gặp ở người trung niên, người lớn tuổi, nhất là phụ nữ với các biểu hiện: Đau sưng đỏ khớp, cứng khớp, hạn chế vận động… Vị trí thường gặp nhất là khớp tay, vai, cột sống, hông, và đầu gối.

Đau nhức xương khớp mùa lạnh được lý giải là do sự thay đổi của áp suất trong khí quyển khiến gân cơ co rút, dịch khớp quánh lại gây viêm, đau và khó khăn khi vận động. Đồng thời, thời tiết lạnh giá khiến mạch máu co lại, các dây thần kinh bị kích thích làm tăng cảm giác đau. Đau xương khớp do trời lạnh khiến người bệnh lười, sợ vận động, tạo thành một vòng xoắn bệnh lý làm cho tình trạng viêm và đau tăng hơn.

Theo y học cổ truyền, đau nhức xương khớp thuộc phạm trù chứng Tý. Vào mùa lạnh, các yếu tố ngoại cảm (phong, hàn, thấp) xâm nhập vào cơ thể làm khí huyết không thông, kinh mạch tắc nghẽn và gây đau. Để điều trị đau nhức xương khớp, cần bổ sung các thảo dược và bài thuốc giúp hoạt huyết, thông kinh lạc, bồi bổ can thận.

6 món ăn bài thuốc giảm đau nhức xương khớp khi trời lạnh- Ảnh 1.

Đương quy hầm với thịt gà và một số vị thuốc khác giúp giảm đau nhức xương khớp.

2. Món ăn -bài thuốc cải thiện chứng đau nhức xương khớp mùa lạnh

2.1. Trứng hấp ngải cứu

Trong đông y, ngải cứu là dược liệu vị cay đắng, tính ấm, mùi thơm đặc trưng. Ngải cứu có tác dụng làm ấm cơ thể, tán hàn thấp, cầm máu nên chủ trị các chứng đau bụng do lạnh, chảy máu cam, động thai, kinh nguyệt không đều hay đau nhức xương khớp do nhiễm phong hàn.

- Nguyên liệu: 2 quả trứng gà, một nắm lá ngải cứu nhỏ.

- Cách chế biến: Rửa lá ngải cứu bằng nước sạch, cắt thành khúc nhỏ 1cm. Tiếp theo đập trứng vào và nêm nếm gia vị. Đánh tan hỗn hợp cho đều rồi hấp chín. Thưởng thức món ăn khi còn nóng.

6 món ăn bài thuốc giảm đau nhức xương khớp khi trời lạnh- Ảnh 2.

Bổ cốt chỉ nấu cật heo hỗ trợ điều trị đau mỏi xương khớp.

2.2. Canh ngải cứu lá lốt

Ngoài ngải cứu, lá lốt cũng là vị thuốc có vị cay, tính ấm giúp trừ lạnh, làm ấm cơ thể và giảm đau nhức xương khớp mùa lạnh hiệu quả. Lá lốt có mặt trong nhiều bài thuốc dân gian chữa đau nhức xương khớp, thấp khớp, phong tê thấp, rối loạn tiêu hóa.

Bạn có thể kết hợp lá lốt và ngải cứu để nấu thành món canh ngải cứu lá lốt bổ dưỡng, hiệu quả trong hỗ trợ điều trị bệnh đau xương khớp.

- Nguyên liệu: Một nắm lá ngải cứu, một nắm lá lốt, 100g thịt lợn nạc băm nhuyễn và một củ gừng.

- Cách chế biến: Thịt lợn đem ướp với gia vị. Ngải cứu và lá lốt rửa sạch, để ráo nước rồi cắt nhỏ. Gừng thái thành lát mỏng hoặc đập dập. Tiếp theo cho một ít dầu ăn vào nồi, xào thịt trong khoảng 1 - 2 phút rồi đổ nước vào đun sôi. Sau đó cho ngải cứu, lá lốt, gừng đã cắt vào nấu chín, nêm nếm sao cho hợp khẩu vị. Ăn khi còn nóng.

2.3. Canh gà hầm đương quy

Đương quy, xuyên khung đều là những dược liệu hàng đầu trong bổ huyết, hoạt huyết, giúp điều trị thiếu máu, rối loạn kinh nguyệt, đau nhức xương khớp. Ngưu tất bổ can thận, mạnh gân xương. Ý dĩ giúp trừ phong thấp hiệu quả… Bạn có thể bổ sung các dược liệu vào thực đơn ăn uống hàng ngày giúp trừ phong hàn thấp, giảm đau nhức xương khớp.

- Nguyên liệu: Đương quy 15g, gà 1 con nhỏ (làm sạch chặt khúc), xuyên khung 4g, ngưu tất bắc 6g, thăng ma 4g, ý dĩ 12g, hành lá, gừng, rượu trắng, bột gia vị vừa đủ.

- Cách chế biến: Gà làm sạch, chặt khúc và bỏ bộ lòng. Các vị thuốc: Xuyên khung, ngưu tất, thăng ma, đương quy, ý dĩ cho vào bát to cùng với hành giã nhuyễn, gừng cắt sợi, cho bột gia vị vào trộn đều, thêm ít rượu. Tất cả cho vào bụng gà, buộc kín lại, cho vào nồi, đổ nước vừa đủ hầm khoảng 2 giờ. Sau đó thả hành đã cắt khúc vào, rắc thêm tiêu. Dùng canh khi còn nóng.

6 món ăn bài thuốc giảm đau nhức xương khớp khi trời lạnh- Ảnh 3.

Đỗ trọng nấu đuôi lợn và một số vị thuốc hỗ trợ điều trị đau nhức xương khớp.

2.4. Cật heo hấp bổ cốt chỉ

Trong đông y, cật heo có tính bình, vị mặn, tác dụng bổ thận tráng dương, hỗ trợ điều trị các bệnh lý đau lưng mỏi gối, di tinh. Kết hợp với bổ cốt chỉ giúp tăng tác dụng điều trị đau mỏi xương khớp (thắt lưng, đầu gối) và bổ thận.

- Nguyên liệu: Cật heo 1 đôi, bổ cốt chỉ 12g, rượu, hành, gia vị.

- Cách chế biến: Cật heo rửa sạch, bỏ màng trắng, cắt đôi. Bổ cốt chỉ nghiền thành bột mịn. Gừng đập giập. Sau đó, cho bột bổ cốt chỉ vào trong cật heo đã ướp gia vị, thêm gừng, hành vào rồi đem hấp cách thủy trong vòng 30 phút là dùng được.

2.5. Canh đuôi lợn nấu đỗ đen, đỗ trọng và tục đoạn

Đỗ đen, đỗ trọng và tục đoạn cũng là ba vị thuốc tốt giúp bổ can thận, mạnh gân xương, hỗ trợ điều trị các chứng đau mỏi xương khớp. Đuôi lợn bồi bổ cơ thể, hỗ trợ chứng thận hư, liệt dương, xuất tinh sớm, đau mỏi lưng gối, cung cấp năng lượng và tăng cường sức khỏe.

Nếu bạn thường xuyên đau nhức xương khớp, đặc biệt mùa lạnh, nên ăn canh đuôi lợn hầm các dược liệu này. Theo kinh nghiệm dân gian, nếu dùng mỗi tuần 3 - 4 lần món ăn này giúp chữa trị chứng đau mỏi lưng gối hiệu quả.

- Nguyên liệu: Đuôi lợn 1 cái, đỗ trọng 50g, tục đoạn 5g, đỗ đen 100g.

- Cách chế biến: Đuôi lợn rửa sạch, cắt thành từng khoanh cho vào nồi. Đậu đen, tục đoạn, đỗ trọng rửa sạch cho chung vào, thêm với 2 - 2,5 bát nước to. Nấu cô đặc lại còn hơn nửa bát thì tắt lửa đem dùng.

2.6. Thịt trâu xào lá lốt

Thịt trâu có vị ngọt, tính hàn không độc, tác dụng bổ khí huyết, mạnh gân cốt, chữa được chứng phong thấp sưng tê, đau lưng, phù chân.

- Nguyên liệu: Thịt trâu 300g, lá lốt 50g, tỏi, gừng, hành, gia vị vừa đủ.

- Cách chế biến: Thịt trâu rửa sạch, thái lát mỏng, ướp với hành, gừng, tỏi và gia vị vừa đủ. Lá lốt rửa sạch thái khúc nhỏ. Sau đó, phi tỏi cho thơm, cho thịt trâu vào xào nhanh, cho tiếp lá lốt vào xào trên lửa to, nêm nếm gia vị. Dùng 3 - 4 lần một tuần.

Xem thêm video đang được quan tâm:

Sẽ ra sao nếu đau nhức xương khớp không được điều trị sớm? | SKĐS


BSNT. Hương Trà
Khoa Y học cổ truyền - Trường Đại học Y Hà Nội
Ý kiến của bạn