1. Tác dụng dược lý của ớt
Ớt còn gọi là ớt tàu, ớt chỉ thiên, ớt chỉ địa, lạt tiêu.
Tên khoa học Capsicum annuum L. Thuộc họ Cà Solanaceae.
Ớt (Frutus Capsici) là quả chín phơi khô của cây ớt Capsicum annuum L. và những cây ớt khác. Ta còn dùng cả lá tươi (Folium Capsici).
Cây loại cỏ mọc hằng năm tại những nước ôn đới, sống lâu năm và thân phía dưới hóa gỗ ở những nước nhiệt đới. Cây có rất nhiều cành, nhẵn. Lá mọc so le, hình thuôn dài, đầu nhọn, phía cuống cũng thuôn hẹp, có cuống, phiến lá dài 2-4cm, rộng 1,5-2cm.
Hoa mọc đơn độc ở kẽ lá. Quả mọc rủ xuống hay quay lên trời (chỉ thiên), hình dáng thay đổi, khi thì tròn, khi thì dài, đầu nhọn, màu vàng hay đỏ. Có loại rất cay, có loại ít cay, tùy theo nhiều điều kiện.
Trong ớt có những chất chủ yếu sau đây: Capsaicin (một alkaloid), vitamin C, capsanthin – chất màu có tinh thể thuộc loại carotene, vitamin B1, B2, acid citric, acid malic…
Ớt gây xót da và niêm mạc, gây đỏ mà không gây phồng da, làm ta có cảm giác nóng ở môi và dạ dày.
Khi tay sờ vào ớt cần tránh dụi lên mắt. Bột ớt gây hắt hơi rất khó chịu. Khi đốt ớt, khói ớt gây hắt hơi rất mạnh.
2. Công dụng và liều dùng
Theo sách Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam của GS.TS. Đỗ Tất Lợi, ngoài công dụng làm gia vị, ớt có thể là một vị thuốc giúp tiêu hóa, làm ăn ngon, chóng tiêu.
- Dùng ngoài: Ớt kích thích tại chỗ, tốt cho những trường hợp đau do phong thấp, đau lưng, đau khớp.
- Chữa rắn, rết cắn: Giã nhỏ lá ớt, đắp vào nơi bị thương. Hết đau nhức thì bỏ đi. Ngày làm một đến hai lần cho đến khi hết đau. Thường 15-30 phút hết đau, 2-3 giờ là khỏi hẳn.
3. Một số món ăn bài thuốc từ ớt
TS. Nguyễn Đức Quang – Nguyên Chủ nhiệm khoa Nghiên cứu Thực nghiệm Viện Y học cổ truyền quân đội giới thiệu một số món ăn bài thuốc từ cây ớt:
3.1 Thịt lợn xào mướp đắng ớt xanh: Thịt lợn ba chỉ 80 - 100g, ớt xanh 60g, mướp đắng 1 quả. Thịt lợn thái miếng, ớt xanh thái lát, mướp bỏ hột thái lát, thêm gia vị, chút đường đỏ, xào to lửa, ăn nóng.
Dùng tốt cho người bị sốt, đau đầu chóng mặt, buồn nôn khi trời nắng nóng, làm việc ở các lò rèn, lò gang thép vã mồ hôi, khát nước.
3.2 Thịt bò xào cần tây ớt đỏ: Thịt bò nạc 300g, cần tây 120g, ớt đỏ 5g, gừng tươi 5g, trứng gà 1 quả. Thịt bò thái lát, cần tây, ớt đỏ, gừng thái mảnh, xào cho vừa chín, thêm gia vị và đập trứng vào, đảo đều.
Dùng tốt cho người ù tai, đau đầu chóng mặt, tăng huyết áp, xơ vữa động mạch.
3.3 Thịt dê hầm rễ ớt: Rễ ớt (lạp tiêu căn) 60g, thịt dê 100 - 150g. Rễ ớt rửa sạch chặt khúc cùng thịt dê thái lát trộn đều; hầm chín, thêm bột gia vị. Chia ăn 1 - 2 lần trong ngày.
Dùng cho người phong thấp đau sưng khớp.
3.4 Canh cá lá ớt: Cá lóc, cá trê hoặc cá chép 200 - 400g, lá ớt 1 bó (200 - 250 lá). Cá làm sạch, lá ớt rửa sạch, nấu canh, thêm gia vị, ăn.
Dùng tốt cho người bị mụn nhọt, viêm đường tiết niệu, phù nề.
3.5 Cháo ớt: Ớt quả 20 - 50g, gạo tẻ 80 - 100g vo sạch, nấu cháo với ớt; ăn nóng. Dùng tốt cho người bị cảm cúm sốt nóng, rét run vào mùa thu.
3.6 Nước đường gừng ớt: Ớt đỏ chín tươi 10 - 15g, gừng tươi 12 - 15g, đường vừa đủ. Nấu nước uống.
Dùng tốt cho người ăn kém chậm tiêu, đau bụng do lạnh.
Kiêng kỵ: Đau mắt, âm hư hỏa vượng, mụn nhọt sưng tấy mưng mủ nên hạn chế.
Sốt xuất huyết - Những sai lầm khiến bệnh chuyển nặng