6 lối sống giúp tăng cường sức khỏe, ngăn ngừa bệnh tật

SKĐS - Mặc dù tuổi tác, tiền sử gia đình, cấu tạo di truyền... có thể khiến cơ thể mắc một số bệnh lý nhất định, nhưng lối sống lành mạnh là yếu tố then chốt giúp tăng cường sức khỏe và ngăn ngừa bệnh tật.

Theo Tổ chức Y tế thế giới, lối sống lành mạnh là cách sống hướng đến mục tiêu nâng cao sức khỏe toàn diện cả về thể chất và tinh thần, làm giảm nguy cơ mắc bệnh nặng và tử vong sớm.

Bạn có thể thực hiện lối sống lành mạnh hàng ngày với những biện pháp cụ thể từ vận động thể chất đến giảm căng thẳng tinh thần.

1. Tập thể dục thường xuyên

Tập thể dục trong nhà hay ngoài trời là biện pháp dễ thực hiện, ít tốn kém nhưng lại có thể mang lại lợi ích cho cả sức khỏe thể chất và cải thiện tâm trạng.

Theo Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân sinh Hoa Kỳ, đối với người trưởng thành nên luyện tập cường độ vừa phải như đi bộ nhanh, khiêu vũ, đạp xe... khoảng 20 phút mỗi ngày, 5 ngày mỗi tuần.

Hoạt động thể chất thường xuyên có thể giúp giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch, cải thiện nhận thức, giảm nguy cơ mắc chứng mất trí nhớ, giảm nguy cơ trầm cảm và lo lắng, kiểm soát cân nặng, giữ cho xương và cơ bắp chắc khỏe, giảm nguy cơ mắc các bệnh mn tính như đái tháo đường type 2 hay một số loại ung thư...

photo-1676967205991

Tập luyện thường xuyên tăng cường sức khỏe.

2. Tăng cường dinh dưỡng lành mạnh

Chế độ ăn uống có tác động trực tiếp và lâu dài đến sức khỏe. Trong đó, bạn nên cân đối các chất dinh dưỡng trong thực phẩm, lựa chọn các loại chưa qua chế biến sẵn như trái cây, rau củ, các loại thịt, cá, trứng...

Bên cạnh đó, bạn nên tránh xa các loại thực phẩm chế biến sẵn như xúc xích, đồ uống có đường, khoai tây chiên, bữa ăn đóng gói sẵn... do có chứa chất bảo quản, màu nhân tạo, chất béo chuyển hóa và thường có nhiều muối, đường hoặc chất làm ngọt nhân tạo... Những chất này không chỉ có hại cho sức khỏe mà còn khiến cơ thể không nhận đủ dinh dưỡng.

Theo nhiều nghiên cứu khoa học trên thế giới, dinh dưỡng kém có thể làm tăng nguy cơ tăng cân, béo phì, mắc bệnh tim và đột quỵ, mắc bệnh đái tháo đường type 2 và một số loại ung thư, bao gồm ung thư tử cung, ung thư vú ở phụ nữ sau mãn kinh và ung thư đại trực tràng.

photo-1676967208591

Những loại thực phẩm tốt tăng cường sức khỏe.

3. Ưu tiên giấc ngủ để tăng cường sức khỏe

Giấc ngủ rất quan trọng đối với mọi quá trình hoạt động trong cơ thể, giúp cơ thể sửa chữa các tế bào và phục hồi năng lượng. Khi ngủ, não cũng thực hiện nhiều chức năng thiết yếu như lưu trữ thông tin, loại bỏ chất thải và củng cố các kết nối tế bào thần kinh.

Người trưởng thành nên ngủ ít nhất 7 tiếng mỗi đêm. Trẻ em và người lớn tuổi thường cần ngủ nhiều hơn. Nếu không ngủ đủ giấc, cơ thể sẽ khó hoạt động bình thường hơn. Thiếu ngủ có thể làm tăng nguy cơ huyết áp cao, bệnh tim mạch, hội chứng chuyển hóa, lo lắng, trầm cảm, thay đổi tâm trạng, hệ miễn dịch suy yếu, một số loại ung thư

Để đảm bảo ngủ đủ giấc, bạn cần thực hiện tốt các biện pháp vệ sinh giấc ngủ như tạo môi trường ngủ yên tĩnh, tối và thoải mái, tránh nhìn vào màn hình điện thoại trước khi đi ngủ, tạo thói quen thư giãn (tắm nước ấm, thiền, đọc sách...), tránh dùng các chất kích thích trước khi ngủ...

photo-1676967210822

Ngủ đủ giấc rất quan trọng giúp cơ thể khỏe mạnh.

4. Uống đủ nước

Cơ thể cần nước cho nhiều chức năng quan trọng, như duy trì nhiệt độ cơ thể, hỗ trợ tiêu hóa, giữ cho các cơ quan hoạt động bình thường và cung cấp chất dinh dưỡng cho tất cả các tế bào.

Đủ nước cũng giữ cho bộ não hoạt động tốt. Khi không uống đủ chất lỏng, bạn có thể cảm thấy mệt mỏi, khó tập trung, đau đầu và thay đổi tâm trạng.

Theo đó, mỗi người nên bổ sung từ 1,5 -2 lít nước/ngày. Bạn có thể cần uống nhiều nước hơn nếu tập thể dục hoặc hoạt động thể lực, sốt hoặc mất nước do nôn, tiêu chảy, đang mang thai và cho con bú, sống ở nơi có khí hậu khô nóng...

photo-1676967216037

Uống đủ nước giúp các bộ phận trong cơ thể hoạt động trơn tru.

5. Theo dõi các chỉ số

Các chỉ số như chỉ số khối cơ thể (BMI), huyết áp, cholesterol và triglyceride, đường huyết lúc đói... không chỉ có ý nghĩa cảnh báo nguy cơ bệnh tật mà còn là động lực giúp bạn thay đổi lối sống phù hợp để cải thiện, ngăn ngừa mắc bệnh.

Trong nhiều trường hợp như tăng huyết áp hoặc cholesterol cao có thể không gây ra bất kỳ triệu chứng nào cho đến khi gây ra các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng hơn, có thể đe dọa tính mạng.

Do đó, bạn cần theo dõi sức khỏe định kỳ để phát hiện những thay đổi nhỏ nhất của cơ thể để có biện pháp xử trí kịp thời. Nếu thay đổi lối sống không đủ hiệu quả, bác sĩ có thể quyết định kê đơn thuốc để giúp giảm nguy cơ biến chứng tiềm ẩn.

photo-1676967218040

Quản lý chặt chẽ các chỉ số về cholesterol giúp ngăn ngừa bệnh lý mạch vành.

6. Quản lý căng thẳng một cách lành mạnh

Căng thẳng, lo lắng là một phần bình thường của cuộc sống hàng ngày. Tuy nhiên, căng thẳng mn tính có thể ảnh hưởng đến tinh thần, thể chất và cảm xúc của bạn. Nghiên cứu tại Mỹ đã chỉ ra rằng mức độ căng thẳng liên tục cao có liên quan đến tăng nguy cơ mắc bệnh huyết áp cao, trầm cảm, bệnh tim và đột quỵ, suy yếu hệ miễn dịch.

Để hạn chế căng thẳng kéo dài, bạn có thể thực hiện một số hoạt động thư giãn bao gồm các bài tập thở như thở cơ hoành, tập thể dục, tập yoga hoặc thái cực quyền, thiền, thực hiện các hoạt động sáng tạo như vẽ, tô màu, viết...

Ngoài các biện pháp trên, bạn cần thực hiện tiêm phòng ngăn ngừa bệnh, thực hiện tình dục an toàn để phòng tránh các bệnh lý lây truyền qua đường tình dục và loại bỏ những thói quen xấu hàng ngày như uống rượu, hút thuốc lá...

Để giảm nguy cơ mắc bệnh mạn tính và nguy hiểm, có nhiều lựa chọn bạn có thể thực hiện hôm nay và mỗi ngày để sống lâu, năng động và khỏe mạnh.

Mời bạn xem tiếp video:

6 biện pháp tại nhà khắc phục chứng trào ngược axit dạ dày vào buổi sáng


Lê Thu Lương
Theo healthline
Ý kiến của bạn