1. Quả lựu rất giàu dinh dưỡng
Một quả lựu (282g) cung cấp 234 calo, 4,7g protein, 52,7g carbohydrate và 3,3g chất béo. Hạt lựu là một nguồn chất xơ rất tốt và giàu kali, phốt pho, magiê và canxi.
Với hàm lượng polyphenol dồi dào, lựu mang lại nhiều lợi ích tiềm năng vì đặc tính chống oxy hóa và chống viêm của các vi chất dinh dưỡng này. Dinh dưỡng từ quả lựu có thể giúp điều trị các yếu tố nguy cơ của nhiều bệnh, bao gồm tăng huyết áp, cholesterol cao, stress oxy hóa, tăng đường huyết và các dấu hiệu viêm.
2. Quả lựu có tác dụng gì?
2.1 Lựu có tác dụng chống viêm
Tất cả các flavonoid trong lựu đều thể hiện hoạt tính chống oxy hóa với tác dụng ức chế gián tiếp các dấu hiệu viêm như yếu tố hoại tử khối u.
Trong một số nghiên cứu về nuôi cấy tế bào hoặc động vật, các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng nước ép lựu hoặc chiết xuất của nó ảnh hưởng tích cực đến bệnh viêm khớp dạng thấp. Tuy nhiên, vẫn cần nhiều nghiên cứu hơn để hỗ trợ lợi ích này ở người.
2.2 Giúp giảm huyết áp
Nước ép lựu được cho là ngăn chặn hoạt động của enzym chuyển đổi angiotensin trong huyết thanh, có thể giúp giảm huyết áp tâm thu.
Một số nghiên cứu chỉ ra rằng, nước ép quả lựu làm giảm huyết áp ở những bệnh nhân tăng huyết áp. Tuy nhiên, một nghiên cứu khác cho thấy rằng việc bổ sung nước ép lựu trong 3 tháng không ảnh hưởng đáng kể đến huyết áp ở những bệnh nhân mắc bệnh mạch vành.
2.3 Bảo vệ sức khỏe tim mạch
Theo một số nghiên cứu, các chất chống oxy hóa trong nước ép lựu có thể giúp giữ cholesterol ở dạng ít gây hại hơn và cũng có thể làm giảm mảng bám tích tụ trong mạch.
Trong một nghiên cứu về những người đàn ông khỏe mạnh, các nhà nghiên cứu từ Israel kết luận rằng nước ép lựu làm giảm LDL (loại cholesterol hình thành mảng bám) và cải thiện HDL (loại cholesterol tốt)
Một nghiên cứu khác cho thấy sự giảm sự phát triển của chứng xơ vữa động mạch (mảng bám tích tụ trong thành động mạch) ở những con chuột có chế độ ăn được bổ sung nước ép lựu.
2.4 Kháng khuẩn, chống nhiễm trùng
Lựu đã được sử dụng để điều trị nhiễm trùng trong một thời gian dài. Trong y học, chất chiết xuất từ quả lựu, vỏ quả và vỏ cây được sử dụng để điều trị bệnh kiết lỵ và tiêu chảy.
Các nghiên cứu nhỏ đã xem xét tác dụng kháng khuẩn của lựu đối với một số chủng vi khuẩn kháng thuốc. Trong một nghiên cứu được thực hiện với chuột lang, một loại thuốc mỡ được chế biến từ vỏ quả lựu đã được bôi lên vết thương của chúng trong 12 ngày và nó đã cải thiện đáng kể việc chữa lành vết thương bằng cách tăng tổng hợp collagen, DNA và protein. Chiết xuất thể hiện hoạt tính kháng khuẩn đáng kể chống lại vi khuẩn vết thương.
Trong một nghiên cứu khác với 35 con chuột Wistar bị nhiễm nấm Candida miệng - một loại nấm tích tụ trong niêm mạc miệng. Những con chuột được điều trị với ba nồng độ khác nhau của chiết xuất vỏ quả lựu và nystatin. Bất kể nồng độ chiết xuất từ vỏ quả lựu như thế nào, các nhà nghiên cứu đã quan sát thấy sự cải thiện rõ rệt sau 15 ngày điều trị mà không có tác dụng phụ bất lợi nào.
2.5 Làm tăng lưu lượng máu
Theo một nghiên cứu chéo ngẫu nhiên, có đối chứng với giả dược với 19 đàn ông và phụ nữ đã kiểm tra uống chiết xuất quả lựu có thể ảnh hưởng đến lưu lượng máu, đường kính mạch và hiệu suất tập thể dục. Những người tham gia có độ tuổi trung bình là 22 và được phân ngẫu nhiên để dùng giả dược hoặc chiết xuất từ quả lựu.
Kết quả lưu lượng máu tăng lên ở những người tham gia uống chiết xuất quả lựu so với những người dùng giả dược. Các nhà nghiên cứu cũng phát hiện ra rằng uống chiết xuất lựu 30 phút trước khi tập thể dục có thể tăng cường đường kính mạch, lưu lượng máu và trì hoãn sự mệt mỏi khi tập thể dục.
2.6 Loại bỏ mảng bám răng
Có một số bằng chứng cho thấy, nước ép lựu có thể giúp kiểm soát mảng bám răng. Trong một nghiên cứu nhỏ, 30 đối tượng được chỉ định sử dụng nước súc miệng bằng lựu trong 4 ngày.
Sau khi kết thúc, các nhà nghiên cứu nhận thấy rằng dung dịch lựu có hiệu quả tốt như dung dịch sát trùng mà không có tác dụng phụ. Ngoài ra, nước ép lựu ức chế sự phát triển của các mầm bệnh đã được chứng minh là góp phần gây ra bệnh viêm nha chu.
Xem thêm video đang được quan tâm
TIN VUI: Vaccine COVID-19 COVAXIN được phê duyệt có điều kiện