1. Nhảy dây giúp cải thiện sức khỏe tim mạch
Theo Đại học Y khoa Thể thao Hoa Kỳ, nhảy dây rất tốt cho sức khỏe tim phổi. Bạn nên nhảy dây từ 3-5 lần/ mỗi tuần, 12 – 20 phút mỗi lần để tăng lượng oxy tối đa từ đó nâng cao sức chịu đựng của tim cao hơn.
Một nghiên cứu năm 2018 được công bố trên Tạp chí Sinh lý học Ứng dụng Châu Âu cho thấy thói quen nhảy dây kéo dài 12 tuần giúp giảm các yếu tố nguy cơ bệnh tim mạch trên những phụ nữ mắc chứng tiền tăng huyết áp hoặc huyết áp cao. Bộ môn này đã giúp họ giảm mỡ thừa, đặc biệt là vùng bụng và có nhịp mạch tốt hơn.
2. Cải thiện sự phối hợp, giảm thiểu chấn thương ở chân và mắt cá chân
Nhảy dây giúp cải thiện khả năng phối hợp chân, tăng sức mạnh của các cơ xung quanh khớp mắt cá chân và bàn chân, từ đó làm giảm nguy cơ chấn thương cho những vùng đó.
Theo Viện Jump Rope, việc luôn kiễng chân trong suốt thời gian nhảy dây và phối hợp các chuyển động của phần trên và dưới cơ thể có thể giúp cải thiện sự linh hoạt và mang lại rất nhiều lợi ích sức khỏe.
Nhảy dây giúp tăng sức mạnh của các cơ xung quanh khớp mắt cá chân và bàn chân.
3. Thúc đẩy giảm cân
Nhảy dây là một bài tập đốt cháy calo hiệu quả. Lượng calo đốt cháy được trong quá trình luyện tập sẽ phụ thuộc thời gian, cường độ tập luyện và cân nặng của người đó.
Nhìn chung, nhảy dây trong 10 phút sẽ tương đương lượng calo được đốt cháy khi đi bộ liên tục 30 phút. Vì vậy, rèn luyện thói quen nhảy dây mỗi ngày có thể thúc đẩy quá trình giảm cân hiệu quả.
4. Cải thiện mật độ xương
Một nghiên cứu được công bố năm 2017 đã chỉ ra rằng những bé gái từ 11 – 14 tuổi nhảy dây hàng tuần có mật độ xương cao hơn nhóm không nhảy. Đồng thời nghiên cứu này cũng đưa ra khuyến cáo mọi người nên nhảy dây 10 phút mỗi ngày để cải thiện độ chắc khỏe của xương.
Theo Tổ chức Loãng xương Quốc tế, nhảy dây rất có lợi cho những người có xương yếu. Bằng cách tập luyện bộ môn này, xương sẽ dần được sửa chữa để trở nên mạnh và ít giòn hơn. Đặc biệt với bé gái và phụ nữ là những đối tượng cần bổ sung nhiều khoáng chất hơn như canxi… để có mật độ xương cao hơn sẽ giảm nguy cơ bị loãng xương nhờ nhảy dây thường xuyên.
Tuy nhiên, nếu bạn từng bị gãy, yếu xương thì tốt nhất nên tham khảo ý kiến của bác sĩ trước khi bắt đầu để chọn cho mình cường độ luyện tập phù hợp.
5. Cải thiện tình trạng hụt hơi
Ngoài việc cải thiện sức khỏe tim mạch và sức chịu đựng, nhảy dây cải thiện tình trạng hụt hơi giúp bạn thở đều và duy trì được sự dẻo dai trong khi bơi lội hoặc những môn thể thao cần sức bền.
Nhảy dây giúp bạn thở đều và duy trì sự dẻo dai trong những môn thể thao cần sức bền.
6. Giúp bạn minh mẫn hơn
Theo viện Jump Rope, nhảy dây hỗ trợ sự phát triển của bán cầu não trái và phải, nhờ đó giúp nâng cao các nhận thức về không gian, cải thiện kỹ năng đọc, tăng cường trí nhớ và giúp bạn tỉnh táo hơn.
Nhảy dây là hình thức tập luyện đơn giản mà bạn có thể thực hiện ở bất cứ đâu. Bạn cũng có thể nhảy dây để khởi động trước trận đấu bóng rổ hoặc hạ nhiệt sau khi đạp xe hay cùng con bạn nhảy đôi trong những hoạt động cuối tuần cùng gia đình.
Tuy nhiên, để đảm bảo an toàn và hiệu quả, bạn không nên nhảy dây lúc quá đói hoặc quá no. Trước khi nhảy dây nên khởi động trong 10 phút. Bắt đầu với các động tác xoay các khớp từ cổ chân, gối đến cổ tay và vai. Sau đó, làm theo các kỹ thuật giãn cơ và tập các bài thể dục đơn giản.
Mời bạn đọc xem tiếp video:
Siêu bão số 4 Noru mạnh nhất 20 năm qua: Miền Trung chằng chống nhà cửa, sẵn sàng sơ tán | SKĐS