1. Lợi và hại của viêm với cơ thể
Viêm là phản ứng của hệ miễn dịch để bảo vệ cơ thể chống lại các tổn thương, chấn thương hoặc nhiễm trùng hay bệnh tật... Nếu không có phản ứng viêm thì cơ thể khó có thể chữa lành.
Tuy nhiên, nếu hệ miễn dịch hoạt động quá mức, gây tình trạng viêm mạn tính lại ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe.
Tình trạng viêm có thể cấp tính (đột ngột và/hoặc nghiêm trọng) hoặc mạn tính (dài hạn).
- Viêm cấp tính: Đây là lúc cơ thể giải phóng các tế bào bạch cầu để bảo vệ vùng bị thương hoặc nhiễm trùng với biểu hiện đau, sưng, nóng, đỏ quanh khớp và mô. Với viêm cấp tính, tình trạng viêm bắt đầu nhanh chóng nhưng thường sẽ biến mất trong vòng 2 tuần hoặc hơn.
- Viêm mạn tính: Tình trạng viêm không biến mất và hệ thống miễn dịch hoạt động quá mức khiến các tế bào bạch cầu có thể tấn công các cơ quan và mô khỏe mạnh. Viêm mạn tính ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe như gây hại cho ruột, khớp, liên quan tới tim mạch, ảnh hưởng đến giấc ngủ, tăng nguy cơ ung thư...
Các yếu tố có thể làm tăng nguy cơ viêm mạn tính bao gồm:
- Hút thuốc
- Béo phì
- Chế độ ăn nhiều đường tinh luyện, chất béo bão hòa hoặc chất béo chuyển hóa
- Tuổi già
- Căng thẳng và gặp các vấn đề về giấc ngủ...
2. Các loại trà giúp chống viêm
2.1 Trà xanh
Trà xanh được làm từ lá của cây chè, có tên khoa học là Camellia sinensis. Màu xanh lá cây chứa catechin, đặc biệt là epigallocatechin gallate, hoạt động với flavonoid để bảo vệ chống lại tác hại của gốc tự do và viêm nhiễm.
Trà xanh có liên quan đến việc giảm viêm và hỗ trợ giảm nguy cơ mắc các bệnh mạn tính, chẳng hạn như cholesterol cao, bệnh tim, đái tháo đường và ung thư.
Ngoài ra, trà xanh còn hỗ trợ tăng cường hỗ trợ miễn dịch, giảm cân, cải thiện sức khỏe răng miệng, cải thiện chức năng thần kinh.
Tuy nhiên, khi sử dụng trà xanh cần lưu ý không nên uống vào buổi tối do trà có chứa caffein dễ gây mất ngủ. Hơn nữa, uống một lượng lớn trà xanh có thể ức chế hấp thụ sắt của cơ thể.
Ngoài ra, các hợp chất trong trà xanh có thể tương tác với một số loại thuốc, bao gồm acetaminophen, codeine, verapamil, nadolol, tamoxifen và bortezomib... nên cần đặc biệt chú ý.
Trà xanh có tác dụng chống viêm tốt.
2.2 Trà gừng chống viêm
Trà gừng được làm từ củ gừng dạng bột hoặc gừng tươi nghiền nhỏ. Tương tự như trà xanh, gừng đã được nghiên cứu rộng rãi như một phương thuốc giảm đau và giảm viêm.
Gừng có chứa các chất gọi là gingerol và shogaol chống lại stress oxy hóa và viêm nhiễm.
Một nghiên cứu trên nhóm người bị viêm khớp dạng thấp cho thấy rằng, ăn 750 mg gừng hai lần một ngày làm giảm hoạt động của bệnh, bao gồm cả mức độ của protein phản ứng C (CRP) gây viêm.
2.3 Trà nghệ
Củ nghệ là một loại thân rễ cùng họ với gừng. Các đặc tính chống viêm của nghệ đến từ hàm lượng curcumin của nó.
Curcumin đã được nghiên cứu về tác dụng đối với các bệnh viêm nhiễm như viêm khớp, bệnh tim... Trong một số thử nghiệm, chất curcumin trong củ nghệ đã được chứng minh là có hiệu quả trong việc giảm đau do viêm, chống viêm hiệu quả.
Trà nghệ.
2.4. Trà hoa cúc
Theo TS. Vinod Katiboina, một dược sĩ lâm sàng được chứng nhận tại Ấn Độ, trà hoa cúc là một loại trà chống viêm phổ biến khác. Trà hoa cúc thậm chí còn được gọi là "aspirin thảo dược" do khả năng giảm đau, sưng, đỏ và các triệu chứng khác liên quan đến viêm nhiễm.
Các nghiên cứu kiểm tra lợi ích của hoa cúc đã chỉ ra rằng, ngoài việc giảm viêm, khi uống dưới dạng trà, còn giúp điều trị các tình trạng viêm khi bôi tại chỗ.
Hoa cúc thường được sử dụng để điều trị nhiễm trùng da, miệng và đường hô hấp do vi khuẩn cũng như viêm da và niêm mạc. Hoa cúc cũng có thể giúp giảm các vấn đề về đường tiêu hóa và viêm mắt.
Lưu ý: Những người bị dị ứng với cỏ phấn hương có thể gặp các triệu chứng tồi tệ hơn khi uống trà hoa cúc nên cần cân nhắc kỹ trước khi sử dụng.
2.5 Trà lá tầm ma
Cây tầm ma hay còn gọi là cây lá gai, trữ ma, gai tuyết, đã được sử dụng như một phương pháp điều trị tại nhà để điều trị đau khớp và đau nhức cơ bắp. Những sợi lông dưới lá chứa các chất có thể giúp giảm các dấu hiệu viêm nhiễm trong cơ thể.
Các bộ phận của cây tầm ma có vị ngọt, tính hàn, không độc nhưng không nên dùng cho người có thể trạng hư hàn hay dùng trong thời gian dài.
Trà lá tầm ma
2.6. Trà bạc hà
Bạc hà có đặc tính chống viêm và kháng khuẩn. Trà bạc hà thường được dùng để làm giảm các triệu chứng của hội chứng ruột kích thích và tăng cường sức khỏe đường hô hấp bằng cách giảm tắc nghẽn và mở rộng đường thở.
Những biện pháp chống viêm khác:
- Nâng cao chất lượng giấc ngủ: Giấc ngủ chất lượng cao giúp giữ cho hệ thống miễn dịch khỏe mạnh và giảm tình trạng viêm mạn tính.
- Chú trọng sử dụng thực phẩm chống viêm: Các loại thực phẩm này bao gồm các loại trái cây và rau quả nhiều màu sắc vì đặc tính chống oxy hóa của chúng.
- Tập thể dục thường xuyên: Một số loại bài tập giúp chống viêm tốt như đi bộ nhanh, hít đất, tập đứng lên ngồi xuống, đạp xe... rất tốt để nâng cao miễn dịch cho cơ thể.
Mời bạn xem tiếp video:
Những thực phẩm rẻ tiền nhưng có tác dụng làm đẹp bất ngờ - SKĐS