6 loại thuốc không kê đơn có thể gây nguy hiểm cho người cao tuổi

18-01-2024 08:42 | An toàn dùng thuốc
google news

SKĐS - Người cao tuổi có nguy cơ gặp tác dụng phụ cao hơn từ những thuốc tự mua không kê đơn (OTC) so với người trẻ tuổi. Vậy đó là những loại thuốc nào?

1. Tại sao người cao tuổi nhạy cảm hơn với thuốc?

Cơ thể xử lý thuốc khác nhau khi có tuổi. Khi có tuổi, chức năng thận và gan bị suy giảm, có thể làm chậm tốc độ thuốc thải trừ khỏi cơ thể... sẽ làm tăng tác dụng phụ của thuốc.

Người cao tuổi cũng nhạy cảm hơn với tác dụng của thuốc (cả tác dụng chữa bệnh và tác dụng phụ). Do đó, khi dùng thuốc cho lứa tuổi này, phải rất cẩn trọng. Mặc dù dùng liều thấp hơn, song vẫn có nhiều khả năng gặp phải các tác dụng phụ hơn.

Nguy cơ lạm dụng thuốc giảm đau ở sinh viên

Những lý do sức khỏe phổ biến nhất khiến phải dùng thuốc là đau đầu, đau bụng, ho, đau khớp và sốt… Điển hình là đau đầu và loại thuốc không kê đơn được sử dụng phổ biến nhất là thuốc giảm đau.

2. Các loại thuốc không kê đơn cần thận trọng với người cao tuổi

2.1 Thuốc giảm đau, chống viêm NSAID

Các loại thuốc chống viêm không steroid (NSAID) bao gồm ibuprofen (advil và motrin), naproxen và aspirin… đều có thể gây loét và chảy máu dạ dày. Điều này đặc biệt đáng lo ngại nếu người bệnh đang dùng thuốc làm loãng máu hoặc mắc đái tháo đường, tăng huyết áp không được kiểm soát.

Sử dụng lâu dài các thuốc này có thể gây ra các vấn đề về tim và thận ở người cao tuổi. Do đó, người lớn tuổi không tự ý mua và dùng các loại thuốc NSAID để hạ sốt, giảm đau.

2.2 Thuốc hạ sốt paracetamol

Tylenol (acetaminophen) hay paracetamol là thuốc hạ sốt giảm đau rất phổ biến trên thị trường. Lạm dụng các loại thuốc này có thể gây ra các vấn đề về gan. Do đó, người cao tuổi nên dùng đúng liều khuyến cáo và không uống rượu trong khi dùng thuốc (sự kết hợp paracetamol với rượu làm tăng nguy cơ tổn thương gan, suy gan ở người cao tuổi…).

2.3 Thuốc chống dị ứng diphenhydramine (benadryl)

Mặc dù dùng benadryl để điều trị các phản ứng dị ứng nhẹ không thường xuyên là tốt nhưng không nên coi nó như một loại thuốc hỗ trợ giấc ngủ.

Nhiều loại thuốc hỗ trợ giấc ngủ khác trên thị trường có chứa diphenhydramine. Sử dụng chúng theo chỉ định của bác sĩ và chỉ trong khoảng thời gian bác sĩ khuyến cáo. Sử dụng lâu dài thuốc này có thể dẫn đến các vấn đề về nhận thức, lú lẫnmất trí nhớ

2.4 Thuốc thông mũi

Pseudoephedrine, phenylephrine là những thành phần hoạt chất có trong nhiều sản phẩm thông mũi thông thường để trị ngạt mũi, nhưng thuốc có thể làm tăng huyết áp, không tốt cho người cao tuổi.

Ngay cả khi người bệnh dùng thuốc trị huyết áp và huyết áp đang được kiểm soát thì thuốc thông mũi vẫn có thể làm tăng mức huyết áp của người bệnh. Đó là lý do tại sao, người bệnh không được tự ý mua dùng các loại thuốc này.

Có thể lựa chọn các phương pháp giảm tắc nghẽn không dùng thuốc hoặc lựa chọn các sản phẩm an toàn hơn dành cho người huyết áp cao.

2.5 Thuốc trị chứng ợ nóng

Các thuốc như omeprazole, esomeprazole, lansoprazole… được sử dụng để giảm axit dạ dày và điều trị chứng ợ chua. Thuốc chỉ được sử dụng trong thời gian ngắn, nhưng rất nhiều người lạm dụng các thuốc này. 

Khi sử dụng lâu dài, thuốc có thể cản trở sự hấp thụ canxi và dẫn đến gãy xương. Chúng cũng có thể gây tiêu chảy và viêm phổi.

2.6 Thuốc chữa táo bón chứa magiê

Đây là những loại thuốc không kê đơn thường được khuyên dùng để điều trị táo bón. Thuốc có nguy cơ gây tác dụng phụ ở những người có vấn đề về thận, đặc biệt nếu chúng được sử dụng lâu dài.

Nếu táo bón là một vấn đề, hãy uống nhiều nước hơn, ăn nhiều chất xơ hơn và tập thể dục hàng ngày. Hãy liên hệ với bác sĩ về các lựa chọn kê đơn hoặc không kê đơn mà bạn có thể thử, nếu các biện pháp thay đổi lối sống không hiệu quả với bạn.

Mặc dù thuốc OTC được mua không cần đơn nhưng đã là thuốc ngoài tác dụng chữa bệnh vẫn chứa những tác hại không mong muốn. Do đó, đối với người cao tuổi tốt nhất là không nên tự ý dùng thuốc đề phòng ngừa các rủi ro do thuốc gây ra.

Mời độc giả xem thêm video:

Những loại rau nào thải độc, Giúp gan khỏe mạnh? | SKĐS



DS. Kim Thủy
(Theo VRH)
Ý kiến của bạn