Thừa cân có thể gây rủi ro và nguy cơ mắc các bệnh như đái tháo đường, tăng huyết áp, bệnh tim, ung thư, các vấn đề về gan và thận...
Nếu chú ý hơn trong lựa chọn thực phẩm, khẩu phần và thời gian sẽ hạn chế được việc tích tụ chất béo trong cơ thể.
Dưới đây là 6 loại thực phẩm dễ viêm nhiễm, gây béo bụng mà bạn nên loại bỏ khỏi chế độ ăn uống của mình càng sớm càng tốt.
1. Bánh ngọt
Các loại bánh ngọt được chế biến sẵn trên thị trường thường chứa nhiều đường dư thừa và có lượng calo cao.
Theo BS. Phan Thị Hồng Diệu - Trường Đại học Y Hà Nội, các thực phẩm chứa nhiều đường đều ảnh hưởng không tốt tới sức khỏe, làm tăng nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường, tăng huyết áp, béo phì, suy giảm chức năng miễn dịch.
Bánh nướng xốp, bánh sừng bò và bánh quy bơ cũng là nguồn cung cấp chất béo chuyển hóa, một chất dinh dưỡng gây viêm khác khiến bạn béo bụng. Phần lớn chất béo chuyển hóa trong nguồn cung cấp thực phẩm của chúng ta là do con người tạo ra. Những chất béo này thường được sử dụng như một chất thay thế ổn định rẻ hơn cho bơ và đã được chứng minh là làm tăng chứng viêm và bệnh tim mạch.
Nếu bạn thèm ăn bánh ngọt, hãy thử làm bánh ở nhà với chất béo chất lượng tốt hơn, chẳng hạn như dầu oliu và hạn chế tiêu thụ các món đồ ngọt chế biến sẵn trên thị trường.
2. Ăn nhiều bánh mì trắng khó giảm cân
Nhiều loại carbs tinh chế, bao gồm bánh mì trắng, ngũ cốc, bánh quy giòn và các món ăn nhẹ phổ biến khác thường có ít chất xơ.
Bánh mì trắng là một món ăn quen thuộc trong nhiều gia đình nhưng là một loại thực phẩm không giàu dinh dưỡng, chất xơ thấp do tinh chế quá kỹ thậm chí một số loại bánh mì thường chứa một lượng nhỏ đường bổ sung. Thực tế, lượng chất xơ tiêu thụ nhiều hay ít có liên quan đến việc giảm cân.
3. Ngũ cốc ăn sáng
Ngũ cốc ăn sáng khá phổ biến nhưng lại có trong danh sách các loại thực phẩm gây viêm có thể gây béo bụng.
Được biết đến với công dụng làm bữa sáng dễ dàng hoặc bữa ăn nhẹ nhanh khi di chuyển, một số loại ngũ cốc không giúp ích gì cho vòng eo của bạn đặc biệt là những loại ngũ cốc chứa nhiều đường. Đường không chỉ có thể dẫn đến viêm nhiễm và béo bụng mà còn có thể phá vỡ hệ vi sinh vật đường ruột. Nghiên cứu cho thấy sự mất cân bằng trong vi khuẩn đường ruột có thể làm tăng nguy cơ béo phì, bệnh tim và rối loạn chuyển hóa, đồng thời thúc đẩy tăng cân.
BS. Phan Thị Hồng Diệu cho biết, lượng đường tăng cao trong máu có thể gây hại cho chức năng của hàng rào ruột và làm mất cân bằng hệ vi khuẩn đường ruột. Điều này có thể làm thay đổi phản ứng miễn dịch và làm tăng nguy cơ nhiễm trùng.
4. Nước ngọt có gas
Trong 1 chai nước ngọt có gas chứa một lượng đường lớn.
Một lon nước ngọt thông thường chứa khoảng 40g đường bổ sung, một lượng vượt quá khuyến nghị hàng ngày của Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ. Nghiên cứu cho thấy rằng ăn quá nhiều đường có thể làm tăng tình trạng viêm nhiễm trong cơ thể, dẫn đến tình trạng kháng insulin và dẫn tới tăng cân.
Nước ngọt có gas đóng góp lượng calo rỗng dẫn đến tăng cân và làm gan quá tải, khuyến khích lượng calo dư thừa này chuyển hóa thành chất béo. Các loại đồ uống có đường như soda, nước trái cây, nước tăng lực, cà phê và trà ngọt cũng có thể là thủ phạm gây béo bụng.
ThS.BS. Trần Thị Minh Nguyệt - Viện Dinh dưỡng Quốc gia cho biết: Trong 1 chai nước ngọt có gas chứa một lượng đường lớn, tương đương tới 22 gói nhỏ đường dùng để pha cà phê. Với khối lượng đường đó bạn có thể sử dụng trong 22 cốc cà phê và tiêu thụ trong ít nhất 10 ngày. Khi lượng đường quá lớn đi vào cơ thể khiến hàm lượng insulin trong cơ thể "tăng vọt" để kịp thời phản ứng với lượng đường lớn này. Đồng thời gan cũng nhanh chóng biến đường thành chất béo. Đây là lý do thường xuyên uống nước ngọt có gas sẽ khiến bạn bị tăng cân, béo phì.
5. Bỏng ngô thêm muối và bơ
Bỏng ngô có thể là một món ăn nhẹ bổ dưỡng nếu không thêm muối và bơ.
Bỏng ngô thêm muối và bơ là một trong những thực phẩm gây viêm nhiễm tồi tệ nhất có thể gây béo bụng. Món ăn nhẹ phổ biến này cung cấp chất xơ, nhưng nó thường đi kèm với rất nhiều natri và chất béo chuyển hóa. Chúng ta biết rằng chất béo chuyển hóa có thể dẫn đến chứng viêm và mỡ bụng, nhưng lượng natri dư thừa cũng dẫn đến chứng viêm và tăng mỡ trong cơ thể.
6. Khoai tây chiên
Khoai tây chiên chứa nhiều muối và dầu mỡ không tốt cho sức khỏe.
Loại thực phẩm cuối cùng gây ra mỡ bụng là khoai tây chiên. Đây là một món ăn vặt mặn, giòn hấp dẫn nhưng có thể dẫn đến viêm nhiễm và béo bụng do có hàm lượng natri quá nhiều. Loại muối này dẫn đến viêm nhiễm và tích mỡ, chất béo chuyển hóa thường có trong khoai tây chiên cũng có thể gây ra tình trạng tương tự.
BS. Phan Thị Hồng Diệu thông tin, giảm lượng muối ăn và giảm tiêu thụ thực phẩm nhiều muối có nhiều lợi ích cho sức khỏe và chức năng của hệ miễn dịch. Nên có một chế độ ăn cân bằng, giàu chất xơ và các nguồn chất béo lành mạnh để có hệ miễn dịch khỏe mạnh.
Xem thêm video đang được quan tâm
Ăn nhiều đồ ngọt ảnh hưởng thế nào đến làn da của bạn?