1. Những loại thực phẩm bạn không nên ăn khi đang đói
Theo ThS.BSNT Nguyễn Xuân Tuấn, Giảng viên Đại học Y Dược - Đại học Quốc gia Hà Nội, khi dạ dày bạn đang cồn cào vì cơn đói, bạn không nên ăn đồ ăn chua. Ngoài ra cũng cần lưu ý, có những loại thực phẩm có hàm lượng đường cao nếu như bạn ăn hoặc uống khi đói sẽ cảm thấy khó chịu, thậm chí ăn nhiều lần có thể ảnh hưởng đến sức khỏe. Đó là một số thực phẩm sau:
1.1. Chuối tiêu
Sẽ rất sai lầm nếu vào buổi sáng, sau khi thức dậy bụng đang đói mà bạn ăn một quả chuối tiêu và uống một cốc nước. Khi đó, hàm lượng magie trong máu sẽ tăng lên, phá hủy sự cân bằng của canxi và magie trong máu, gây ức chế các hoạt động của hệ thống tim mạch.
Chuối tiêu cũng là thực phẩm không tốt cho những người đau dạ dày, nếu ăn khi quá no hoặc đói đều có thể gây đầy bụng, khó chịu.
1.2. Tỏi
Tỏi là thực phẩm có nhiều công dụng, vừa làm gia vị, vừa có thể làm thuốc. Tuy nhiên nếu bạn ăn tỏi khi đói có thể gây kích thích niêm mạc dạ dày, ruột và gây khó chịu đường tiêu hóa.
1.3. Cà chua
Cà chua chứa nhiều pectin và nhựa phenolic, axit cũng như một số thành phần dễ bị hòa tan. Nếu ăn khi đói, các chất này có thể phản ứng với axit trong dạ dày và kết tủa, tạo ra những khối cứng khó tan, dễ gây chướng bụng hay đau bụng.
1.4. Khoai lang
Trong khoai lang chứa rất nhiều đường, khi đói ăn khoai lang dễ gây kích thích dạ dày tiết ra nhiều dịch vị hơn, gây chứng ợ chua. Vì vậy, những người đang bị viêm hay đau dạ dày không nên ăn nhiều khoai lang, đặc biệt là khi đói để tránh triệu chứng trầm trọng hơn.
1.5. Nước chè đặc
Khi bụng bạn đang cồn cào vì đói mà uống nước chè đặc sẽ gây nên cảm giác nôn nao, khiến nhiều người cảm thấy hồi hộp, tim đập nhanh, hoa mắt chóng mặt, chân tay bủn rủn… Biểu hiện này cũng giống như bạn bị say cà phê.
1.6. Rượu
Nếu uống rượu khi đói, đặc biệt là rượu mạnh thì sẽ dễ bị ngộ độc cồn cấp tính gây nôn, đau dạ dày, choáng váng. Nếu bị ngộ độc cồn công nghiệp thậm chí còn dẫn đến hôn mê, tử vong.
2. Nên ăn gì khi đói?
Theo các chuyên gia dinh dưỡng, cơ thể chúng ta cần có thức ăn để cung cấp năng lượng. Để cơ thể hoạt động tốt, chúng ta cần đảm bảo số lượng bữa ăn hằng ngày. Các bữa ăn cần đảm bảo đầy đủ, cân đối, đa dạng các nhóm thực phẩm như:
Tinh bột (chủ yếu từ các loại ngũ cốc); Chất đạm (thịt, cá, trứng, sữa, các loại đậu, đỗ...); Chất béo (mỡ động vật, dầu thực vật); Vitamin và khoáng chất (các loại rau, củ, quả tươi...)
Đói và thiếu các chất dinh dưỡng quan trọng là nguyên nhân khiến chúng ta luôn cảm thấy thèm ăn. Do vậy, ăn đủ chất và ăn đúng bữa sẽ giúp cơ thể bạn nhận được các chất dinh dưỡng cần thiết và sẽ không cảm thấy đói ngay sau khi ăn.
Tuy nhiên, không phải tất cả các loại thực phẩm đều khiến chúng ta no giống nhau. Nếu bạn ăn một bữa ăn giàu carbonhydrate, thức ăn nhanh, thực phẩm chứa nhiều đường, chúng được hấp thụ nhanh chóng vào cơ thể và làm tăng đường trong máu. Bạn có thể thấy mình rất nhanh đói trở lại.
Vì vậy, việc lựa chọn thực phẩm lành mạnh, cân đối, giúp bạn cảm thấy no lâu hơn là điều cần thiết. Những loại có thể kiềm chế cơn đói tốt nhất là những thực phẩm giàu protein như thịt, cá, hoặc các sản phẩm từ sữa hoặc thực phẩm giàu chất xơ như trái cây, rau, ngũ cốc nguyên hạt và đậu.
Các loại hạt chứa chất béo lành mạnh, không chỉ tốt cho hệ tim mạch và còn giúp bạn cảm thấy no sau khi ăn.
Nếu bạn đang đói nhưng có mục tiêu giảm cân, hãy chọn các bữa ăn chính và đồ ăn nhẹ ít calo nhưng đầy đủ chất dinh dưỡng. Thực phẩm giàu chất xơ (như hầu hết các loại trái cây và rau quả) và protein nạc (thịt nạc, ức gà, cá ngừ…) là những lựa chọn phù hợp.
Xem thêm video đang được quan tâm
Cực nguy hiểm nếu cho trẻ ăn mặn