Hà Nội

6 liệu pháp giảm ho tại nhà

SKĐS - Ho do cảm cúm, đau họng mặc dù không nguy hiểm nhưng có thể khiến cơ thể mệt mỏi, làm việc kém hiệu quả và nhiều hệ lụy khác. Cùng với việc điều trị bằng thuốc, bạn có thể áp dụng một số biện pháp giảm ho tại nhà.

1. Sử dụng mật ong giảm ho

Mật ong là một phương thuốc lâu đời cho chứng đau họng. Theo một nghiên cứu được thực hiện tại Mỹ, mật ong có thể làm dịu cơn ho hiệu quả hơn các loại thuốc không kê đơn có chứa dextromethorphan (DM), một loại thuốc giảm ho.

Cách dùng: Trộn tối đa 2 thìa cà phê mật ong với trà thảo mộc hoặc nước ấm và chanh.

Mật ong làm dịu vết thương, trong khi nước cốt chanh có thể giúp giảm tắc nghẽn.

Lưu ý: Không dùng mật ong cho trẻ dưới một tuổi.

2. Uống nước dứa

Trong quả dứa chứa hỗn hợp enzym có tên gọi bromelain có tác dụng giảm sưng, giảm viêm, thư giãn, kích thích co thắt cơ. Có một số bằng chứng cho thấy rằng bromelain, có thể giúp giảm ho cũng như làm lỏng chất nhầy trong cổ họng.

Cách dùng: Để phát huy tối đa lợi ích của dứa và bromelain, hãy ăn một lát dứa hoặc uống khoảng 100ml nước dứa tươi ba lần một ngày.

Lưu ý: Trẻ em hoặc người lớn dùng thuốc chống đông máu không nên bổ sung bromelain. Ngoài ra, nếu bạn đang dùng thuốc kháng sinh, chẳng hạn như amoxicillin, hãy cẩn thận khi sử dụng bromelain vì nó có thể làm tăng sự hấp thu của thuốc kháng sinh.

photo-1660796420472

Nước dứa chứa hợp chất enzym giúp giảm ho, tiêu đờm.

3. Trà bạc hà

Lá bạc hà chứa menthol, chất có hoạt tính gây tê cục bộ nhẹ, tác dụng trên niêm mạc mũi, cổ họng để làm giảm kích ứng gây ho và giúp thở dễ dàng hơn.

Cách dùng: Bạn có thể pha trà bạc hà để uống trong ngày hoặc hít hơi bạc hà từ liệu pháp xông hơi. Để xông hơi trị liệu, hãy thêm 7 hoặc 8 giọt tinh dầu bạc hà vào một cốc nước vừa đun sôi. Trùm khăn lên đầu và hít thở sâu ngay trên mặt nước.

4. Dùng rễ thục quỳ

Lá và rễ của cây thục quỳ đã được sử dụng từ thời cổ đại để điều trị viêm họng và giảm ho. Một nghiên cứu năm 2020, được thực hiện trong một phòng thí nghiệm tại Mỹ, phát hiện ra rằng cây thục quỳ giảm ho do có tác dụng làm dịu các mô bị kích thích của cổ họng và xoang. Điều này có thể là do đặc tính chống viêm và chống oxy hóa của cây. Rễ thục quỳ cũng chứa chất nhầy, giúp bao phủ cổ họng và làm dịu kích ứng.

Cách dùng: Dưới dạng trà hoặc ở dạng viên nang. Trà ấm có thể làm dịu cơn ho kèm theo đau họng.

Lưu ý: Mặc dù loại thảo mộc này thường được coi là an toàn, nhưng cả rễ và lá cây thục quỳ đều không được khuyến khích dùng cho trẻ em.

photo-1660796426774

Trà rễ thục quỳ giúp giảm ho nhưng không nên dùng cho trẻ em.

5. Trà gừng

Nếu bạn bị ho, trà gừng cũng là một lựa chọn tốt. Trà nóng có thể làm giảm kích ứng, giảm khô và làm loãng chất nhầy trong cổ họng.

Cách thực hiện: Để pha trà, cắt một lát gừng dài khoảng 3cm từ củ gừng tươi. Cho vào 1 cốc nước rồi đun sôi trong 10 đến 15 phút, tùy thuộc vào mức độ đậm đặc của trà bạn muốn. Tiện lợi hơn, bạn có thể dùng túi trà gừng bán sẵn.

6. Một số biện pháp khác

Uống nhiều nước, nhất là nước ấm, trà ấm là biện pháp hiệu quả giúp giảm ho.

Bên cạnh đó, không nên tiếp xúc gần với người bị cúm, rửa tay bằng xà phòng thường xuyên, dọn dẹp sạch sẽ mặt bàn, đồ chơi, điện thoại di động, che miệng khi ho, hắt hơi...

Nếu ho kéo dài do các nguyên nhân bệnh lý thì cần đi khám để có biện pháp chữa trị tốt nhất.

Mời bạn xem tiếp video:

Ca Covid-19 tăng nhanh, hàng loạt biến thể phụ mới đã xuất hiện tại Việt Nam/ SKĐS



Lê Thu Lương
Theo healthline
Ý kiến của bạn