6 hậu quả nhãn tiền của lối sống ít vận động

08-03-2022 19:32 | Y học 360

SKĐS - Theo Tổ chức Y tế thế giới, thiếu vận động thể lực là một trong bốn yếu tố nguy cơ hàng đầu gây tử vong trên toàn cầu. Một số nghiên cứu đã phát hiện ra rằng lười vận động làm tăng nguy cơ phát triển các dạng nghiêm trọng của COVID-19.

Các chuyên gia nhấn mạnh, vận động thể lực đầy đủ sẽ giảm 30% nguy cơ tử vong do mọi nguyên nhân; giảm từ 20-40% nguy cơ mắc các bệnh tim mạch, đái tháo đường, ung thư đại trực tràng và ung thư vú ở phụ nữ; giảm nguy cơ mắc trầm cảm, phòng ngừa bệnh loãng xương, cải thiện trí nhớ và giúp kiểm soát cân nặng.

1. Lười vận động làm gia tăng nguy cơ trở nặng COVID-19

Tuổi già, béo phì, đái tháo đường, tăng huyết áp hay rối loạn hô hấp mạn tính đã được biết đến là những yếu tố nguy cơ phát triển COVID-19 nặng. Thế nhưng nghiên cứu của các nhà khoa học Anh và Mỹ còn phát hiện, lười vận động cũng làm tăng nguy cơ này.

Các nhà nghiên cứu đã phân tích dữ liệu y tế của 48.440 bệnh nhân nhiễm virus từ tháng 1 năm 2020 đến tháng 10 năm 2020, phát hiện ra rằng những bệnh nhân dương tính với COVID-19 và "thường xuyên không vận động" trong những năm trước đại dịch, có nguy cơ nằm viện, nhập viện cần chăm sóc đặc biệt, thậm chí tử vong cao hơn so với những bệnh nhân có thói quen thường xuyên tập một môn thể thao nào đó.

Hậu quả nghiêm trọng của lối sống ít vận động - Ảnh 1.

Lười vận động thể thao đang trở nên phổ biến.

Ít vận động còn là mối nguy về lâu dài cho sức khỏe. Nhiều căn bệnh dễ nhận thấy từ đó như: béo phì, bệnh lý về thần kinh, bệnh về mắt, hiện tượng trầm cảm và tự kỷ…

2. Lười vận động đến từ những thói quen hàng ngày

Ngồi quá nhiều: Đây được xem là 1 nguyên nhân khiến chúng ta bị lười vận động. Ngồi quá lâu 1 chỗ cũng sẽ kéo theo những căn bệnh tiềm tàng khiến sức khỏe của bạn đi xuống.

Phụ thuộc vào công nghệ số: Nhịp sống của thời đại 4.0 cũng ảnh hưởng đến thói quen sinh hoạt hàng ngày. Thay vì đi đến phòng tập hoặc chạy bộ thì phần lớn đều chọn ở trong một không gian khép kín và gắn bó với các thiết bị điện tử. Nhiều người cho rằng giải trí bằng các thiết bị điện tử khiến họ cảm thấy thoải mái hơn việc phải ra khỏi nhà vận động cơ thể. Trẻ nhỏ được tiếp xúc với các thiết bị công nghệ từ lúc nhỏ dần tạo nên thói quen xấu lười vận động và tránh xa các hoạt động thể chất ngoài trời.

Hậu quả nghiêm trọng của lối sống ít vận động - Ảnh 2.

Phụ thuộc vào công nghệ số là nguyên nhân dẫn đến lười vận động

Chưa quan tâm đến sức khỏe: Độ tuổi 18-30, nhiều người thường có suy nghĩ ỷ lại vào đề kháng tốt, cơ thể dẻo dai nên ít gặp các vấn đề về sức khỏe. Vậy nên việc tập thể dục không được xem trọng. Ngay cả khi cần giữ vóc dáng đẹp, nhiều người vẫn chọn ăn kiêng thay vì rèn luyện thể chất.

Đặc biệt, việc lười vận động hiện đang là một tình trạng phổ biến đối với những người làm văn phòng.

3.Tác hại không ngờ đến của lười vận động

Cơ yếu

Cơ bắp sẽ khỏe nhất khi được rèn luyện một cách thường xuyên. Cơ bắp rất dễ nâng cao sức mạnh và khả năng chịu đựng. Tuy nhiên, khi ngồi cố định trong thời gian dài thì chúng sẽ dễ bị suy yếu. Nếu ngồi quá nhiều và kéo dài thì cơ bắp và các cấu trúc khác của cơ thể sẽ không còn thích ứng được với các động tác như chạy, nhảy, thậm chí là đứng, theo MSN.

Ngủ không ngon

Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa bệnh tật (CDC) Mỹ, nếu đang gặp phải các vấn đề về giấc ngủ, rất có thể do bạn không tập luyện thường xuyên. Việc tập luyện có thể có lợi cho giấc ngủ đối với tất cả mọi người, ngay cả những người bị mất ngủ. Tập luyện giúp ngủ ngon hơn nhờ tác động có lợi cho cơ thể, bởi vì não sẽ bù đắp những căng thẳng về thể chất bằng cách tăng thêm thời gian cho giấc ngủ sâu. Hơn nữa, tập luyện còn kích thích giấc ngủ vì làm tăng thân nhiệt, sau đó giảm xuống gần bằng với số lượng vài giờ đồng hồ sau đó. Sự giảm nhiệt này giúp bạn dễ ngủ và ngủ ngon.

Hậu quả nghiêm trọng của lối sống ít vận động - Ảnh 3.

Lười vận động gây hệ luỵ lâu dài cho sức khoẻ của trẻ

Thiếu sức bền

Nếu không tập thể dục thường xuyên, bạn có thể nhanh chóng thở mệt chỉ sau khi leo cầu thang hay mang vác đồ nặng. Nhưng nếu là người chăm tập luyện thì điều này lại không diễn ra nhanh như vậy.

Tập thể dục thường xuyên làm tăng sức khỏe tim mạch, phổi, giảm tình trạng khó thở ở cả người khỏe mạnh và những người bị bệnh phổi mạn tính. Điều này có nghĩa là cơ thể có thể hấp thụ oxy tốt hơn, ngay cả khi mệt mỏi.

Tăng cân

Lười vận động chính là một yếu tố gây tăng cân hàng đầu hiện nay, thừa cân béo phì là nguyên nhân gây ra các chứng bệnh về huyết áp, đường huyết. Việc lười vận động sẽ khiến lượng mỡ tích tụ ở vùng bụng tăng lên.

Hậu quả nghiêm trọng của lối sống ít vận động - Ảnh 4.

Tập thể dục thường xuyên còn có tác động đến sức khỏe tinh thần của bạn

Dễ chán nản, căng thẳng

Tập thể dục còn có tác động đến sức khỏe tinh thần của bạn. Đối với những người bị trầm cảm được chẩn đoán lâm sàng, tập thể dục có thể làm giảm triệu chứng. Tuy nhiên, ngay cả khi bạn không được chẩn đoán bị bệnh tâm thần thì cũng cần tập thể dục.

Để cải thiện tâm trạng, tốt nhất bạn nên tập thể dục thường xuyên, bất kể tập thể dục có cường độ cao hay cường độ thấp.

Các bệnh về đường huyết

Tác hại của việc lười vận động khiến cho cơ thể của chúng ta thường xuyên căng thẳng, cơ thể mệt mỏi và đây cũng chính là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây ra tình trạng đột quỵ.

Trong bối cảnh dịch bệnh, mọi người vẫn nên duy trì tập luyện bằng cách tập tại nhà. Mỗi ngày hãy dành khoảng 1 giờ để tập luyện. Dù chỉ bằng những động tác đơn giản cũng có ích cho cơ thể, tránh tình trạng trì trệ. Việc tạo thói quen rèn luyện thể chất cũng chính là tác động hữu hiệu nhất để chống lại bệnh tật và phòng dịch hiệu quả.

Xem thêm video đang được quan tâm:

Bắt giữ hàng ngàn bộ kit test, thuốc điều trị Covid-19 nhập lậu.


Khánh Chi (Tổng hợp)
Ý kiến của bạn