Bệnh nhân là anh Phạm Văn N. (33 tuổi) ở xã Kiện Khê, Thanh Liêm (Hà Nam) được đưa vào Bệnh viện Đại học Y Hà Nội trong tình trạng mất máu nhiều: da xanh, niêm mạc nhợt, huyết áp tụt... với vết thương đứt gần rời cổ tay phải, chỉ còn vạt da bên trong cổ tay.
Người nhà cho biết, anh N. bị thương do người khác chém vào cổ tay phải lúc 16h30, sau đó đã được sơ cứu băng cầm máu rồi đưa ngay vào bệnh viện vào 21h30 cùng ngày.
Khi tiếp nhận bệnh nhân, các bác sĩ xác định anh N. bị shock, vết thương đứt gần rời bàn tay phải nên ngay lập tức các bác sĩ đã hồi sức chống shock và mổ cấp cứu để nối lại bàn tay vì đã quá 6 giờ (muộn so với thời gian cho phép), tình thế cấp bách có thể nguy hiểm đến tính mạng.
Bàn tay của anh N sau khi được các bác sĩ ghép nối thành công.
Theo các bác sĩ, việc ghép nối thành công và phục hồi chức năng cho bệnh nhân sẽ gặp nhiều khó khăn hơn so với những trường hợp khác do bàn tay là nơi tập trung các thành phần như: xương khớp, gân gấp, duỗi, động mạch, tĩnh mạch và các dây thần kinh... đòi hỏi sự tỉ mỉ và tinh tế nên thời gian phẫu thuật lâu hơn.
Cũng vì sự phức tạp của việc ghép nối bàn tay nên khi tiến hành phẫu thuật cần có sự phối hợp nhịp nhàng giữa các chuyên khoa. Sau hơn 6 giờ đồng hồ, kíp phẫu thuật đã thực hiện ghép nối thành công.
Sau phẫu thuật, anh N. ngoài việc chăm sóc vết thương tại chỗ còn được tư vấn về chế độ dinh dưỡng cũng như các bài tập phục hồi chức năng. Đến nay, bệnh nhân đã hoàn toàn bình phục, bàn tay được nối có thể làm các công việc gần như bình thường.
Có thể nói, ca phẫu thuật ghép nối thành công bàn tay bị đứt rời một lần nữa khẳng định bước phát triển trong việc phối hợp nhuần nhuyễn các kỹ thuật phẫu thuật vi phẫu, chấn thương chỉnh hình cũng như gây mê hồi sức của Bệnh viện Đại học Y Hà Nội.
TS.BS Nguyễn Roãn Tuất, nguyên Trưởng khoa Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ khuyến cáo. “Bệnh nhân không may gặp phải những sự cố tai nạn, dẫn đến bị đứt rời các bộ phận ở các chi trên cơ thể, cần nhanh chóng được cầm máu, bảo quản chi đứt rời đúng cách (cho chi đứt rời vào túi nilon sạch, buộc lại rồi để trong thùng nước đá) và đưa ngay đến cơ sở y tế có chuyên môn sâu, đủ điều kiện để tiến hành nối ghép càng sớm càng tốt, chậm nhất trong vòng 6 giờ kể từ sau tai nạn".
Khi gặp tai nạn đứt rời chi, cần tiến hành cầm máu vết thương. Đối với các chi nhỏ như ngón tay, chân, bàn tay, cổ tay, có thể băng ép trọng điểm để cầm máu. Các chi lớn như bàn chân, cổ chân, cánh tay, cẳng chân... cần buộc garo cầm máu.
Nếu trong điều kiện khó khăn không có sự hỗ trợ y tế, hãy dùng vải sạch quấn nhiều vòng quanh chi nơi bị đứt. Lưu ý không siết quá chặt phía trên vết đứt rời khoảng 10cm để garo. Trường hợp thời gian vận chuyển người bệnh từ nơi bị nạn đến bệnh viện quá lâu thì nên xả garo cứ 90 phút một lần.
Thực hiện các bước sau để tránh sốc cho nạn nhân:
- Đặt nạn nhân nằm và giữ ấm cơ thể bằng cách đắp chăn lên người.
- Nâng vị trí vết thương lên cao bằng tim để duy trì tuần hoàn và lưu lượng máu tới các cơ quan quan trọng.
Bảo tồn chi bị đứt lìa:
- Nhẹ nhàng rửa chi bằng nước muối hoặc nước sôi để nguội nhằm làm trôi đi các dị vật.
- Bao gói phần chi đứt bằng miếng gạc sạch hoặc vải sạch.
- Đặt chi đã được bao gói vào túi nilon sạch và buộc chặt miệng túi.
- Đặt túi đựng chi vào thùng có chứa nước đá lạnh.
Các thao tác bảo tồn này cần làm nhanh nhưng phải cẩn thận, nhẹ nhàng.
Sau đó, đưa ngay người bị nạn và phần chi được bảo quản đến bệnh viện chuyên khoa chấn thương chỉnh hình trong thời gian nhanh nhất để quá trình phẫu thuật khâu nối có cơ hội thành công.
Các bác sĩ khuyến cáo tuyệt đối không rửa chi đứt lìa bằng xà phòng hoặc bỏ vào chậu nước. Không bỏ trực tiếp chi đứt rời vào thùng nước đá lạnh.