Trong khi thuốc, tập thể dục và thay đổi lối sống giúp kiểm soát bệnh đái tháo đường thì chế độ ăn uống cân bằng lành mạnh đóng vai trò chính trong việc ổn định và duy trì lượng đường trong máu. Một số loại gia vị có trong gian bếp mỗi gia đình không chỉ tạo thêm điều kỳ diệu cho bữa ăn bằng cách tăng cường hương vị, mùi thơm và màu sắc của thực phẩm mà còn có tác dụng kỳ diệu đối với sức khỏe tổng thể.
Các polyphenol có trong gia vị giúp chuyển hóa glucose theo những cách khác nhau như giúp hấp thu glucose trong ruột, điều hòa bài tiết insulin, kích thích tuyến tụy sản xuất và giải phóng insulin, kích hoạt thụ thể insulin và điều hòa sản xuất glucose ở gan… Trong trường hợp bệnh đái tháo đường type 2 được kích hoạt bởi stress oxy hóa, thì hoạt động chống oxy hóa của gia vị sẽ có tác dụng hiệp đồng tương tự như tác dụng hạ đường huyết và giúp kiểm soát lượng glucose.
Dưới đây là một số loại gia vị có thể giúp điều chỉnh lượng glucose, người bệnh đái tháo đường nên sử dụng:
1. Gừng tốt cho người bệnh đái tháo đường
Một nghiên cứu công bố trên Tạp chí Y học Bổ sung và Tích hợp cho biết, so với nhóm dùng giả dược, bột gừng giúp cải thiện kiểm soát đường huyết ở người lớn mắc bệnh đái tháo đường type 2 không dùng insulin. Nghiên cứu đăng trên tạp chí Thuốc bổ sung và thay thế dựa trên bằng chứng cũng cho thấy tiềm năng trong kiểm soát lượng đường trong máu của gừng. Về cơ bản, gừng có xu hướng ức chế các enzyme ảnh hưởng đến cách chuyển hóa carbs và độ nhạy insulin nói chung, do đó dẫn đến sự hấp thụ glucose nhiều hơn trong cơ bắp.
Gừng có thể giúp giảm mức A1C và làm giảm mức đường huyết lúc đói ở những người mắc bệnh đái tháo đường type 2. A1C là một xét nghiệm tiểu đường phổ biến đo lượng đường trong máu trung bình trong khoảng thời gian từ hai đến ba tháng.
Gingerol (một hợp chất hoạt tính sinh học) được tìm thấy trong thân rễ của gừng (củ gừng) có nhiều tác dụng sinh lý và dược lý, giúp kiểm soát quá trình chuyển hóa lipid, tăng cường đặc tính chống viêm và điều chỉnh sự giải phóng và phản ứng insulin và do đó có thể giúp kiểm soát lượng đường trong máu cao.
Gừng là thực phẩm có chỉ số đường huyết thấp nên bệnh nhân tiểu đường có thể dễ dàng bổ sung vào chế độ ăn uống hàng ngày và nhận được nhiều lợi ích từ đặc tính tăng cường sức khỏe của gừng.
Bạn có thể thêm gừng không chỉ vào trà mà còn trong nhiều món ăn như súp, rau, nước sốt và cà ri…
2. Tỏi
Trong các nghiên cứu cho thấy, tỏi không chỉ đóng vai trò tích cực trong việc kiểm soát lượng đường trong máu mà còn ngăn ngừa bệnh đái tháo đường type 2.
Dưới đây là cách tỏi có hiệu quả đối với bệnh tiểu đường:
- Tỏi rất giàu kẽm và chất chống oxy hóa tự nhiên làm giảm lượng đường trong máu.
- Chuyển hóa carbohydrate nhanh chóng là nguyên nhân khiến việc tiêu thụ carb trực tiếp dẫn đến lượng đường trong máu tăng mạnh.
- Vitamin B6 điều chỉnh quá trình chuyển hóa carbohydrate và tỏi rất giàu B6 nên tác dụng điều chỉnh này đối với quá trình chuyển hóa carbohydrate có thể thấy rõ khi tiêu thụ tỏi ở những bệnh nhân mắc đường.
- Axit amin homocysteine là một yếu tố nguy cơ được biết đến đối với bệnh tiểu đường. Tiêu thụ tỏi làm giảm hợp chất này trong cơ thể.
- Allicin và các hợp chất khác có trong tỏi làm tăng mức độ insulin trong máu...
Cách tốt nhất để tiêu thụ tỏi: Chế biến trong các món ăn như cà ri, súp, nước sốt hoặc ngâm rượu tỏi, mật ong tỏi…
Tuy nhiên, việc tiêu thụ quá nhiều tỏi đôi khi có thể gây đầy hơi, ợ nóng, buồn nôn hoặc nôn. Những tác động này mạnh mẽ hơn trong trường hợp ăn tỏi sống. Tác dụng phụ phổ biến nhất của việc tiêu thụ tỏi là hôi miệng và mùi cơ thể. Allicin, chất chịu trách nhiệm cho các tác dụng có lợi của tỏi, là một hợp chất lưu huỳnh mang lại cho tỏi mùi vị và mùi hăng đặc biệt.
Để tránh những ảnh hưởng xấu này: Tránh tiêu thụ tỏi sống vì cả hơi thở và mùi cơ thể đều tăng lên khi tiêu thụ tỏi sống. Uống sữa với bất kỳ bữa ăn nào có tỏi sẽ làm giảm mùi hôi miệng và mùi cơ thể.
3. Quế
Kết quả từ một nghiên cứu lâm sàng được công bố trên tạp chí Chăm sóc bệnh tiểu đường cho thấy, vỏ quế cải thiện lượng đường huyết và cholesterol ở những người mắc bệnh đái tháo đường type 2 và có thể làm giảm các yếu tố nguy cơ lên quan đến bệnh đái tháo đường và tim mạch.
Lượng tiêu thụ hàng ngày từ 1,3 - 6 gam đã được chứng minh là làm giảm lượng đường trong huyết thanh, chất béo trung tính, LDL hoặc cholesterol xấu và cholesterol toàn phần, sau 40 ngày ở nhóm bệnh nhân tiểu đường (độ tuổi trung niên).
Ngoài việc điều chỉnh lượng đường trong máu và giảm cholesterol, quế còn được chứng minh là:
- Có tác dụng chống đông máu
- Giảm đau ở người bị viêm khớp
- Tăng cường hệ thống miễn dịch của cơ thể
- Ngăn chặn nhiễm trùng nấm men kháng thuốc
- Hỗ trợ giảm chứng khó tiêu
- Là nguồn cung cấp các chất dinh dưỡng quan trọng, bao gồm canxi, chất xơ, managan và sắt...
4. Đinh hương
Một nghiên cứu được công bố trên Tạp chí Y học Tự nhiên đã kiểm tra tác dụng hạ đường huyết của đinh hương đối với chuột mắc bệnh tiểu đường di truyền và phát hiện ra rằng, chiết xuất này giúp tăng tiết insulin và cải thiện chức năng của các tế bào sản xuất insulin (Insulin là một loại hormone giúp kiểm soát lượng đường trong máu. Ở những bệnh nhân tiểu đường, hormone insulin thường bị suy giảm). Cơ chế phản ứng insulin và glucose sau bữa ăn được cải thiện đáng kể khi tiêu thụ dầu đinh hương.
Có thể dùng đinh hương dưới dạng trà bằng cách:
- Lấy một thìa cà phê đinh hương cho vào cối và chày rồi xay thô.
- Cho bột này vào một cốc nước và đun sôi trong 8-10 phút.
- Khi nước bắt đầu sôi, thêm nửa thìa cà phê bột trà và để hỗn hợp này ngấm thêm vài phút.
- Lọc chất lỏng, để nguội bớt rồi uống.
5. Hạt cỏ cà ri
Hạt cỏ cà ri (trigonella foenum graecum) có nhiều chất xơ hòa tan, giúp giảm lượng đường trong máu bằng cách làm chậm quá trình tiêu hóa và hấp thu carbohydrate và tăng cường độ nhạy insulin.
Ngoài ra, cỏ cà ri là một thực phẩm bổ sung tốt cho chế độ ăn uống của bệnh nhân tiểu đường vì nó có chứa các chất hóa học như galactomannan và trigonelline, giúp giảm tình trạng kháng insulin và tăng khả năng dung nạp glucose.
Trong một số thử nghiệm lâm sàng cho thấy, hạt cỏ cà ri có thể cải thiện hầu hết các triệu chứng trao đổi chất liên quan đến cả bệnh tiểu đường loại 1 và loại 2 ở người bằng cách hạ thấp mức đường huyết và cải thiện khả năng dung nạp glucose.
Tuy nhiên, trước khi sử dụng cỏ cà ri người bệnh đáia tháo đương hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để đảm bảo bổ sung an toàn. Cũng như các loại thảo dược làm giảm lượng đường trong máu khác, cỏ cà ri có nguy cơ khiến lượng đường trong máu của bạn xuống quá thấp (hạ đường huyết) khi dùng cùng với các loại thuốc trị tiểu đường được kê đơn. Do đó, liều thuốc chống tiểu đường của bạn có thể cần phải thay đổi.
6. Nghệ
Bằng cách tăng cường độ nhạy insulin, giảm lượng đường trong máu và giảm viêm liên quan đến bệnh tiểu đường, nghệ là một loại gia vị mà người bệnh nên thêm vào chế độ ăn uống.
Curcumin, thành phần hoạt động trong nghệ giúp cải thiện chức năng tuyến tụy và giúp kiểm soát quá trình chuyển hóa glucose. Nghệ là một chất bổ sung hữu ích làm giảm nguy cơ liên quan đến bệnh tiểu đường bằng cách bảo vệ các cơ quan quan trọng khỏi stress oxy hóa.
Lưu ý: Trước khi thêm các loại gia vị này vào chế độ ăn uống, người bệnh đái tháo đường nên tham khảo ý kiễn của bác sĩ để dùng sao cho an toàn và hiệu quả. Vì tiêu thụ thuốc và các gia vị cùng lúc có thể làm giảm đáng kể lượng đường trong máu và dùng quá nhiều đều có thể gây hại.
Mời độc giả xem thêm video:
Những loại rau nào thải độc, Giúp gan khỏe mạnh? | SKĐS