Thời gian qua, các nhà khoa học đã không ngừng nỗ lực nghiên cứu tìm kiếm các phương pháp điều trị ung thư, căn bệnh làm cho người mắc luôn bàng hoàng và lo sợ. Dưới đây là 6 đột phá nổi bật trong cuộc chiến này góp phần làm tăng tuổi thọ cho người bệnh.
1. Xét nghiệm máu biết trước ung thư phát triển
Một trong những đột phá thú vị được công bố trong tuần đầu tháng 5/2017, các nhà khoa học đang phát triển thành công phương pháp xét nghiệm máu, có thể chẩn đoán bất kỳ loại ung thư nào một thập kỷ trước khi xuất hiện triệu chứng. Đây là xét nghiệm, kiểm tra DNA do các khối u gây ra, bắt đầu tuần hoàn trong máu trước khi có triệu chứng.
Xét nghiệm được thử nghiệm trên 161 bệnh nhân được chẩn đoán mắc ung thư vú, phổi hoặc tuyến tiền liệt, kết quả được công bố tại Hội nghị thường niên Hiệp hội Ung thư học Mỹ (ASCO) tổ chức tại Chicago đầu tháng 6/2017, với độ chính xác đạt trên 90%. Nghiên cứu này được tỷ phú Bill Gates tài trợ, dự kiến sẽ được áp dụng đại trà trong vòng 2 năm nữa. Hiện tại, chi phí xét nghiệm tốn khoảng 1.500 bảng Anh (khoảng 45 triệu đồng), tương lai sẽ giảm để phù hợp với túi tiền của nhiều người (ảnh1).
Những đột phá trong cuộc chiến chống ung thư góp phần làm tăng tuổi thọ cho người bệnh.
2. Kéo dài sự sống nhờ thuốc statin
Statin, thuốc được sử dụng rộng rãi để hạ cholesterol cũng có thể làm giảm nguy cơ tử vong do ung thư vú, ruột, tuyến tiền liệt, buồng trứng và ung thư xương. Đây là phát hiện mới rút ra từ một nghiên cứu dài kỳ ở khoảng 200.000 phụ nữ bị ung thư vú dùng 3 viên/ngày. Kết quả làm tăng tỷ lệ sống lên 40% nhờ cơ chế ngăn chặn phát triển của khối u. Điều này có thể dẫn đến việc dùng thuốc statin thường xuyên cùng với giải pháp phẫu thuật và các loại thuốc thông thường khác, như hóa trị liệu chẳng hạn.
Một nghiên cứu khác của Trung tâm Ung thư Bắc Kinh, Trung Quốc cũng phát hiện thấy, trung bình những phụ nữ dùng bất kỳ loại thuốc statin nào thì nguy cơ tử vong giảm tới trên 27% trong vòng 4 năm so với những người chưa bao giờ dùng statin. Còn tại Anh, các bệnh nhân dùng statin như simvastatin và atorvastatin, thì tỷ lệ tử vong giảm tới 43%. Một nghiên cứu riêng tại Mỹ ở 22.110 đàn ông bị ung thư tuyến tiền liệt năm 2015, thì những người đã từng dùng statin giảm được tới 42% nguy cơ tử vong. Các nhà khoa học tin rằng, statin có tác dụng ngăn các tế bào ung thư phát triển và phân chia, đồng thời tăng cường hệ miễn dịch, giúp cơ thể chống lại bệnh tốt hơn.
3. Tiến bộ về điều trị các khối u đầu cổ
Một loại thuốc trị liệu miễn dịch được xem là “viên đạn thần” trong điều trị bệnh ung thư đầu và cổ tái phát, căn bệnh rất khó chữa trị. Đó là thuốc nivolumab, hiện đang được thử nghiệm lâm sàng giai đoạn III. Khi so sánh với điều trị chuẩn ở nhóm bị ung thư cổ mà hóa trị liệu đã có tác dụng cho thấy nivolumab mang lại nhiều triển vọng, ít tác dụng phụ. Cụ thể, sau 1 năm, 36% bệnh nhân dùng nivolumab vẫn còn sống so với 17% những người được điều trị bằng hóa trị liệu trong khuôn khổ nghiên cứu 361 người. Nivolumab hoạt hóa bằng cách kích thích hệ thống miễn dịch nhằm chống lại tế bào ung thư (ảnh 2).
4. Xạ trị siêu chính xác
Nhờ tiến bộ khoa học, công nghệ, con người đã cho ra đời một loại máy xạ trị hiện đại, làm thay đổi căn bản lĩnh vực chăm sóc cho bệnh nhân ung thư. Đó là dòng máy MR Linac, có thể tạo ra cả hình ảnh MRI và cung cấp tia X cũng như xạ trị cùng một lúc, cho phép điều trị bằng xạ trị chính xác và hiệu quả. Điều này có nghĩa, bệnh nhân ung thư có thể tiếp cận với liệu pháp xạ trị các khối u di chuyển trong quá trình điều trị. Dòng máy này cũng khả thi khi điều trị ung thư phổi, cổ tử cung, tuyến tiền liệt, ruột và bàng quang.
Xạ trị chính xác còn làm tăng hiệu quả và giảm tác dụng phụ đối với các mô khỏe mạnh kề cạnh. Hiện, Viện Nghiên cứu ung thư, Bệnh viện Royal Marsden ở London là nơi đầu tiên tại Anh dùng loại máy này, bệnh nhân đầu tiên điều trị bằng máy MR Linac sẽ được bắt đầu vào cuối năm nay sau khi các thử nghiệm lâm sàng kết thúc (ảnh 3).
5. Đột phá trong điều trị ung thư tuyến tiền liệt
Một phương án mới điều trị ung thư tiền liệt tuyến do Đại học Birmingham (BU), Anh thực hiện có thể làm tăng tỷ lệ sống lên gần 40%, đó là liệu pháp bổ sung nội tiết tố abiraterone ngay từ đầu, khi bệnh nhân có ung thư di căn đến vùng chậu hoặc các cơ quan khác, có thể sống sót hơn 3 năm với tỷ lệ trên 37%.
Hiện nay, những bệnh nhân ung thư đã lan rộng ra các mô xung quanh chỉ được điều trị bằng một loại liệu pháp hormon duy nhất. Điều này ngăn chặn hoạt động của testosterone giới tính nam, làm tăng sự phát triển khối u. Nhưng nghiên cứu của BU ở trên 1.900 đàn ông được trình bày tại Hội nghị ASCO cho thấy, abiraterone thực sự mang lại hiệu quả cao.
Giáo sư Nicholas James, người đứng đầu nhóm nghiên cứu về ung thư Anh, coi đây là một trong những điểm nhấn trong điều trị ung thư tuyến tiền liệt, giúp kép dài sự sống cho con người, bởi ung thư tuyến tiền liệt là căn bệnh khá phổ biến đối với đàn ông trung, cao tuổi (ảnh 4).
6. Tiến bộ mới điều trị ung thư vú
Những phụ nữ có cùng một dạng gene gây ung thư vú như nữ diễn viên điện ảnh nổi tiếng người Mỹ Angelina Jolie có thể được lợi từ một loại thuốc mới, giúp ngăn ngừa khối u di căn với hiệu quả đạt trên 40%. Đó là thuốc olaparib, có thể ngăn ngừa các tế bào ung thư cố định hoạt hóa trong DNA, thuốc được dùng cho nhóm phụ nữ bị ung thư mang tính di truyền giai đoạn tiến triển ở gene BRCA bị lỗi. Nghiên cứu do Trung tâm Ung thư Memorial Sloan Kettering ở New York thực hiện cho thấy sau 14 tháng, những phụ nữ dùng olaparib 2 lần/ngày giảm được tới 42% nguy cơ di căn so với hóa trị liệu tiêu chuẩn. Olaparib là một trong những liệu pháp sinh học nhắm trúng đích và tương lai có thể được sử dụng thay cho hóa trị liệu trong điều trị ung thư vú. Ưu việt hơn, thuốc này không độc tính, giống như điều trị bệnh đái tháo đường mạn tính, có nghĩa là không thể chữa khỏi nhưng có thể kiểm soát và kéo dài sự sống.