1. Suy nghĩ máy móc khi mua thuốc phải mua đúng tên biệt dược
Việc định danh một thuốc cụ thể được xác định bằng tên gốc, bằng dạng bào chế và hàm lượng thuốc (luôn ghi kèm với tên biệt dược riêng của từng hãng sản xuất). Do vậy, nếu máy móc với tên biệt dược, có thể sẽ khó khăn khi tìm đúng thuốc theo chỉ định.
Thuốc cùng hoạt chất, cùng dạng bào chế đều cho hiệu quả trị bệnh tương tự nhau. Thuốc của các hãng sản xuất khác nhau, chỉ khác chút ít về sinh khả dụng (đáp ứng sinh học).
2. Dùng thuốc không nhãn mác
Không sử dụng các thuốc trần trụi được cung cấp, không có tem nhãn, không hạn sử dụng hoặc không được ghi đầy đủ các thông tin cần thiết như: Tên thuốc, nồng độ hàm lượng, các lưu ý tối thiểu về dạng thuốc, đường dùng (nếu là các dạng thuốc bào chế đặc biệt như tác dụng kéo dài, thuốc lập trình hướng đích... có cách dùng riêng).
Tránh dùng các thuốc không nhãn mác...
3. Dùng thử thuốc nếu có tác dụng mới mua tiếp
Cần bỏ ngay quan niệm và thói quen dùng thuốc thử 1, 2 liều (hoặc 1-2 ngày), nếu thấy đỡ mới mua thuốc dùng tiếp, trong khi bản thân người bệnh chỉ có thể nhận biết cảm quan về triệu chứng, không đánh giá được tình trạng thực của bệnh.
Nếu không có chuyên môn phù hợp không nên tự chỉ định thuốc, càng không nên phối hợp nhiều thuốc. Đừng liều mình "thử nghiệm dùng tạm" thuốc, nhất là với các bệnh tim mạch, các bệnh có nguy cơ cao; với các thuốc có độc tính cao, thuốc có cường độ mạnh, thuốc tác dụng tức thời... Không dùng thuốc theo mách bảo của người khác không có chuyên môn.
4. Lạm dụng thuốc
Người bệnh không có điều kiện tìm hiểu đầy đủ về bệnh và thuốc của mình thường có yêu cầu:
- Phải được dùng hay mua thuốc nào có tác dụng càng nhanh, càng mạnh càng tốt, điều đó là tất yếu. Song xin đừng coi tất cả thuốc có hiệu lực cao, cường độ tác dụng mạnh, đắt tiền đều là thuốc tốt.
Thực ra tốt nhất không phải vậy mà thuốc tốt và hiệu quả nhất phải là thuốc được chỉ định đúng, đủ, phối hợp hợp lý, sử dụng đúng thời điểm kịp thời, phù hợp với túi tiền của người bệnh.
- Đừng quan niệm cứ lâm bệnh dù nhẹ cũng yêu cầu dùng "kháng sinh liều cao", "kháng sinh tổng hợp".
Nhiều người hiểu sai rằng:
+ Kháng sinh mới, có hiệu lực mạnh thì gọi là kháng sinh liều cao. Điều này không đúng. Cách gọi 'liều cao' trong chuyên môn để áp dụng khi dùng liều lượng cao hơn liều trung bình hoặc liều tối đa (tuỳ loại). Hãy nên dùng từ ban đầu, khi bệnh nhẹ những kháng sinh phổ thông nhất, để luôn có một dự phòng dành các kháng sinh điều trị hiệu quả khi mắc bệnh nặng, bệnh hiểm nghèo.
+ Kháng sinh tác dụng với nhiều loại bệnh (đồng nghĩa tác dụng với nhiều loại kháng nguyên, nhiều loại vi khuẩn) thì gọi là kháng sinh tổng hợp. Điều này cũng không đúng. Trong khoa học chuyên môn gọi đây là 'kháng sinh hoạt phổ rộng'.
Kháng sinh tự nhiên, bán tổng hợp hay tổng hợp là các nhóm kháng sinh được phân loại theo phương thức và qui trình sản xuất từ sản phẩm tự nhiên (vi sinh vật) hay tổng hợp hoá dược. Để điều trị bệnh, nếu xác định rõ tác nhân thì tốt nhất nên dùng các kháng sinh phổ hẹp cho tác dụng chọn lọc là tốt nhất.
Do đó, khi chưa hiểu đầy đủ về thuốc thì tốt nhất không nên lạm dụng, yêu cầu dùng ngay và dùng nhiều các thuốc có tác dụng tăng đề kháng ngoại sinh (các corticoid, các thuốc hỗ trợ ức chế miễn dịch...). Bên cạnh đó, cũng đừng lạm dụng dùng kèm các thuốc "chống viêm" dạng men (alphachymotrypsin...) hoặc các thuốc hỗ trợ (kể cả thuốc và thực phẩm chức năng) sai cách ở mọi bệnh, mọi lúc.
5. Tái sử dụng đơn thuốc cũ hoặc đơn của người khác
Đây là một sai lầm mà nhiều người bệnh từng mắc phải khi không hiểu đủ về hiệu lực áp dụng của đơn chỉ có tính thời điểm. Hiệu quả điều trị tốt, xấu chỉ trong thời gian nhất định sau khám và kê đơn. Thông tư số 52/2017/TT-BYT của Bộ Y tế qui định đơn thuốc có giá trị mua, lĩnh thuốc trong thời hạn tối đa 05 ngày, kể từ ngày kê đơn thuốc (tại điều 11).
Không nên dùng thuốc theo đơn cũ của chính mình (đã được kê) trong quá khứ, đơn trị bệnh của người khác có triệu chứng tương tự hay đã được chẩn đoán cùng một bệnh. Nhiều trường hợp tìm kiếm các thuốc theo đơn cũ lại chỉ là những thuốc phụ trợ thứ yếu, trong khi các thuốc chính không hay biết bị bỏ qua.
Dùng chưa đúng, chưa đầy đủ liệu trình, bệnh khó khỏi... trong khi dùng sai thuốc sẽ không khỏi bệnh mà còn có thể gây tai biến.
Không nên máy móc dùng mãi một loại thuốc cho một bệnh, dùng quá lâu không đúng cách sẽ nhờn thuốc, lệ thuộc thuốc hay bị kháng thuốc. Cần bỏ ngay quan niệm 'đã dùng quen thuốc nay hay thuốc kia', đó là một sai lầm rất bất lợi.
Nhiều thuốc cần giới hạn liều dùng, đợt dùng và yêu cầu kiểm tra các chỉ số sinh hoá, chức năng sống liên quan, nếu dùng thời gian dài. Với các tình huống đó nếu không được chỉ dẫn, dùng sai cách có thể gây tác dụng phụ không mong muốn và không loại trừ gây thêm bệnh mới do thuốc, thậm chí gây suy một số cơ quan nội tạng (tim, gan, thận, thượng thận...).
6. Không tuân thủ đúng chỉ định của bác sĩ khám, kê đơn
Việc không tuân thủ đúng các chỉ định của bác sĩ là một trong những sai lầm dễ gặp làm hạn chế khả năng điều trị khỏi bệnh hoặc gây ra những hậu quả xấu như tự ý dùng thuốc đã phân tích trên.
Việc dùng thuốc không có giám sát thường xảy ra:
- Tự ý giảm hay bỏ thuốc đã chỉ định, dùng không đúng liều, không đủ liều, hoặc tự ý tăng, giảm liều...
- Không chú ý chỉ dẫn trong đơn, trong toa thuốc dẫn đến dùng sai cách, dùng sai thời điểm (đặc biệt là các dạng thuốc bào chế chuyên biệt như tác dụng kéo dài và phóng thích đặc biệt)…
Mời độc giả xem thêm video:
Làm gì để giảm huyết áp?