Điều trị bệnh đái tháo đường là một quá trình lâu dài cần có sự kết hợp của nhiều yếu tố: Dinh dưỡng, luyện tập và tuân thủ hướng dẫn điều trị của bác sĩ chuyên khoa. Tùy từng trường hợp cụ thể bác sĩ sẽ cân nhắc chỉ định việc dùng thuốc điều trị đái tháo đường.
Bác sĩ sẽ căn cứ dựa trên chỉ số đường huyết HbA1c cùng nguy cơ biến chứng ở từng bệnh nhân để kê đơn thuốc phù hợp. Vì vậy, khi được kê đơn, người bệnh cần uống thuốc theo hướng dẫn, tuân thủ liều lượng và thời gian sử dụng. Dưới đây là 6 điều bệnh nhân cần biết trong quá trình sử dụng thuốc.
1. Thuốc điều trị đái tháo đường ngăn ngừa bệnh tiến triển?
Người mắc bệnh đái tháo đường giảm tiết insulin nhanh chóng trong vòng 5 năm sau khi mắc bệnh. Vì vậy, nếu được chẩn đoán sớm và điều trị tốt trước khi tình trạng rối loạn tiết insulin trở nên trầm trọng hơn có thể ngăn chặn bệnh tiến triển và ngăn ngừa được các biến chứng.
Theo nghiên cứu, những bệnh nhân kiểm soát lượng đường trong máu tốt với A1C dưới 6,5 trong năm đầu tiên sau khi được chẩn đoán mắc bệnh đái tháo đường sẽ ít có khả năng phát triển các biến chứng vi mạch và biến chứng mạch máu não trong 10 năm. Nguy cơ biến chứng được nhận thấy thấp hơn nhiều.
Vì vậy, nhìn từ góc độ lâu dài, có thể thấy, việc kiểm soát tốt lượng đường trong máu thông qua việc dùng thuốc chính xác trong giai đoạn đầu chẩn đoán bệnh có vai trò rất quan trọng trong việc ngăn ngừa các biến chứng sau này.
2. Nên uống thuốc điều trị đái tháo đường thời điểm nào?
Mỗi loại thuốc có cơ chế tác dụng khác nhau nên thời gian dùng thuốc được thiết lập khác nhau để tối đa hóa hiệu quả của thuốc và giảm thiểu tác dụng phụ. Ví dụ:
- Thuốc điều chỉnh lượng đường trong máu bằng cách kích thích tiết insulin từ tuyến tụy (sulfonylureas, meglitinides) nên uống trước hoặc ngay trước bữa ăn 30 phút.
- Các loại thuốc làm chậm quá trình thủy phân carbohydrate, disacarit và hấp thu đường (chất ức chế alpha-glucosidase) nên được dùng ngay trước hoặc cùng với bữa ăn.
- Khuyến nghị nên dùng các thuốc làm tăng tác dụng của insulin ở gan, cơ và mô mỡ (metformin) cùng hoặc ngay sau bữa ăn.
- Thuốc ức chế DPP-4 được sử dụng rộng rãi gần đây có tác dụng kiểm soát lượng đường trong máu bằng cách tăng hormone incretin, làm tăng tiết insulin từ tuyến tụy, thuốc này có thể uống bất kể lúc nào.
Khi kê đơn, bác sĩ sẽ hướng dẫn cho bệnh nhân cách sử dụng và thời gian uống cụ thể của mỗi loại thuốc.
3. Dùng thuốc điều trị đái tháo đường trong thời gian dài có bị kháng thuốc?
Khả năng kháng thuốc trị đái tháo đường không phát triển. Bệnh đái tháo đường là một bệnh tiến triển. Nếu cho rằng mình đã phát triển đề kháng với thuốc và người bệnh tự ý ngừng dùng thuốc, lượng đường trong máu có thể tăng khiến bệnh nặng hơn.
Vì vậy, người bệnh không nên ngừng dùng thuốc mà không có chỉ định của bác sĩ. Cần tham khảo ý kiến bác sĩ về việc bổ sung thêm loại thuốc mới hoặc thay đổi loại thuốc.
4. Thực phẩm chức năng không thay thế thuốc điều trị đái tháo đường
Thực phẩm chức năng liên quan đến bệnh đái tháo đường ít có tác dụng hạ đường huyết so với thuốc. Vì vậy, nếu tự ý ngừng dùng thuốc điều trị đái tháo đường mà thay thế bằng thực phẩm chức năng bảo vệ sức khỏe, lượng đường trong máu sẽ tăng cao và tình trạng bệnh có thể trầm trọng hơn, dẫn đến phải tăng liều thuốc điều trị. Vì vậy, người bệnh cần lưu ý là không có thực phẩm chức năng nào có thể thay thế thuốc điều trị.
5. Có bị thiếu hụt dinh dưỡng nếu dùng thuốc điều trị đái tháo đường trong thời gian dài?
Dùng thuốc điều trị đái tháo đường lâu dài không gây thiếu hụt dinh dưỡng. Tuy nhiên, dùng metformin, một trong những loại thuốc điều trị đái tháo đường phổ biến, trong thời gian dài và với liều lượng cao có thể gây thiếu hụt vitamin B12. Tuy nhiên, không phải tất cả bệnh nhân đang dùng thuốc metformin đều phải bổ sung vitamin B12. Nếu phát hiện thấy sự thiếu hụt thông qua kiểm tra xét nghiệm, bác sĩ có thể chỉ định người bệnh cần bổ sung.
6. Thuốc điều trị đái tháo đường có làm tổn thương và tăng nguy cơ ung thư tuyến tụy?
Bệnh nhân đái tháo đường có nguy cơ cao bị tổn thương và ung thư tuyến tụy. Tuy nhiên, nguyên nhân không phải do thuốc điều trị. Lý do trực tiếp và gián tiếp khiến bệnh đái tháo đường làm tăng tỷ lệ mắc ung thư tuyến tụy là do tuyến tụy tiếp tục sản xuất insulin để kiểm soát lượng đường trong máu cao, làm tăng tốc độ suy giảm chức năng của tuyến tụy. Vì vậy, cần tăng cường kiểm soát lượng đường trong máu bằng cách dùng thuốc điều trị thích hợp để có được tác dụng bảo vệ tuyến tụy.
Mời xem thêm video được quan tâm:
Bệnh nhân đái tháo đường có cần kiêng hoa quả ngọt?