Những người có nguy cơ cao nhiễm HIV nên biết cách tự bảo vệ mình khỏi virus.
Nhóm người có nguy cơ đặc biệt cao bao gồm:
- Nam quan hệ tình dục đồng giới (MSM)
- Các cặp vợ chồng, trong đó một người nhiễm HIV và một người âm tính với HIV
- Những người không sử dụng biện pháp bảo vệ khi quan hệ tình dục
- Người tiêm chích ma túy…
1. Sử dụng PrEP (hoặc PEP) giúp dự phòng lây nhiễm HIV
PrEP là loại thuốc có thể làm giảm khoảng 99% nguy cơ nhiễm HIV của một người khi dùng theo chỉ định.
Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC), PrEP (điều trị dự phòng trước phơi nhiễm), là loại thuốc có thể làm giảm khoảng 99% nguy cơ nhiễm HIV của một người khi dùng theo chỉ định. PrEP có thể được dùng dưới dạng thuốc viên mỗi ngày một lần hoặc theo tình huống và dưới dạng tiêm.
Nếu bạn (hoặc bạn tình của mình) thường xuyên quan hệ tình dục với người nhiễm HIV, quan hệ tình dục mà không sử dụng bao cao su hoặc dùng chung kim tiêm với người khác, PrEP có thể là một công cụ mạnh mẽ để ngăn ngừa sự lây lan của HIV.
Ngoài ra, nếu bạn tin rằng mình đã bị phơi nhiễm HIV khi quan hệ tình dục, ví dụ, nếu bạn tình gần đây được chẩn đoán nhiễm HIV, bạn có thể dùng thuốc khẩn cấp gọi là PEP (hay còn gọi là điều trị dự phòng sau phơi nhiễm).
Một đợt điều trị PEP kéo dài 28 ngày, cần được thực hiện trong vòng ba ngày sau khi có khả năng bị nhiễm trùng để giúp ngăn chặn virus ‘bén rễ’ trong cơ thể.
2. Liệu pháp kháng virus
Liệu pháp kháng virus hay ART, có thể làm giảm lượng HIV trong máu xuống mức không thể phát hiện được.
Liệu pháp kháng virus hay ART, có thể làm giảm lượng HIV trong máu xuống mức không thể phát hiện được (tức là dưới 200 bản sao virus trên mỗi mililit máu).
Theo CDC, nếu bạn tình của bạn đang dùng ART và duy trì mức độ tải lượng virus không thể phát hiện được, thì nguy cơ họ truyền virus sang bạn khi quan hệ tình dục có thể hầu như bằng 0.
Kết luận này đã được chứng minh bằng kết quả của nghiên cứu PARTNER và PARTNER 2, lần lượt được công bố vào năm 2016 và 2019. Khi các nhà khoa học từ Châu Âu tuyển dụng hơn 1.000 người dương tính với HIV (cả đồng tính nam và bình thường) với tải lượng virus không thể phát hiện được cho nghiên cứu PARTNER. Họ phát hiện ra rằng, trong khoảng thời gian trung bình hai năm, không ai trong số những người tham gia truyền virus cho bạn tình âm tính với HIV của họ.
Nghiên cứu PARTNER 2 chỉ theo dõi các cặp đồng tính nam trong một năm, cũng cho thấy nguy cơ lây truyền HIV qua quan hệ tình dục không dùng bao cao su thực tế là bằng 0, khi tải lượng virus HIV bị ức chế thông qua ART.
Nếu bạn biết bạn tình của mình dương tính với HIV, hãy cố gắng nói chuyện với họ về ART nếu họ chưa sử dụng phương pháp điều trị này.
3. Hiểu về tải lượng virus
Tải lượng virus không thể phát hiện được sẽ không làm lây truyền HIV sang người khác...
Để ART có hiệu quả, người bệnh phải dùng thuốc kháng virus (ARV) hàng ngày, vào cùng một thời điểm mỗi ngày. Việc bỏ liều có thể khiến virus nhân lên mà không được kiểm soát, có thể biến đổi thành dạng kháng thuốc. Nếu điều này xảy ra, số lượng virus của một người có thể tăng lên, có nhiều khả năng truyền virus sang người khác khi quan hệ tình dục.
Nếu bạn hoặc bạn tình của bạn dương tính với HIV và đang điều trị bằng thuốc ARV, các bác sĩ khuyên bạn nên xét nghiệm tải lượng virus ít nhất hai lần một năm. Nếu kết quả cho thấy mức độ HIV không thể phát hiện được, thì ‘khá an toàn khi quan hệ tình dục’, TS. Monica Gandhi, phó trưởng khoa HIV, các bệnh truyền nhiễm và y học toàn cầu, Đại học California, San Francisco, cho biết.
4. Sử dụng bao cao su
Bao cao su không chỉ ngăn ngừa lây nhiễm HIV mà còn phòng ngừa các bệnh lây truyền qua đường tình dục...
CDC khuyến cáo, bao cao su tiếp tục là một phương pháp quan trọng và hiệu quả cao để ngăn ngừa nhiễm HIV. Ngay cả khi số lượng virus của bạn tình dương tính với HIV không thể phát hiện được thì vẫn có rất nhiều lý do bổ sung để sử dụng bao cao su.
Bao cao su không chỉ giúp ngăn ngừa mang thai ngoài ý muốn mà còn bảo vệ chống lại các bệnh lây truyền qua đường tình dục khác như giang mai, lậu, nhiễm chlamydia…, một số trong đó các bệnh này có thể làm tăng tình trạng viêm và tăng nguy cơ nhiễm HIV.
5. Không dùng chung bơm kim tiêm
Dùng chung bơm kim tiêm có thể làm tăng nguy cơ lây nhiễm HIV.
Bất cứ khi nào bạn dùng chung kim tiêm với ai đó, cho dù bạn đang tiêm steroid, hormone hay ma túy, bạn đều có nguy cơ bị nhiễm HIV và các bệnh nhiễm trùng máu khác.
Không chỉ kim tiêm có thể truyền virus, bạn cũng có thể bị nhiễm HIV khi dùng chung nước được sử dụng để làm sạch thiết bị hoặc tái sử dụng bộ lọc và các vật chứa khác. Điều này là do thiết bị hoặc nước có thể chứa máu và do đó chứa cả virus.
Điều tốt nhất bạn có thể làm nếu sử dụng ma túy là tìm cách điều trị. Ví dụ, nếu bạn sử dụng heroin, việc tham gia chương trình methadone có thể giúp bạn kiểm soát cơn nghiện mà không cần sử dụng kim tiêm, giảm nguy cơ nhiễm HIV.
6. Xét nghiệm HIV thường xuyên
Xét nghiệm để biết tình trạng nhiễm HIV của mình.
Nếu hiện tại bạn âm tính với HIV, điều quan trọng là phải được xét nghiệm xem có bất kỳ thay đổi nào về tình trạng của mình hay không. Theo CDC, nếu xét nghiệm cho thấy bạn đã nhiễm virus, thì nguy cơ lây lan virus sang người khác là lớn nhất trong giai đoạn cấp tính hoặc hai đến bốn tuần đầu tiên sau khi bị nhiễm bệnh.
Trong thời gian đó, tải lượng virus (thước đo lượng HIV trong máu) tăng đột biến, làm tăng khả năng bạn sẽ truyền virus. Mặc dù một số người gặp các triệu chứng giống như cúm trong giai đoạn cấp tính, nhưng nhiều người không biết rằng họ bị nhiễm bệnh vì không có biểu hiện nào.