Xuất hiện đau bụng
Tình trạng đau bụng có thể xảy ra nếu ăn uống không đảm bảo an toàn, tuy vậy, ở thai phụ nếu bị đau bụng dưới trong những tuần đầu sau khi mất kinh, đau âm ỉ tăng dần (kèm theo ra máu âm đạo hoặc không), thì có thể là dấu hiệu của thai ngoài tử cung.
Nếu đau dữ dội, vã mồ hôi thì có thể là thai ngoài tử cung dọa vỡ hoặc đã vỡ. Đây là một cấp cứu sản khoa, đe dọa đến tính mạng và cần được phẫu thuật kịp thời. Đau bụng cũng có thể là dấu hiệu của dọa sảy thai, sảy thai hoặc sinh non. Nếu bất cứ lúc nào trong thai kỳ, bạn thấy đau bụng từng cơn, tăng dần (có kèm theo ra máu, ra nước âm đạo hoặc không), thì cần đến ngay cơ sở y tế.
Có ra máu âm đạo
Trong thời kỳ mang thai nếu ra máu âm đạo (có thể kèm theo đau bụng hoặc không) nhưng đây có thể là dấu hiệu của một số tình trạng bệnh lý như thai ngoài tử cung, chửa trứng, thai lưu hoặc sảy thai, nhau tiền đạo, nhau bong non. Mỗi một bệnh lý sẽ có những tính chất ra máu và các triệu chứng kèm theo khác nhau và cần phải được thăm khám chuyên khoa mới xác định được.
Nếu ra máu âm đạo trong thai kỳ thì bạn cần đến ngay cơ sở y tế bằng phương tiện nhanh nhất và an toàn nhất (nằm đầu thấp) vì có thể chảy máu nhiều gây nguy hiểm đến tính mạng mẹ và con.
Xuất hiện tình trạng sốt cao trên 38,5 độ C
Sốt trong thai kỳ do nhiều nguyên nhân và có thể kèm theo phát ban ở da. Nếu sốt kèm theo có ra nước âm đạo trên 6 giờ thì có thể là do nhiễm trùng ối. Sốt cũng có thể do nhiễm một số loại virus, trong đó có một số loại như cúm, Rubella, Zika... có thể gây dị tật ở bào thai nếu mắc bệnh vào giai đoạn đầu của thai kỳ... Do vậy, khi thấy sốt cao trên 38,5°C mà không rõ nguyên nhân thì thai phụ cần đến thăm khám tại cơ sở y tế.
Không thấy cử động thai
Thai máy xuất hiện vào khoảng tháng thứ 5 của thai kỳ, cảm giác như "tôm búng" trong buồng tử cung; thai đạp thường xuất hiện từ tháng thứ 6 - 7. Nhiều khi thai "ngủ quên" không đạp khiến bà mẹ lo lắng. Thai đạp yếu hoặc không có cử động của thai, kèm theo không thấy bụng to dần lên là có thể thai chậm phát triển trong tử cung hoặc do thiểu ối, khi đó bạn cần đến cơ sở y tế khám càng sớm càng tốt.
Nếu cảm thấy bụng to lên nhanh, khó thở, không cảm nhận được thai máy hoặc thấy thai máy ở nhiều vị trí, cần đến bệnh viện để xác định có phải thai to hoặc đa ối, đa thai, hoặc có khối u...
Đau đầu, nhìn mờ
Trong thời gian thai kỳ nếu thấy tình trạng đau đầu hoặc đau đầu kéo dài kèm theo các biểu hiện khác như nhìn mờ, buồn nôn, nôn kèm theo có thể là dấu hiệu của tăng huyết áp thai kỳ hoặc tình trạng bệnh lý tiền sản giật, nặng hơn có thể là sản giật (co giật toàn thân). Đây là tình trạng bệnh lý rất nguy hiểm, ảnh hưởng đến tính mạng của bà mẹ và thai nhi. Do vậy, bà mẹ mang thai cần đến cơ sở y tế để được đo huyết áp, xét nghiệm nước tiểu và thăm khám kịp thời.
Phù
Nếu bà mẹ mang thai thấy phù ở toàn thân, phù cả ở mặt, mí mắt, tay hoặc phù kèm theo đau đầu, nhìn mờ, buồn nôn, bạn cần đến khám ngay tại cơ sở y tế vì đó có thể là dấu hiệu tăng huyết áp thai kỳ hoặc tiền sản giật, sản giật.
Tóm lại: Trong thời gian mang thai việc khám thai định kỳ là cần thiết, tuy nhiên nếu có hiện tượng bất thường thì thai phụ cần đến ngay cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị. Tránh nguy hiểm cho cả mẹ lẫn con.
Tuần lễ Làm mẹ an toàn năm 2024: "Khám thai, sinh đẻ tại cơ sở y tế để an toàn cho mẹ, mạnh khỏe cho con"
Tuần lễ Làm mẹ an toàn năm 2024 sẽ diễn ra từ ngày 1 - 7/10/2024, nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng về chăm sóc sức khỏe, dinh dưỡng cho bà mẹ và trẻ em.
Làm mẹ an toàn là một trong các nội dung quan trọng của công tác chăm sóc sức khỏe bà mẹ trẻ em. Mục tiêu của làm mẹ an toàn là nhằm nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe cho bà mẹ và trẻ sơ sinh, nhằm giảm tỷ lệ tai biến sản khoa, giảm tử vong mẹ và tử vong sơ sinh. Các nội dung giáo dục sức khỏe về làm mẹ an toàn đã được Tổ chức Y tế thế giới và nhiều nước quan tâm, trở thành nội dung quan trọng của chiến lược chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em trên toàn cầu.