1. Nên ăn bao nhiêu protein mỗi ngày?
Protein (chất đạm) là chất dinh dưỡng chứa nhiều acid amin cần thiết cho sức khỏe cơ, xương và hệ miễn dịch. Nó cũng rất cần thiết cho hoạt động của các cơ quan khác như mô, da, tóc, nội tiết tố…
Khi cơ thể không được cung cấp đủ protein sẽ xảy ra quá trình mất cơ, làm cơ teo lại hoặc yếu đi. Thiếu protein cũng dẫn đến ức chế việc hình thành kháng thể, làm giảm khả năng tiêu diệt vi khuẩn, virus gây hại của cơ thể. Vì vậy trong chế độ ăn uống hằng ngày không thể thiếu protein.
Cũng như các chất dinh dưỡng khác, có một lượng protein được coi là cơ sở mà mọi người nên ăn trong một ngày. Một số trường hợp khác cũng có thể cần nhiều protein hơn mức khuyến nghị dựa trên độ tuổi, cân nặng, chiều cao và mức độ hoạt động.
Theo hướng dẫn về mức tiêu thụ protein của Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA), người lớn nên cố gắng hấp thụ từ 10% đến 35% lượng calo hàng ngày từ nguồn protein. Đối với chế độ ăn 2.000 calo, lượng calo này sẽ từ 200 - 700 calo từ protein.
Đối với người Việt Nam, theo nhu cầu khuyến nghị của Viện Dinh dưỡng Quốc gia năm 2016, số lượng protein mỗi ngày ở người trưởng thành (19-30 tuổi) lao động vừa nam giới là 74-68g; nữ giới là 63-60g. Tuy nhiên, con số chính xác cho mỗi cá nhân còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố như độ hấp thụ protein, chế độ sinh hoạt, khả năng trao đổi chất, mức độ vận động trong ngày...
2. Dấu hiệu nhận biết bạn đang ăn quá nhiều protein
Mặc dù việc tăng lượng protein nạp vào có thể có lợi trong một số trường hợp nhưng đôi khi lại không hữu ích, thậm chí dẫn đến các tác dụng phụ và các vấn đề sức khỏe. Nghiên cứu cho thấy, nếu thường xuyên vượt quá giới hạn mức protein mức cần thiết, bạn có thể gặp các vấn đề về tiêu hóa, thận hoặc mạch máu.
Mặc dù một cơ thể khỏe mạnh thường không gặp vấn đề gì khi chuyển hóa lượng protein dư thừa nhưng những người mắc một số bệnh mạn tính có thể gặp phải những hậu quả nguy hiểm về sức khỏe do ăn quá nhiều protein.
Có thể nhận biết bạn đang ăn quá nhiều protein qua các dấu hiệu sau:
Hơi thở "Keto"
Hơi thở có mùi hôi có thể là dấu hiệu cho thấy cơ thể đang ở trạng thái ketosis- khi cơ thể bạn đốt cháy chất béo thay vì glucose làm nguồn năng lượng chính. Ketosis có liên quan đến chế độ ăn giàu protein, trong đó bao gồm cả chế độ ăn kiêng Keto.
Acetone là sản phẩm phụ của quá trình phân hủy chất béo trong cơ thể. Các hạt của nó nhỏ nên dễ thở ra. Acetone khiến hơi thở có mùi trái cây hoặc mùi sơn móng tay. Một số nghiên cứu cho thấy, ở những người khỏe mạnh, "hơi thở Keto" là dấu hiệu cho thấy họ đang giảm mỡ nếu họ đang áp dụng chế độ ăn ít carb như Keto.
Mất nước
Khi bắt đầu ăn nhiều chất đạm hơn, bạn sẽ đi tiểu thường xuyên hơn vì thận đang làm việc chăm chỉ hơn để chuyển hóa chất dinh dưỡng dư thừa. Đi tiểu nhiều có thể dẫn đến mất nước. Do đó cần phải uống nhiều nước nếu bạn đang áp dụng chế độ ăn giàu protein.
Tăng cân
Ăn quá nhiều protein có thể dẫn đến tăng cân mà không liên quan đến việc tăng cơ. Ăn nhiều protein hơn cũng có nghĩa là nhiều calo hơn và nguồn protein bạn chọn có thể chứa nhiều chất béo bão hòa.
Ngoài ra, cơ thể bạn chuyển đổi lượng protein dư thừa thành đường được lưu trữ dưới dạng chất béo. Theo thời gian, những yếu tố này góp phần làm tăng cân.
Khó chịu đường tiêu hóa
Các triệu chứng về đường tiêu hóa xảy ra khá phổ biến nếu bạn ăn nhiều protein. Đặc biệt là chế độ ăn giàu protein động vật và ít chất xơ có thể dẫn đến táo bón, buồn nôn, tiêu chảy và đau dạ dày.
Ăn quá nhiều thịt khiến cơ thể mất nhiều công sức hơn để tiêu hóa. Một số người cũng có xu hướng khó tiêu hóa các loại hạt nguyên hạt, đặc biệt nếu họ không nhai kỹ.
Nguy cơ mắc bệnh tim
Protein có thể có tác động tích cực và tiêu cực đến hệ thống tim mạch tùy thuộc vào loại protein chúng ta ăn. Protein từ thực vật như các loại đậu, quả hạch, hạt, cá và hải sản có lợi cho sức khỏe tim mạch, trong khi protein từ động vật như thịt đỏ, thịt chế biến sẵn có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim.
Vấn đề về thận và gan
Đối với người bị bệnh thận hoặc bệnh gan, quá trình phân hủy protein dư thừa tốn rất nhiều công sức, thậm chí góp phần gây suy thận.
Một vấn đề khác là amoniac, sản phẩm phụ của quá trình chuyển hóa protein được bài tiết qua nước tiểu. Nếu chức năng thận hoặc gan kém, amoniac có thể đạt đến mức độc hại và gây ra các tác dụng phụ nguy hiểm cho cơ thể.
3. Nên cân đối nguồn protein động vật và thực vật
Protein được tìm thấy trong nhiều loại thực phẩm có nguồn gốc thực vật và động vật. Ngoài việc cung cấp đầy đủ số lượng protein thì việc cân đối hợp lý nguồn thực phẩm giàu protein cũng đóng vai trò quan trọng. Protein từ nguồn động vật được cơ thể sử dụng dễ dàng hơn nhưng protein từ thực vật có lợi trong việc tăng cường sức khỏe tổng thể.
Theo PGS.TS. Nguyễn Thị Lâm, nguyên Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia, bữa ăn hằng ngày nên cân đối giữa đạm động vật và thực vật.
Nguồn đạm động vật bao gồm: thịt gà, thịt thăn, cá, hải sản, sữa và các chế phẩm từ sữa… Đạm trong trứng và sữa là đạm chuẩn dễ hấp thụ. Nguồn protein trong lòng trắng trứng rất tốt có thể làm tăng khối cơ.
Nguồn đạm thực vật bao gồm: đậu phụ, đậu đỗ, giá đỗ, vừng, lạc, rau... Đậu đỗ có hàm lượng đạm cao. Đậu tương có giá trị dinh dưỡng rất cao, nguồn đạm trong đậu tương có giá trị như đạm động vật.
Xem thêm video đang được quan tâm:
6 thực phẩm giàu protein tốt cho người ăn chay.